Hãng tin Bloomberg cho hay đại lộ 30 của tỉnh Kumamoto-Nhật Bản những ngày gần đây chật ních xe chở thiết bị, kỹ sư và hàng nghìn lao động đổ dồn về nhà máy của TSMC. Dự án đi vào hoạt động năm 2024 này được đánh giá sẽ biến Kumamoto thành công xưởng chip của Nhật Bản.
Hàng tỷ USD đã được đổ vào những cánh đồng trồng củ cải trắng của Kumamoto để biến nơi đây thành nhà máy bán dẫn. Thế nhưng làn sóng lao động đổ dồn về đây lại đang khiến cơ sở hạ tầng chẳng theo kịp, từ việc tắc đường cho đến thiếu nhà ở cho nhân viên.
Đánh hơi được cơ hội, vô số kẻ đầu cơ bất động sản cũng đổ về đây, đẩy giá nhà lên cao ngất ngưởng. Trong khi đó TSMC thì đang phải đau đầu với thách thức lớn nhất khi mở nhà máy ở Nhật Bản: thiếu lao động.
Cơn bĩ cực của TSMC
“Giao thông ở đây quá tệ, trong khi tình hình thiếu lao động diễn ra khắp mọi nơi. Một ngôi trường tiểu học mới xây cách đây 2 năm giờ đã chẳng đủ phòng, thiếu cả giáo viên. Văn phòng thị trưởng vốn là nơi phải giải quyết mọi thứ thì cũng chẳng đủ người để làm việc”, cư dân Miki Ikeda tại Kikuyo cho biết.
Trong bối cảnh chạy đua công nghệ Mỹ-Trung, các nhà sản xuất đã bị thu hút đến Kikuyo-khu vực giàu tài nguyên nước ở Nhật Bản xây nhà máy nhằm tận dụng vị thế của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cũng như khoản ngân sách khổng lồ mà chính quyền Tokyo cam kết hỗ trợ.
Nhận thức được tình hình, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã cam kết khoản hỗ trợ hơn 14 tỷ USD nhằm tăng gấp 3 sản lượng chip từ nay đến năm 2030. Do đó Nhật Bản đã gánh hộ đến gần một nửa trong tổng số 8 tỷ USD chi phí xây dựng nhà máy của TSMC. Ngoài ra nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này còn cung cấp 1,5 tỷ USD tài chính cho nhà máy của Micron Technology ở Hiroshima.
Hỗ trợ là vậy nhưng điểm yếu của Nhật Bản thì không thể chỉ giải quyết được bằng tiền. Cơ sở hạ tầng sau nhiều năm không được mở rộng do dân số suy giảm, thiếu lao động khi giới trẻ bỏ lên thành phố khiến Kikuyo trở thành “nút cổ chai” với TSMC.
Mặc dù chính phủ đã cam kết nâng cấp các dự án đường xá nhưng những công trình này sẽ phải mất vài năm mới hoàn thiện nhằm đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe tại Nhật Bản.
Nổi tiếng là khu vực có mạch nước ngầm lớn, tỉnh Kumamoto là tụ điểm cho hàng loạt hãng công nghệ Nhật Bản, từ Hitachi, Mitsubishi cho đến Toshiba đặt nhà máy ở đây.
Tương tự, TSMC cũng lựa chọn Kumamoto, nhưng chưa kịp tận hưởng ưu thế tại khu vực này thì đã phải đối mặt với tình trạng giao thông, cơ sở hạ tầng thuộc hàng tệ nhất Nhật Bản.
Hãng tin Bloomberg cho hay khu vực quanh nhà máy TSMC là một bàn cờ lớn với vô số những con đường không được đánh dấu, chỉ đủ rộng cho 3 người lớn đi ngang qua mà không chạm vào nhau.
Những con đường này được xây dựng chỉ để cho người nông dân chạy xe tải nhỏ chở nông sản, thiết bị băng qua các cánh đồng để đi lên đại lộ 30. Thậm chí ngay cả khi các xe chở thiết bị, nhân công nhà máy TSMC đến được đại lộ 30 thì họ cũng gặp tình trạng tắc đường gần khu vực sân bay Kumamoto và bến cảng Yatsushiro.
“Đường xá tại Kumamoto quá nhỏ. TSMC là hãng chip lớn nhất thế giới và đáng lẽ phải xây nhà máy ở nơi mọi thứ đã sẵn sàng. Thế nhưng họ lại chọn một cánh đồng lúa ở Kikuyo để bắt đầu, nơi chưa có gì cả”, cư dân địa phương gốc Đài Loan, cô Calla Chiu, đồng thời được thuê làm phiên dịch viên cho TSMC cho biết bản thân ban đầu không thể tin hãng chip này lại chọn nơi đây làm nhà máy.
