Kinh tế Trung Quốc đang hướng tới thời kỳ “thập kỷ mất mát” giống như những gì Nhật Bản đã trải qua 3 thập kỷ trước, theo nhận được vừa được 1 cựu lãnh đạo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đưa ra.
Sau khi hồi phục mạnh mẽ trong những tháng đầu năm nay nhờ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế để phòng dịch, gần đây kinh tế Trung Quốc lại xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng đang bị hụt hơi.
Trong bài bình luận đăng trên Barron’s, ông Desmond Lachman chỉ ra 2 nguyên nhân đẩy Trung Quốc đến “thập kỷ mất mát”: bong bóng nhà đất và bong bóng tín dụng. Đó cũng là những gì mà Nhật Bản đã trải qua trong những năm 1990.
“Có lẽ chúng ta đang ở điểm cuối của giai đoạn mà Trung Quốc đóng vai trò là cỗ máy tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu cũng như là nhân tố lớn nhất chi phối giá hàng hóa thế giới”, ông viết.
Những lo lắng về nền kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường tài chính trong những tháng gần đây. Trong khi đó nhiều nhà bình luận cảnh báo thế giới đã lạc quan thái quá về đà hồi phục của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi dỡ bỏ chính sách Zero Covid.
Lượng tiền bị các nhà đầu tư nước ngoài rút ra khỏi thị trường Trung Quốc đang ngày càng tăng lên. Theo số liệu của Reuters, trong tháng 5, khối ngoại đã bán tháo 1,71 tỷ USD cổ phiếu đại lục, tăng gần gấp 3 so với mức 659 triệu USD của tháng 4. Đây là 1 cú đảo chiều chóng vánh bởi trong 5 tháng đầu năm, những kỳ vọng kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài háo hức rót các khoản đầu tư có tổng giá trị 25,05 tỷ USD vào Trung Quốc. Trong cả năm 2022, con số chỉ đạt 6,36 tỷ USD.
Lachman, người hiện đang công tác tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute), nhận định việc Trung Quốc không thể duy trì đà hồi phục mạnh mẽ không phải là điều gì đáng ngạc nhiên khi mà giá nhà ở đây đã giảm 12 tháng liên tiếp. Trong khi đó các chính quyền địa phương đang phải đối mặt với những khoản nợ lớn trong lúc nguồn thu ngân sách từ đất đai gần như “bất động” do thị trường bất động sản đóng băng.
Có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không phải trải qua cú sốc như Mỹ phải đối mặt trong những năm 2000. Tuy nhiên, nỗ lực hỗ trợ thị trường nhà đất và các chính quyền địa phương của Chính phủ Trung Quốc sẽ gây ra tình trạng không còn nguồn tín dụng dành cho các lĩnh vực khác khỏe mạnh hơn.
Theo Lachman, vẫn có 1 điểm tích cực nếu như Trung Quốc rơi vào thập kỷ mất mát: “Chúng ta không còn phải lo lắng về chuyện Trung Quốc sẽ giành mất bữa tra của mình. Giống như những gì đã xảy ra với phép màu kinh tế Nhật Bản trong những năm 1980, kinh tế Trung Quốc sẽ bộc lộ gót chân Asin của mình”.
Thêm vào đó, kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ khiến giá nguyên liệu thô và các hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm, góp phần xoa dịu áp lực lạm phát. Điều này tạo điều kiện để Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thoải mái theo đuổi lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tham khảo Business Insider