Một cuộc suy thoái được dự báo từ lâu ở Mỹ vẫn chưa xảy ra và nhiều nhà kinh tế đang tự hỏi là liệu điều đó có xảy ra hay không. Một số tờ báo lớn của Mỹ nhận định hiện nền kinh tế Mỹ chưa, còn xa và thậm chí có thể không bị rơi vào suy thoái.
Tờ Market Watch cho biết, hôm 6/6 tuần này Goldman Sách đã giảm tỷ lệ về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới từ 35% trước đó xuống còn 25%. Các nhà dự báo khác đã đẩy xa thêm thời điểm khả năng xảy ra suy thoái đến cuối năm nay. Một số thậm chí còn cho rằng, nền kinh tế Mỹ có thể tránh được hoàn toàn suy thoái.
Cùng quan điểm này, tờ Tạp chí Phố Wall đã chỉ ra những yếu tố lý giải vì sao nền kinh tế Mỹ còn xa mới rơi vào suy thoái và cơ bản là hậu quả của đại dịch đã thúc đẩy khả năng phục của kinh tế hồi bất chấp lãi suất ở mức cao.
Trên toàn nền kinh tế, cơ hội việc làm trong tháng 4 vừa qua đã tăng lên thành 10,1 triệu, cao hơn mức 9,7 triệu hồi tháng 3 và vượt xa con số 5,7 triệu người đang thất nghiệp. Thứ hai đó là người tiêu dùng Mỹ có tiền để chi tiêu. Bài viết dẫn báo cáo tháng 5 của Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh San Francisco cho biết, hiện người dân Mỹ có khoảng 500 tỷ USD tiền gửi tiết kiệm, vượt mức dự kiến khi xu hướng trước đại dịch tiếp diễn.
Một số tờ báo lớn của Mỹ nhận định hiện nền kinh tế Mỹ chưa, còn xa và thậm chí có thể không bị rơi vào suy thoái. (Ảnh: Getty Images)
Nhưng chính khả năng chịu đựng bền bỉ của nền kinh tế lại đang đặt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào bối cảnh khó khăn trong việc đưa ra một lộ trình lãi suất phù hợp nhằm hạ nhiệt nền kinh tế và đưa lạm phát trở về mức mục tiêu.
Theo tờ Thời báo New York, sau 15 tháng liên tục tăng mạnh lãi suất, quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từng ám chỉ khả năng tạm dừng để đánh giá tác động tới nền kinh tế. Nhưng thực tiễn cho thấy ngay cả một số lĩnh vực thường tăng trưởng chậm lại khi FED tăng lãi suất, lại thể hiện khả năng chịu đựng mức lãi suất cao hiện nay một cách đáng ngạc nhiên.
Cụ thể như thị trường nhà ở đã suy yếu rõ rệt vào năm ngoái khi lãi suất thế chấp tăng vọt. Nhưng mức lãi suất này đã ổn định thời gian gần đây và giá nhà đã tăng trở lại do lượng hàng tồn kho thấp. Dù giá nhà không tính trực tiếp vào lạm phát, song nó cho thấy FED cần phải làm nhiều hơn nữa để hạ nhiệt nền kinh tế một cách bền vững và không dẫn đến một cuộc suy thoái.
Báo chí Mỹ nhận định khả năng chịu đựng bền bỉ chính là yếu tố quan trọng khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới này chưa thể rơi vào suy thoái như những lo ngại thời gian qua. Câu hỏi đặt ra là giới hạn của sức chịu đựng này tới đâu để các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cân nhắc khả năng tạm dừng hay tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.37302539090603202-iaoht-yus-oav-ior-eht-auhc-ym-et-hnik/et-hnik/nv.vtv