Dù TSMC đã đặt vấn đề với chính phủ nhưng các quan chức địa phương nhận định sẽ phải mất hàng năm trời mới có thể cải thiện được tình hình do các tiêu chuẩn xây dựng khắt khe của Nhật Bản. Phần lớn tranh cãi xung quanh việc nên mở rộng đại lộ 30 lên bao nhiêu bởi chính phủ sẽ phải đền bù đất canh tác 2 bên đường cho người dân, vốn đang bị thổi giá cao vì nạn đầu cơ.
Theo Bloomberg, ngoài dự án nới rộng đại lộ 30, hàng loạt những dự án cơ sở hạ tầng khác tại Kikuyo cũng bị kẹt ở giai đoạn lên kế hoạch do vấp phải sự phản đối từ người dân địa phương cũng như giá đất tăng cao.
Thậm chí với cả dự án mở rộng đại lộ 311 nối Kikuyo với sân bay, dù chính quyền tỉnh Kumamoto đã đền bù được 80% diện tích đất nhưng dự kiến phải đến năm 2027 mới hoàn thành.
Rắc rối
Nhà máy của TSMC dự kiến sẽ tuyển dụng 1.700 lao động khi đi vào hoạt động vào năm 2024. Số liệu của ngân hàng Kyushu Financial Group cho thấy trong hơn 10 năm hoạt động tiếp theo, nhà máy này sẽ cung cấp 7.000 việc làm và đóng góp 4,3 nghìn tỷ Yên cho nền kinh tế địa phương. Chính quyền địa phương thì ước tính các ngành kinh doanh liên quan đến nhà máy tại đây sẽ tăng doanh thu lên gấp đôi, đạt 1,9 nghìn tỷ Yên vào năm 2032.
Hàng loạt nhà cung ứng như Marushow, Topco đã mở văn phòng đại diện tại khu vực mới nhằm phục vụ TSMC. Thế nhưng chính động thái này lại khiến giá nhà trong khu vực khu công nghiệp tăng hơn 30% năm 2022, mức tăng mạnh nhất toàn Nhật Bản.
Tương tự, giá bất động sản để ở cũng tăng hơn 20% từ đầu năm đến nay, mức tăng mạnh nhất hơn 30 năm qua, nhất là các khu đất gần nhà máy TSMC.
Giao thông tắc nghẽn và số lượng phương tiện công cộng có hạn khiến nhân viên TSMC không muốn thuê nhà quá xa nhà máy càng khiến giá đất tăng cao.
“Bong bóng thị trường tăng quá nhanh, cứ như mọi người chẳng quan tâm đến giá thị trường chung là bao nhiêu vậy”, nhà đầu cơ Terumasa Uehara của hãng bất động sản Meiwa Estate than thở khi giá nhà tăng 25% chỉ trong 1 tuần và chủ đất còn không chịu bán để chờ giá đi lên nữa.
Hàng loạt những vấn đề phát sinh khiến người lao động không mặn mà đến với Kikuyo, nơi cơ sở hạ tầng yếu kém và các dịch vụ công đều có vấn đề.
Ở phía ngược lại, nhiều người dân địa phương cũng chẳng chào đón TSMC.
“TSMC chẳng đem lại được gì ngoài những rắc rối”, thành viên Satoru Futa của Hội đồng thị trấn Kikuyo bức xúc khi 3 người bạn của ông đã qua đời vì có liên quan gián tiếp đến việc nhà máy chip này đến đây.
Việc quá nhiều xe chở thiết bị, xe xây dựng đã khiến nhiều tài xế buộc phải lái sang cả vỉa hè hay lối cho người đi bộ, gây nguy hiểm với những người đi đường.
Không dừng lại ở đó, việc TSMC sử dụng đến 12.000 mét khối nước ngầm mỗi ngày cũng khiến cư dân lo lắng về rủi ro thiếu nước hoặc ô nhiễm nguồn nước. Thế rồi nguồn điện cung ứng cho nhà máy và chất thải từ TSMC cũng gây lo ngại.
“Tôi nghĩ mọi người đều đang lo lắng về vấn đề nguồn nước, khả năng cung ứng điện và chất thải của nhà máy. Tôi có nhiều kỳ vọng vào dự án của TSMC, nhưng đồng thời cũng khá lo lắng”, cô Chiu nói.
“Sự an toàn của cư dân địa phương nơi đây đang bị đe dọa”, ông Futa thì nói thẳng.
*Nguồn: Bloomberg