Các đại lý chính hãng của hãng xe được lập trung tâm đăng kiểm
Cụ thể, nghị định 30/2023/NĐ-CP bỏ quy định "Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới" của nghị định 139/2018/NĐ-CP.
Theo lý giải của ban soạn thảo nghị định 30, việc bỏ quy định trên nhằm có thể huy động được tối đa các nguồn lực của xã hội như cơ sở bảo hành, bảo dưỡng 3S, 4S của các nhà sản xuất ô tô… tham gia dịch vụ kiểm định xe.
Từ thực tế quá tải hệ thống đăng kiểm vừa qua do tình huống bất thường, nghị định 30 quy định trong trường hợp hệ thống các đơn vị đăng kiểm không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của tổ chức và cá nhân thì cho phép huy động đơn vị đăng kiểm và nhân lực của lực lượng quân đội và công an tham gia hỗ trợ kiểm định xe cơ giới.
Nghị định quy định rõ hơn điều kiện về cơ cấu tổ chức, nhân lực của các đơn vị đăng kiểm. Bộ phận lãnh đạo của trung tâm đăng kiểm phải có tối thiểu 1 lãnh đạo đủ điều kiện ký giấy chứng nhận kiểm định.
Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 2 đăng kiểm viên bảo đảm thực hiện đủ các công đoạn kiểm định (giảm 1 người so với quy định hiện hành).
Nghị định 30 bỏ quy định giới hạn số lượng xe được cấp giấy chứng nhận kiểm định trong ngày (trong 8 giờ làm việc) tại các trung tâm đăng kiểm.
Quy định này nhằm tạo điều kiện cho các trung tâm đăng kiểm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cải tiến quy trình kiểm định, nâng cao năng suất lao động…
Về điều kiện đăng kiểm viên, nghị định không còn bắt buộc mọi học viên có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên.
Theo đó, những học viên có kinh nghiệm làm việc trực tiếp 12 - 24 tháng tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, thời gian thực tập sẽ còn 6 tháng, làm việc trên 24 tháng thì thời gian thực tập còn 3 tháng.
Quy định này vừa phù hợp thực tiễn vừa bổ sung kịp thời nhân lực đăng kiểm viên thiếu hụt sau khi có nhiều trung tâm đăng kiểm bị khởi tố vì tiêu cực.
Phân cấp quản lý hoạt động đăng kiểm cho địa phương
Để ngăn ngừa sự tùy tiện trong việc xử lý vi phạm, có thể dẫn đến nhận định thiếu khách quan, tiềm ẩn nguy cơ sinh ra tiêu cực của cơ quan quản lý, nghị định quy định trung tâm đăng kiểm vi phạm đến mức nào thì bị tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian 1 tháng hoặc 3 tháng. Trước đây chỉ có quy định khung thời gian tạm đình chỉ từ 1 - 3 tháng.
Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định chỉ thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên khi "bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án".
Tuy nhiên, nghị định 30/2023/NĐ-CP quy định cụ thể thu hồi chứng nhận đăng kiểm viên khi "bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới".
Quy định mới này xuất phát từ thực tế Cục Đăng kiểm huy động đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại đi làm việc trong thời gian qua.
Thứ hai, quy định trên phù hợp với nguyên tắc áp dụng hình phạt bổ sung quy định tại Bộ luật Hình sự. Nếu đăng kiểm viên vi phạm các tội thuộc lĩnh vực khác mà chỉ bị cải tạo không giam giữ thì vẫn có thể làm đăng kiểm viên.
Nghị định 30 quy định cụ thể việc phân cấp quản lý hoạt động kiểm định xe cho UBND các tỉnh, thành phố, sở giao thông vận tải trong thực hiện quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm.
Còn Bộ Giao thông vận tải và Cục Đăng kiểm tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước về kiểm định; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; thanh tra, kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, sẽ có nhiều đối tượng được tham gia đăng kiểm và việc quản lý được phân cấp nhiều hơn cho địa phương.