Việc tuyển dụng này theo nghị định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ của Chính phủ (còn gọi là nghị định 140).
Theo Bộ Nội vụ, đến cuối năm 2022 tại 37 cơ quan trung ương và 58 địa phương có 387 hồ sơ đáp ứng tiêu chuẩn theo nghị định 140. Kết quả thu hút được 135 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, 123 nhà khoa học trẻ vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.
Từ Văn phòng Chính phủ...
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được Văn phòng Chính phủ lần đầu thực hiện. Trước đó, cơ quan này tuyển dụng những cán bộ yêu cầu về kinh nghiệm thay vì bằng cấp.
Việc tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp trước đây chỉ áp dụng cho một số đơn vị như lễ tân, văn thư, lưu trữ. Hầu hết các đơn vị phòng ban chuyên môn đều phải tuyển cán bộ có kinh nghiệm.
Với cơ chế tuyển mới này, những ứng viên trúng tuyển sẽ làm việc tại các đơn vị cục/vụ chuyên môn của Văn phòng Chính phủ như Vụ Tổng hợp, Công nghiệp, Vụ Nông nghiệp, Kinh tế tổng hợp, Khoa giáo văn xã, Quan hệ quốc tế, Nội chính, Đổi mới doanh nghiệp...
Việc ưu tiên ứng viên có bằng cấp xuất sắc là để hình thành và phát triển lực lượng cán bộ trẻ có kiến thức tốt được đào tạo qua trường lớp có thể phát huy năng lực vào thực tiễn.
Đặc thù công việc tại các cơ quan chuyên môn của Văn phòng Chính phủ là tham mưu xây dựng, thẩm định chính sách, luôn yêu cầu và ưu tiên cán bộ có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ trẻ có tri thức tốt sẽ phát huy năng lực và các kiến thức học được từ nhà trường, kết hợp với thực tiễn để tham gia xây dựng chính sách. Đây cũng là lớp cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng lâu dài nhằm xây dựng thế hệ cán bộ kế cận vừa có kiến thức tốt, vừa giỏi chuyên môn.
Một lãnh đạo liên quan cho hay việc tuyển dụng 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc là thực hiện theo nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ, thu hút nhân lực, trong đó có nghị định 140 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Việc tuyển dụng này nhằm thu hút, tạo nguồn công chức từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc để tuyển chọn những người có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn, chuyên ngành đào tạo, bổ sung, tăng cường cho các đơn vị, góp phần nâng cao hơn nữa đội ngũ cán bộ công chức.
Các tiêu chí tuyển dụng cơ bản bám sát nghị định 140. Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ bổ sung thêm tiêu chí là "đảm bảo tiêu chuẩn về chính trị nội bộ", sẽ được cơ quan này phối hợp thẩm định khi có kết quả xét tuyển đối với các ứng viên.
...đến các bộ, ban, ngành
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-6, đại diện Ban Nội chính Trung ương cho biết ban đã tuyển dụng nhiều công chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo nghị định 140.
Cụ thể, tháng 7-2022, lãnh đạo ban trao quyết định tuyển dụng công chức tập sự cho năm công chức. Đến tháng 2-2023, lãnh đạo ban tiếp tục trao quyết định tuyển dụng công chức tập sự đợt hai cho năm công chức.
Tất cả đều là sinh viên, nhà khoa học trẻ. Tại các buổi trao quyết định, lãnh đạo Ban Nội chính đều nêu rõ ban luôn quan tâm tổ chức các đợt thi tuyển công chức theo nghị định 140 vào các vụ, đơn vị thuộc ban nhằm bổ sung lực lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Trong khi đó, Bộ Tài chính là đơn vị đầu tiên trên cả nước tổ chức thực hiện thu hút và tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Đến cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã tổ chức tuyển dụng 88 chỉ tiêu và đã tuyển dụng được 51 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào công tác. Trong đó 49 trường hợp công tác tại cơ quan bộ và hai trường hợp công tác tại Kho bạc Nhà nước.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được tuyển dụng đều hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có người được đánh giá cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng áp dụng kiến thức vào lĩnh vực phụ trách, có triển vọng phát triển.
Ngoài Bộ Tài chính, ở Trung ương còn có Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính, Bộ Nội vụ... và nhiều bộ, ngành khác cũng tổ chức tuyển dụng công chức theo chính sách này.
Địa phương tiếp tục thu hút
Ông Tạ Công Dũng - giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi - cho biết từ khi triển khai nghị định 140, Quảng Ngãi tuyển dụng được năm người.
