Báo cáo công bố hôm 7/6 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nhập khẩu của nước này tăng 1,5%, lên gần 324 tỷ USD trong tháng 4. Lực đẩy chính là ôtô và phụ tùng ôtô, vật liệu dùng trong công nghiệp, điện thoại di động và đồ gia dụng.
Ngược lại, xuất khẩu giảm 3,6% trong tháng 4. Dẫn đầu đà giảm là các nguyên vật liệu dùng trong công nghiệp. Xuất khẩu hàng tiêu dùng cũng đi xuống, như dược phẩm, đậu nành, gạo và nước quả đông lạnh.
Tỷ trọng hàng hóa Trung Quốc trong giao thương với Mỹ tiếp tục đi xuống. Hàng Trung Quốc hiện chiếm 15,6% hàng nhập khẩu của Mỹ trong giai đoạn 12 tháng, tính đến hết tháng 4. Đây là số liệu thấp nhất kể từ tháng 10/2006.
Vài năm gần đây, các công ty Mỹ tìm phương án thay thế hàng hóa Trung Quốc. Căng thẳng địa chính trị giữa hai nước tăng cao khiến cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu lên hàng nghìn hàng hóa Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sau đó vẫn duy trì các thuế này.
"Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa kênh thương mại. Quan hệ hai bên đã xấu đi đáng kể vài năm qua", Lawrence Werther – kinh tế trưởng tại Daiwa Capital Markets America cho biết.
Việc Trung Quốc giảm thị phần cũng đồng nghĩa hàng hóa từ châu Âu, Mexico và các nước châu Á khác nhiều lên. Trong 12 tháng tính đến hết tháng 4, tỷ trọng hàng hóa từ nhóm gồm 25 nước châu Á và châu Phi là gần 25%.
Hôm 7/6, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng công bố số liệu thương mại. Theo đó, xuất khẩu của nước này giảm 7,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi của Trung Quốc sau khi gỡ bỏ chính sách Zero Covid năm ngoái.
Tính chung trên toàn cầu, giao thương hàng hóa hiện cũng ảm đạm. Nguyên nhân là các ngân hàng trung ương đang nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Người tiêu dùng cũng chuyển sang chi cho lĩnh vực dịch vụ sau đại dịch.
Hà Thu (theo WSJ)