Viện núi lửa và địa chấn học Philippines cho biết mức cảnh báo số 3 có nghĩa là núi lửa Mayon đang thể hiện sự phun trào magma của vòm dung nham trên đỉnh núi, với khả năng gia tăng các dòng dung nham, nham thạch nguy hiểm ảnh hưởng tới sườn bên trên và sườn giữa của núi lửa. Theo Viện núi lửa và địa chấn học Philippines, núi lửa Mayon có thể bùng phát vụ phun trào lớn trong vòng vài tuần, thậm chí vài ngày tới.
Viện núi lửa và địa chấn học Philippines đã khuyến cáo sơ tán người dân sống trong khu vực nguy hiểm có bán kính 6 km quanh núi lửa Mayon. Người dân sống dọc các sông suối được yêu cầu cảnh giác trước các dòng chảy đầy trầm tích. Viện núi lửa và địa chấn học Philippines cũng kêu gọi cơ quan quản lý hàng không dân dụng khuyến cáo phi công tránh đưa máy bay bay gần đỉnh núi lửa, đề phòng vụ phun trào đột ngột gây tro bụi.
Từ ngày 5/6, Viện núi lửa và địa chấn học Philippines đã nâng cảnh báo phun trào của núi lửa Mayon từ mức số 1 - “có dấu hiệu bất ổn” lên mức cảnh báo số 2 – mức “khó kiểm soát”. Theo ghi nhận của cơ quan này, từ đầu tuần đến hôm nay, số lượng và khối lượng đá lở trên đỉnh núi lửa ngày càng nhiều với tổng số 267 vụ đá lở và 02 trận động đất núi lửa.
Núi Mayon cao 2.464m thuộc tỉnh Albay nằm trên đảo Luzon, cách thủ đô Manila 300km về phía Đông Nam là một trong những ngọn núi lửa hoạt động thường xuyên và mạnh nhất ở Philippines. Đây cũng là một điểm đến du lịch được ưa thích tại Philippines. Lần phun trào dữ dội nhất của núi lửa Mayon vào năm 1814 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.200 người và vùi lấp 3 thị trấn. Lần gần đây nhất núi lửa Mayon phun trào là năm 2018./.