Sự sụt giảm hoặc tăng thấp của công nghiệp diễn ra ở nhiều tỉnh
Theo báo Đầu Tư, tốc độ tăng Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) bắt đầu chậm lại từ quý IV/2022 (chỉ tăng 3%) và giảm trong các tháng đầu năm 2023. Đây là hiện tượng hiếm thấy và ngược chiều so với cùng kỳ nhiều năm trước đây (5 tháng năm nay giảm 2%, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%).
Đáng chú ý, IIP giảm/tăng thấp diễn ra ở 2 ngành chủ yếu: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - tiêu chí chủ yếu nhất của nước công nghiệp - tăng thấp hơn và giảm sâu hơn so với toàn ngành; ngành khai khoáng có tỷ trọng lớn thứ 2 giảm 3,5%. Ngành là sản xuất và phân phối điện tăng nhẹ 0,8%; ngành cung cấp nước và hoạt động xử lý nước thải, rác thải tăng 6,4%, nhưng 2 ngành này chiếm tỷ trọng nhỏ.
Đặc biệt trong 32 sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có 16 sản phẩm bị giảm. Đặc biệt, một số sản phẩm giảm sâu (trên 10%), hoặc sản phẩm có giá trị lớn là dầu thô, khí đốt, khí hỏa lỏng, vải dệt từ sợi tự nhiên, quần áo, giày dép da, urê, xi măng, thép, điện thoại, linh kiện điện thoại, ô tô, xe máy… Đó là những sản phẩm vốn có thế mạnh về lao động, kỹ thuật - công nghệ và thị trường.
Năm nay sự sụt giảm hoặc tăng thấp của công nghiệp diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có những địa phương trọng điểm về công nghiệp của cả nước, như Quảng Nam, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Những diễn biến trên đã tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu về giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp, đến tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo, đến mục tiêu tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế và GDP bình quân đầu người đã đề ra cho cả năm 2023 cũng như mục tiêu 5 năm 2021 - 2025.
Theo đánh giá, tình trạng này có thể còn tiếp tục trong những tháng tới, do nhiều yếu tố.
Trước hết, là chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp. Toàn ngành giảm 3,5%, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sâu hơn (3,7%). Một số ngành cụ thể còn giảm sâu hơn nữa, như sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất kim loại; dệt, may; sản xuất da và các sản phẩm khác có liên quan; sản xuất vật liệu xây dựng…
Thống kê 5 tháng đầu năm cho thấy, có 42/63 địa bàn có chỉ số sử dụng lao động giảm, trong đó có 19 địa bàn giảm sâu, như Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ…
Vốn đầu tư tuy có chuyển biến, nhất là vốn FDI thực hiện tăng trở lại và tiếp tục tập trung cho công nghiệp; vốn đầu tư công giải ngân có khá hơn, nhưng vẫn đạt tỉ lệ thấp, hơn 1 triệu tỷ đồng vẫn “nằm im” trong ngân quỹ.
Nhập khẩu vật liệu, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng phục vụ sản xuất giảm, cho thấy, hoạt động của doanh nghiệp rất khó khăn.
Trong 5 tháng qua, so với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp công nghiệp khởi nghiệp giảm 1,6%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 7,4%; số doanh nghiệp giải thể tăng 6,5%; số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng 20,3%; số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 34,1%. Những doanh nghiệp đang hoạt động gặp rất nhiều khó khăn ở đầu ra.
Dự báo năm 2023 hoạt động sản xuất công nghiệp vừa là cơ hội vừa là thách thức
Thông tin trên Bộ Công Thương, mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 5 đã có những tín hiệu khởi sắc.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt hơn, kéo theo sự tham gia của nhiều quốc gia, khu vực; chính sách tiền tệ thắt chặt tác động mạnh hơn tới doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu; nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao, rủi ro tăng trở lại...
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, năm 2023 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó có khả năng chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỉ giá. Hai động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước có thể gặp nhiều thách thức. Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát có xu hướng tăng, cản trở sự hồi phục kinh tế...
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định đúng tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 5 đã có những tín hiệu khởi sắc.
Tuy nhiên, là nền kinh tế có độ mở lớn, khả năng chịu đựng với các cú sốc bên ngoài còn yếu, phụ thuộc nhiều vào khối FDI (trong 5 tháng đầu năm 2023, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu, 65% kim ngạch nhập khẩu); công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, sản xuất, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu... Trong khi đó, chi phí đầu vào, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay mặc dù đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; thị trường đầu ra bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, một số lĩnh vực chỉ mới có tín hiệu phục hồi đơn hàng từ đầu quý III/2023... đã tác động làm suy giảm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023.
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030. Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển thân thiện với môi trường, công nghiệp xanh...
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 11,0-12,5%/năm.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 11,0-12,5%/năm.
Theo đó, Chiến lược sẽ huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại. Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử và viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Mục tiêu tổng quát được đặt ra là đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu; đội ngũ lao động có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.
Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.
Phấn đấu đến năm 2025 tỉ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 43-44% và năm 2035 chiếm 40-41% trong cơ cấu kinh tế cả nước; tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu/tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 85-88%, sau năm 2025 đạt trên 90%; giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt khoảng 45% tổng GDP, sau năm 2025 đạt trên 50%.
Chỉ số ICOR (Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) công nghiệp giai đoạn 2011-2025 đạt 3,5-4,0%; giai đoạn 2026-2035 đạt 3,0-3,5%; hệ số đàn hồi năng lượng/GDP năm 2015 đạt 1,5; năm 2020 đạt 1,0 và đến năm 2035 duy trì ở mức 0,6-0,8, tiệm cận với các nước trong khu vực.
Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, những còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng ấn tượng.
Xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý I, gia tăng dần ở quý II sau đó bứt phá ở nửa cuối năm.
Trúc Chi (t/h)