Trong đó, hai cán bộ làm ở Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi, một giáo viên giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Khiết, một cán bộ Sở Xây dựng và một cán bộ Phòng Quản lý đô thị TP Quảng Ngãi.
Năm nay, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục tuyển dụng nguồn nhân lực theo chính sách thu hút. Hiện Sở Nội vụ đang chờ các đơn vị gửi thông tin nhu cầu tuyển dụng để tổng hợp và thông báo đến sinh viên, nhà khoa học trẻ ứng tuyển.
Anh Cao Lê Tùng Nghĩa - bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi - cho biết đơn vị thu hút được hai sinh viên xuất sắc vào đầu năm 2022. Chị Võ Thị Thu Ngoan (25 tuổi) tốt nghiệp xuất sắc ngành sư phạm lịch sử, có giải ba học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử.
Chị Thu Ngoan đã hoàn thành chương trình học thạc sĩ sau khi được tuyển dụng; chị Lê Huyền Trang (28 tuổi) là thạc sĩ, từng đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Anh Nghĩa nói: "Các bạn có năng lực rất cao, mọi công việc được giao đều hoàn thành tốt. Gần như hoàn hảo trong các kỹ năng từ giao tiếp đến xử lý công việc. Tỉnh đoàn cũng có nhu cầu tuyển dụng thêm, nhưng thật sự rất khó.
Tuyển được hai bạn này cũng là may mắn, nhiều bạn hồ sơ rất ổn nhưng lại không đáp ứng tiêu chí nên không tuyển được. Thật sự rất tiếc".
Chị Ngoan chia sẻ từng làm việc ở các thành phố lớn, thu nhập gấp đôi so với mức thu nhập hiện tại. Vậy nên, vấn đề thu nhập chị Ngoan không đặt lên hàng đầu mà quan trọng hơn là môi trường làm việc.
Theo chị Ngoan, muốn thu hút được nhân tài cần có chính sách đãi ngộ tương xứng và tạo được môi trường làm việc thích hợp để nguồn nhân lực phát huy thế mạnh của mình.
Đồng quan điểm, anh Trần Quang Sĩ (27 tuổi), cán bộ Phòng Quản lý đô thị TP Quảng Ngãi, cho biết muốn tuyển được nguồn nhân lực này các cơ quan nhà nước cần phối hợp với các trường ngay từ khi sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường.
"Những người giỏi nhất đã được các tập đoàn, công ty lớn săn đầu người từ khi học năm 3. Tôi cũng được họ mời về thực tập, ra trường là nhận vào làm luôn. Cuối năm 2021, tôi về quê đăng ký tuyển dụng theo chính sách thu hút và được nhận vào Phòng quản lý đô thị làm cho đến giờ.
Nếu nói về mức lương hiện tôi nhận thì không thể so sánh với mức thu nhập trước đây tôi đã nhận. Tôi trở về quê bởi "máu" cống hiến, muốn góp sức vào cuộc phát triển của Quảng Ngãi", anh Sĩ nói.
* Bộ trưởng Bộ Nội vụ PHẠM THỊ THANH TRÀ:
Đẩy mạnh hơn cơ chế tuyển sinh viên xuất sắc
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đang triển khai có hiệu quả ở nhiều cơ quan, địa phương trên cả nước với hơn 1.000 hồ sơ tham gia.
Tới đây, để đẩy mạnh hơn cơ chế tuyển dụng với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, rà soát sửa đổi các quy định, nghị định liên quan tới thu hút và trọng dụng nhân tài để khả thi, hiệu quả hơn.
* Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ NGUYỄN TIẾN DĨNH:
Xây dựng môi trường và tạo cơ chế hỗ trợ
Chính sách tuyển dụng công chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để bổ sung, tạo nguồn cho các cơ quan hành chính là rất tốt.
Tuy nhiên, kết quả tuyển dụng thời gian vừa qua cho thấy số lượng vẫn còn khiêm tốn nên cần phải có cơ chế, chính sách mới, mạnh hơn. Hiện nay, tôi được biết Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án mới về nội dung này và tới đây có lẽ sẽ nâng lên thành thu hút tài năng.
Thực tế, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc chưa phải hoàn toàn là tài năng bởi tài năng phải trải qua kết quả thực tiễn. Nhưng kết quả học tập là bước đầu hết sức quan trọng. Bởi có học giỏi thì năng lực, tư duy sẽ tốt hơn.
