Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 9/6 tăng 100.000 đồng/lượng so cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào và hiện đứng ở mức 66,50 – 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 25 USD lên 1.964,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,55 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 9/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.717 đồng/USD, tăng 3 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.310 – 23.650 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng tại 26.400 USD, thì sang phiên hôm nay tiếp tục xu hướng đi ngang cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,02 USD (+0,03%), lên 71,31 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,05 USD (+0,07%), lên 76,01 USD/thùng.
VN-Index tăng hơn 6 điểm
Tâm lý thận trọng khiến dòng tiền mờ nhạt, thanh khoản sụt giảm mạnh mẽ và chỉ số VN-Index chỉ đủ sức để tăng nhẹ trong phiên sáng.
Bước sang phiên chiều, thị trường rung lắc và liên tục đổi sắc và có thời điểm VN-Index de dọa thủng mốc 1.095 điểm, thị trường đã có pha “quay xe” ngoạn mục giúp chỉ số VN-Index bật hồi 10 điểm chỉ trong 30 phút cuối phiên với sự góp công lớn của nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2,28 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 65,4 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 9/6: VN-Index tăng 6,21 điểm (+0,56%), lên 1.107,53 điểm; HNX-Index tăng 0,82 điểm (+0,36%), lên 227,6 điểm; UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,21%), lên 84,19 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tăng điểm trong phiên thứ Năm (8/6), khi dữ liệu việc làm cho thấy khả năng Fed sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất trong cuộc họp vào giữa tháng này.
Dữ liệu mới công bố cho thấy số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần tính đến ngày 3/6 đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2021, cho thấy thị trường lao động có khả năng suy yếu. Sự gia tăng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng làm tăng hy vọng rằng Fed sẽ tạm dừng chiến dịch nâng lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Dow Jones tăng 168,59 điểm (+0,50%), lên 33.833,61 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 26,41 điểm (+0,62%), lên 4.293,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 133,63 điểm (+1,02%), lên 13.238,52 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh, khi tâm lý nhà đầu tư được thúc đẩy bởi hy vọng rằng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất sau khi tăng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ tăng cao.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,97% lên 32.265,17 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,55% lên 2.224,32 điểm.
"Sự phục hồi của chứng khoán Mỹ đã củng cố nhu cầu mua giảm sau khi chứng khoán Nhật Bản trải qua sự sụt giảm đáng kể trong hai ngày qua", Yutaka Miura, nhà phân tích kỹ thuật cấp cao tại Mizuho Securities Co. cho biết.
Phiên này, các cổ phiếu dược phẩm cũng là một trong những điểm sáng, với Astellas Pharma tăng 1,1%. Công ty đã thông báo hôm thứ Sáu rằng họ đã nộp đơn lên Bộ Y tế Nhật Bản để phê duyệt loại thuốc mới để điều trị ung thư dạ dày và thực quản.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, ngay cả khi nước này công bố các dữ liệu kinh tế yếu kém.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,55% lên 3.231,41 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,43% lên 3.836,70 điểm.
Dữ liệu được công bố hôm thứ Sáu cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong bảy năm vào tháng Năm với mức giảm 4,6%, do nhu cầu chững lại đè nặng lên lĩnh vực sản xuất và phủ một đám mây đen lên sự phục hồi kinh tế mong manh.
"Những lo ngại của nhà đầu tư về suy thoái vĩ mô tại Trung Quốc vẫn đang gia tăng", Morgan Stanley cho biết trong một lưu và giải thích lý do tại sao tâm lý trên thị trường cổ phiếu hạng A của Trung Quốc giảm trong tuần này trong bối cảnh khối lượng giao dịch nhẹ.
Tuy nhiên, ngân hàng Phố Wall chỉ ra chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là dấu hiệu có thể cho thấy sự tan băng trong quan hệ Trung-Mỹ. Morgan Stanley cho biết họ cũng đang theo dõi chặt chẽ các chính sách nới lỏng hơn có thể đến vào khoảng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi giới đầu tư đặt cược rằng các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh sẽ nới lỏng các chính sách để vực dậy sự phục hồi kinh tế.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,47% lên 19.389,95 điểm và tăng 2,3% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,75% lên 6.589,32 điểm.
Các cổ phiếu công nghệ là động lực chính với Meituan tăng 2,2% Alibaba tăng 0,7% và Tencent tăng 0,4%.
Cổ phiếu xe năng lượng mới cũng tăng tích cực, với nhà sản xuất xe điện BYD tăng 1,4% và Geely Auto tăng 1,5%, sau khi Trung Quốc công bố một chiến dịch toàn quốc để thúc đẩy doanh số bán ô tô.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng và ghi nhận mức tăng tuần thứ tư liên tiếp, khi giới đầu tư đặt cược vào việc Fed tạm dừng việc tăng lãi suất trong cuộc họp tuần tới.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 30,31 điểm, tương đương 1,16% lên 2.641,16 điểm và tăng 1,53% trong tuần này.
Phiên này, các cổ phiếu lớn như Samsung Electronics tăng 1,55%, SK Hynix tăng 5,2% và nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 3,05%.
Trong số các bluechip khác, Hyundai Motor tăng 0,2%, trong khi nhà sản xuất ô tô anh em Kia Corp tăng 1,84%.
Kết thúc phiên 9/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 623,90 điểm (+1,97%), lên 32.265,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 17,82 điểm (+0,55%), lên 3.231,41 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 90,77 điểm (+0,47%), lên 19.389,95 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 30,31 điểm (+1,16%), lên 2.641,16 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Hạn chế hay chấm dứt sở hữu chéo: Vấn đề là chúng ta muốn gì?
Tiếp tục bàn về các nội dung của Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, trong số báo này, Báo Đầu tư trao đổi với GS-TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) về vấn đề sở hữu chéo tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng..>> Chi tiết
- Doanh nghiệp đầu tư công "đông việc"
Có nhiều yếu tố hỗ trợ đã tạo nên sức hút cho nhóm cổ phiếu được nhận định hưởng lợi từ đầu tư công như FCN, C4G, HHV, LCG, VCG…>> Chi tiết
- Chọn cổ phiếu nào trong nửa cuối năm?
Ông Trần Xuân Bách, Giám đốc Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, VN-Index được dự báo sẽ hướng về vùng 1.175 - 1.225 điểm trong giai đoạn cuối năm 2023..>> Chi tiết
- Trái phiếu bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng cao gây lo ngại cho các nhà giao dịch
Thị trường trái phiếu toàn cầu đang giảm mạnh sau hai đợt tăng lãi suất gây sốc trong tuần này, khiến các nhà giao dịch dự đoán các ngân hàng trung ương còn lâu mới hoàn thành kế hoạch chống lạm phát..>> Chi tiết