Trong khuôn khổ Chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương chủ trì, hôm qua (8/6), Hội nghị quốc tế xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp, hiệp hội và các đối tác quốc tế.
Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày giảm khoảng 14% trong 5 tháng qua, các doanh nghiệp xác định, việc tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ giúp doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với nhu cầu của các nhà nhập khẩu, tìm kiếm đối tác tiềm năng, tăng cơ hội mở rộng thị trường.
Đơn hàng ngành da giày đã cải thiện. Ảnh minh họa.
Trong 3 kịch bản ngành da giày túi xách vạch ra năm nay, với tình hình như hiện tại, ngành này nhận định đang ở kịch bản trung bình, tức quý III tiếp tục giảm dưới 10% và phục hồi lại vào quý IV. Tăng trưởng cả năm sẽ giảm khoảng 7,5% so với năm trước.
Tuy nhiên, cơ hội là các hiệp định thương mại đang phát huy hiệu quả và khách quốc tế khi làm việc với các doanh nghiệp thì đều có những đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng của hàng Việt Nam.
Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, điểm sáng là đơn hàng quý III đã có cải thiện, tăng trưởng ở thị trường châu Á đạt hơn 10%; trong khi Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất.
Qua tiếp xúc với các bạn hàng, ngành da giày Việt Nam cũng xác định, giải pháp ngắn hạn là tập trung giảm chi phí cho doanh nghiệp, sắp xếp sản xuất phù hợp để hạn chế thấp nhất nguy cơ người lao động bị ngừng việc.
Trong dài hạn, phải trực tiếp tham gia vào quá trình thiết kế, cải tiến mẫu mã, tập trung vào dòng nguyên liệu theo hướng phát triển bền vững, sản xuất xanh - sạch, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.29911111190603202-neiht-iac-ad-yaig-ad-hnagn-gnah-nod/et-hnik/nv.vtv