Chị Vân Anh, một nhân viên ngân hàng, nhắn tin cho mọi người trong nhà về kế hoạch đối phó với lịch cúp điện vừa được thông báo trong khu dân cư.
Đây có lẽ là cách mà nhiều gia đình ở Hà Nội làm khi nhận tin báo cúp điện những ngày qua. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phương án dành cho những nhà có điều kiện.
Nhiều cư dân khác đành chịu trận với nắng nóng, cố gắng xoay trở các sinh hoạt gia đình trong những không gian chật chội.
Một nữ nhà văn nổi tiếng vừa kể trên mạng câu chuyện mất điện của Hà Nội thời bao cấp, bức bối trong căn tập thể cũ, một tay cầm quạt nan "quạt điên loạn", một tay bế con đi rong mà ngao ngán không ngờ sau 35 năm lại chứng kiến cảnh mất điện y chang ngày đấy, "điện cắt như 1988".
Những ngày đầu bị cúp điện, nhiều nhà nháo nhào, lo con nhỏ, lo cho người già, giấc ngủ, bữa ăn đều xáo trộn. Sau một tuần, hai tuần, ai cũng có kế hoạch phòng thân để "sống chung với cúp điện".
Nhưng dù kế hoạch hoàn hảo thế nào, nhiều khi "chạy trời cũng không chạy khỏi cảnh điện cúp". Bao nhiêu gia đình vì sợ hãi "combo" nắng nóng kỷ lục miền Bắc do El Nino cộng với điệp khúc cắt điện - báo hoặc không báo trước - đã rời khỏi Hà Nội. Nhưng chạy lòng vòng cũng vướng cúp điện...
"Thiếu trước, hụt sau" vốn là tình cảnh thường xảy ra khi không có tính toán, dự liệu từ trước.
Nhưng với ngành điện, vốn được coi là lĩnh vực trọng yếu, là an ninh năng lượng quốc gia, chúng ta đã có quy hoạch rõ, nào quy hoạch điện VI, VII và mới đây đã ban hành quy hoạch điện VIII, tại sao điện vẫn thiếu, người dân ngay giữa thủ đô sau nhiều năm đổi mới vẫn phải chạy túa ra ngoài giữa đêm vì mất điện, nóng không chịu nổi?
Nhưng nỗi khổ mất điện của người dân Hà Nội liệu có thấm gì so với nhiều nơi khác, việc cắt điện còn mạnh tay hơn?
Tối tăm, nóng bức, nhiều cô cậu sĩ tử chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp quan trọng phải ôn bài dưới ánh đèn điện thoại. Rồi bao nhiêu doanh nghiệp đang lo sốt vó vì chậm đơn hàng, công nhân phập phù bữa làm, bữa nghỉ?
Tại cuộc họp báo Bộ Công Thương ngày 7-6, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đã xin lỗi người dân, doanh nghiệp vì liên tục để mất điện. Nhưng cùng với lời xin lỗi lại cho biết sắp tới có thể còn mất điện... nhiều hơn nữa.
"Tới đây, hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày". Thông tin của ông cục trưởng khiến người dân càng lo lắng.
Thủy điện Sơn La, thủy điện lớn nhất Việt Nam, đã xuống mực nước chết, người dân còn đi bộ giữa lòng hồ khô cạn.
Đến lúc này, có lẽ điều người dân cần không phải là lời xin lỗi mà là câu trả lời bao giờ hết cảnh cúp điện? Quy hoạch không đúng hay thực hiện không đúng quy hoạch nên thiếu điện?
Câu hỏi nóng bỏng ấy cần trả lời sòng phẳng bởi kết luận thanh tra và xử lý trách nhiệm rõ ràng thay vì đổ hết lỗi cho ông trời mưa nắng. Có thế người dân mới không phải chịu đựng "combo" nắng nóng - cúp điện.
Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) thông báo trong ngày 8-6, nhiều nơi trên địa bàn TP Hà Nội bị cắt điện luân phiên. Đáng chú ý, tại thị xã Sơn Tây và huyện Thanh Oai mất điện rất nhiều địa điểm.