Chiều 9.6, tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong buổi sáng cùng ngày, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 điểm sạt lở ở 2 tuyến sông, làm hơn 180 m đường kết hợp đê bao biến mất, gây ảnh hưởng đến 28 hộ dân.
Cụ thể, lúc 4 giờ 30 phút cùng ngày, đoạn đường giao thông kết hợp đê bao dọc sông Cái Cao (ấp Phú An, xã Phú Đức, H.Long Hồ, Vĩnh Long) sạt lở hoàn toàn khoảng 150 m, ăn sâu vào bờ từ 4 - 7m.
Tại các khu vực gần đó xuất hiện nhiều vết nứt bên trong bờ bao. Giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của 23 hộ dân với 132 nhân khẩu.
Vụ sạt lở làm 8 căn nhà bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có 2 căn bị sạt lở đến nền nhà cần phải di dời khẩn cấp, 6 căn xuất hiện các vết nứt, sụp lún bên trong sân, hàng rào, cách nhà dân khoảng 2 - 5 m.
Sạt lở bờ sông Cái Cao khiến hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng; lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di chuyển tài sản
Tiếp đến, lúc 9 giờ 30 phút cùng ngày, tuyến đường nhựa Nguyễn Thị Nhỏ cặp bờ sông Long Hồ (mặt đường rộng 3,5 m, thuộc ấp Long Thuận B, xã Long Phước, H.Long Hồ) bị sạt lở một đoạn dài 30 m, ăn sâu vào bờ từ 3 - 5 m, làm giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến sinh hoạt và nhà cửa của 5 hộ dân, trong đó có 2 hộ dân cách bờ sạt lở từ 2 - 3 m.
Theo đánh giá ban đầu, do khu vực sạt lở nằm trên đoạn sông cong, đáy sông sâu, tác động của sóng và mật độ giao thông thủy lớn làm mái bờ bị xói lở. Khi gặp những điều kiện bất lợi như mưa lớn kéo dài, mực nước sông xuống thấp, dễ gây ra tình trạng sạt lở.
Ngay khi nhận được tin báo, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Vĩnh Long phối hợp Ban Chỉ huy PCTT-TKCN H.Long Hồ và chính quyền 2 xã Phú Đức, Long Phước đến hiện trường chỉ đạo lực lượng hỗ trợ người dân tháo dỡ vật kiến trúc, di dời đồ đạc, tài sản; cắm biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm, xây dựng rào chắn 2 đầu và giăng dây cảnh báo, phân công cán bộ trực theo dõi 24/24 báo cáo kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
UBND các xã hỗ trợ người dân trong vùng sạt lở mở lối đi chung, bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ dân phải di dời khẩn cấp. Trước mắt, sử dụng tấm bạt nhựa áp mái bờ để hạn chế tác động của sóng và dòng chảy tiếp tục rút phần cát trong nền đường ra ngoài, làm tăng quy mô sạt lở.