"Chính phủ đã quyết định rằng Lực lượng vũ trang Thụy Điển có thể tiến hành chuẩn bị với NATO để triển khai các hoạt động chung trong tương lai", Thủ tướng Ulf Kristersson và Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson thông tin trên nhật báo Dagens Nyheter ngày 9-6.
"Việc chuẩn bị có thể bao gồm cho các thiết bị và nhân sự nước ngoài đặt căn cứ tạm thời trên lãnh thổ Thụy Điển. Quyết định này gửi một tín hiệu rõ ràng tới Nga và tăng cường khả năng phòng thủ của Thụy Điển", hai nhà lãnh đạo Thụy Điển cho biết.
Năm ngoái, Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi xung đột Ukraine - Nga bùng nổ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đã phản đối Thụy Điển gia nhập, khiến tiến trình bị trì hoãn.
Để trở thành thành viên của NATO, một quốc gia cần nhận được sự chấp thuận của tất cả thành viên trong khối.
Bên cạnh Thụy Điển, quốc gia có đường biên giới với Nga và cùng xin gia nhập NATO là Phần Lan đã trở thành thành viên của liên minh vào tháng 4 vừa qua. Phần Lan là thành viên thứ 31 của liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
Nộp đơn xin gia nhập NATO tức là Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức từ bỏ hàng thập kỷ không liên kết quân sự.
Còn một quốc gia nữa cũng đang muốn gia nhập NATO là Ukraine. Trong phát biểu ngày 6-6, người đứng đầu NATO, ông Jens Stoltenberg, khẳng định tất cả đồng minh đều đồng ý rằng cánh cửa NATO của Ukraine vẫn mở và Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh.
NATO cũng đã công bố nhiều gói viện trợ cho Ukraine nhưng vẫn chưa có gì cụ thể về kế hoạch cho Ukraine gia nhập.
Tại Hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên NATO ngày 1-6, tổng thư ký NATO cho biết sẽ sớm đến Ankara để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho Thụy Điển gia nhập liên minh.