Tại cuộc trao đổi với báo chí chiều 7/6 về tình hình cung ứng điện, đại diện Bộ Công Thương, ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Điều tiết điện lực bày tỏ, rất mong khách hàng, người dân, doanh nghiệp chia sẻ với khó khăn của ngành điện, cùng chung tay để vượt qua tình hình căng thẳng về cung ứng điện.
"Với bất kỳ lý do gì thì việc để thiếu điện để cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm không thể biện minh của cơ quan quản lý Nhà nước, ngành điện, chúng tôi xin gửi lời xin lỗi tới nhân dân, doanh nghiệp. Đây là lúc chúng ta cần nói giải pháp khả thi để giải quyết khó khăn", ông Hòa chia sẻ.
Lời xin lỗi của đại diện Bộ Công Thương được trong bối cảnh nhiều địa phương tại miền Bắc, trong đó có Hà Nội bị mất điện liên tục những ngày qua, người dân, doanh nghiệp phải chịu cảnh nóng bức, phải dừng sản xuất khi không có điện.
Trên hành lang Quốc hội sáng 8/6, trao đổi với Người Đưa Tin, đại biểu Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội - đánh giá cao lời xin lỗi của lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực với nhân dân.
“Điều này thể hiện trách nhiệm đạo đức của các nhà lãnh đạo, quản lý đối với xã hội”, ông Sơn nói và cho rằng, việc này nên trở thành hoạt động thường xuyên.
Song, vị đại biểu cũng nhấn mạnh rằng, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cần phải thực hiện lời xin lỗi một cách đúng đắn, biến lời xin lỗi này thành hành động cụ thể, có trách nhiệm để lời xin lỗi đó không phải là lời xin lỗi suông.
“Cán bộ phải có trách nhiệm với lời xin lỗi. Sau lời xin lỗi phải có hành động cụ thể, để lời xin lỗi đó phải thực sự xuất phát từ chính trái tim của người có trách nhiệm đến lĩnh vực này. Có như vậy mới nhận được sự công nhận, đánh giá cao của xã hội, của nhân dân”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu rõ.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng đánh giá cao lời xin lỗi của đại điện Bộ Công Thương.
“Xin lỗi là cần thiết, làm sai thì phải xin lỗi, làm cái gì không đúng thì phải xin lỗi. Đó là văn hoá tối thiểu trong cuộc sống. Tôi mừng vì văn hoá đó đã thâm nhập vào công tác quản lý, lãnh đạo”, ông Trí nói.
Vị đại biểu cũng cho rằng, xin lỗi xong thì phải có biện pháp sửa chữa, khắc phục, chứ không phải xin lỗi để cho qua, hay tạm thời làm xoa dịu sự bức xúc của dư luận, của nhân dân.
Tại cuộc trao đổi, nói về cách thức tiết giảm điện trong thời gian qua, đại điện Ban Kinh doanh của EVN cho biết ngay từ đầu tháng 6, EVN đã triển khai theo đúng Thông tư 34 và thực hiện mức tiết giảm khoảng 30% công suất, tương đương 6-10% sản lượng tiêu thụ ở miền Bắc.
Việc tiết giảm được tính toán lập kế hoạch dựa trên nguyên tắc ưu tiên khách hàng sử dụng điện quan trọng được UBND tỉnh phê duyệt và ưu tiên hoạt động phục vụ chính trị, xã hội quan trọng.
"Bên cạnh đó, ưu tiên khách hàng tùy theo từng địa phương, căn cứ thực tế xã hội, địa phương như sinh hoạt dân cư, thương mại dịch vụ, các phụ tải sản xuất mặt hàng thiết yếu như nước sạch, chế biến thực phẩm, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động...", đại diện EVN cho biết
Đồng thời, lãnh đạo EVN đã trao đổi, báo cáo UBND TP Hà Nội và các tỉnh để báo cáo đề nghị hỗ trợ và tăng cường chỉ đạo tiết kiệm điện.