Thêm vào đó, từ thực tế ngồi ở ghế nhà trường tới thực tiễn làm việc có rất nhiều thứ khác nhau nên sinh viên xuất sắc sẽ không có kinh nghiệm. Do đó, cơ quan tuyển dụng phải xây dựng môi trường và tạo điều kiện để hỗ trợ, bồi dưỡng, giúp đỡ các sinh viên này.
Bên cạnh đó, vấn đề thu hút các sinh viên giỏi, nhà khoa học trẻ vào cơ quan hành chính công thường hạn chế do thu nhập không cao, môi trường làm việc, sử dụng, tạo điều kiện... Do đó, điều quan trọng nhất là phải xây dựng cơ chế đặc thù, nhất là về thu nhập cho các sinh viên giỏi.
Ngoài cải cách chính sách tiền lương chung với cán bộ, công chức thì với những người có tài năng cần có chính sách lương riêng mới có thể giữ, thu hút được. Cùng với đó, có chính sách tạo điều kiện về công việc, thăng tiến... cho họ.
Đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ
Sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học, đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau đây:
- Đạt giải ba cá nhân trở lên học sinh giỏi cấp tỉnh
- Đạt giải khuyến khích trở lên học sinh giỏi cấp quốc gia
- Bằng khen trở lên thi học sinh giỏi quốc tế một trong các môn khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học) và khoa học xã hội (ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ)
- Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế.
- Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Olympic toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học được Bộ GD-ĐT công nhận.
(Theo nghị định 140/2017/NĐ-CP)
TP.HCM: thực hiện quy trình tuyển chọn vào quý 3-2023
Theo báo cáo của Sở Nội vụ TP.HCM, triển khai nghị định 140 đến nay qua 5 năm TP chưa tuyển dụng được sinh viên xuất sắc nào.
Về nguyên nhân, theo ông Lâm Hùng Tấn - phó giám đốc Sở Nội vụ, thì đối tượng thu hút, tuyển dụng bảo đảm đúng theo nghị định 140 là những trường hợp có trình độ, kết quả học tập xuất sắc và số lượng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được thu hút là rất ít.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như: sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có nhiều cơ hội có học bổng học tập trong và ngoài nước nên chưa quan tâm việc tuyển dụng làm việc cho TP; chế độ, chính sách tiền lương, thu nhập của đơn vị hành chính TP.HCM thấp hơn so với các đơn vị ngoài khu vực công; mức sống và chi phí sinh hoạt tại TP.HCM cao trong khi chính sách thu hút của nghị định 140/2017 lại đưa ra quy định chung cả nước nên cần cơ chế, chính sách nâng cao thu nhập, hình thức đãi ngộ mới...
Để tạo bước chuyển biến tích cực trong thu hút nhân lực chất lượng cao, Sở Nội vụ đang triển khai cho các cơ quan, đơn vị của TP đăng ký nhu cầu thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2023. Dự kiến trình UBND TP ban hành kế hoạch tuyển chọn vào tháng 6-2023 và thực hiện quy trình tuyển chọn vào quý 3-2023.
THÁI AN
Quảng Bình: đã tuyển được hai người
Theo Sở Nội vụ Quảng Bình, từ năm 2020 đến nay tỉnh này tuyển được hai sinh viên xuất sắc theo nghị định 140. Trong đó, một người đang làm việc tại Thanh tra tỉnh.
Người còn lại đang làm việc tại một đơn vị trực thuộc UBND TP Đồng Hới. Để được tuyển theo diện thu hút, cả hai người này đều tốt nghiệp đại học hạng xuất sắc, điểm rèn luyện cũng xuất sắc...
Q.NAM
Quảng Ninh: thông qua nghị quyết về chính sách thu hút
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-6, bà Phạm Thị Thùy Hương - chánh văn phòng Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh - cho biết ngày 9-12-2022 HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết 05 về chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; chính sách hỗ trợ đào tạo cán bộ sau đại học đối với viên chức Trường đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, viên chức y tế trong các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2023-2025.
"Hiện nay chúng tôi đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về nhu cầu tuyển dụng để xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh Quảng Ninh. Tinh thần của tỉnh về tuyển dụng là 50-50, tức là 50% tuyển dụng nguồn cao là các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và còn lại là diện thường, tuy nhiên cũng phải từ bằng khá trở lên" - bà Hương cho hay.
TIẾN THẮNG
Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp được các trường đại học công bố khiến nhiều người "té ngửa" vì toàn những con số trong mơ, có trường tỉ lệ sinh viên có việc làm lên đến 100%.