vĐồng tin tức tài chính 365

23 năm đeo đuổi kiện công ty đường sắt vì bị tính vé đắt 0,25 USD

2023-06-10 18:03

Giáng sinh năm 1999 là một ngày đặc sương mù ở bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Luật sư 44 tuổi, Tungnath Chaturvedi, bước tới cửa sổ đặt vé của nhà ga đường sắt Mathura Cantonment để mua 2 vé đến Moradabad, cách đó khoảng 300 km. Giá một vé vào thời điểm đó là 35 rupee (tương đương 2 USD ngày nay).

Ông Chaturvedi đưa cho người bán vé một tờ 100 rupee. Nhưng thay vì nhận lại 30 rupee, ông ta chỉ được trả lại 10 rupee. Vé khi đó chưa được in sẵn, chỉ là tờ giấy nhỏ viết tay. Hành khách này đợi một lúc không thấy được trả nốt 20 rupee, liền thắc mắc và yêu cầu nhân viên bán vé trả lại số tiền chính xác.

"Chính xác rồi đấy. Đi ra cho người khác mua vé", người này đáp lại bằng vẻ khó chịu. Thái độ thổi bùng sự bức xúc trong ông. Khi cuộc tranh cãi leo thang, đoàn tàu chuẩn bị rời bến, ông Chaturvedi và người bạn buộc phải lên tàu. Nhưng ông Chaturvedi không quên vụ việc.

"Tôi đã rất tức giận khi nghĩ đến việc bị lừa dối," ông sau này nói. "Điều đó cứ lởn vởn trong đầu tôi. Là luật sư và một công dân tuân thủ luật pháp, tôi cảm thấy bị cướp bóc, xúc phạm và chán nản".

Sau khi kiểm tra giá vé tại điểm đến và gửi kiến nghị một lần nữa nhưng không được hồi đáp hay xin lỗi, cuối cùng, ông đã đệ đơn kiện Công ty Đường sắt Đông Bắc, thuộc Đường sắt quốc gia, công ty vận tải khổng lồ do nhà nước sở hữu, với tội danh Gian lận.

Một ga tàu ở bang Uttar Pradesh. Ảnh: Dailymail

Một ga tàu ở bang Uttar Pradesh. Ảnh: Dailymail

Công ty Đường sắt quốc gia nói rằng các vụ kiện chống lại đường sắt nên được gửi đến Tòa án đường sắt chứ không phải tòa án người tiêu dùng. Do đó, họ quyết định sẽ đứng ra xét xử vụ kiện này. Song là luật sư lâu năm, ông Chaturvedi biết rằng tòa án ngành đường sắt không đời nào xử thua chính mình.

Trong phiên tòa năm 2005, phía đường sắt cho rằng lỗi thu thêm tiền thực ra không cố ý. Khi đó vé được viết tay vào giấy bởi nhân viên văn thư, và người bán vé đó cho ông lại là người khác. Người bán vé chỉ thu đúng số tiền ghi trên vé.

Họ cho rằng ông Chaturvedi có thể đã được hoàn lại số tiền thu thừa nếu ngay lập tức lên tiếng với cấp trên của người bán vé, sai phạm này sẽ được chấn chỉnh ngay. Nhưng ông ta đã không đăng ký khiếu nại với trưởng ga hoặc trong sổ khiếu nại có sẵn trên tàu.

Phía bị đơn cho rằng nguyên đơn là luật sư lâu năm, có uy tín, biết các quy tắc, đã quay lại và yêu cầu người bán vé trả thêm tiền, nhưng lại không liên hệ với bất kỳ cơ quan cấp trên nào.

"Ông ta không thực hiện các hành động để khiếu nại số tiền theo quy định", luật sư bị đơn phản bác. "Công ty không phạm bất kỳ thiếu sót nào trong dịch vụ, không phạm sai lầm, không cư xử thiếu tôn trọng, lỗi do lỗi của con người có thể đã được giải quyết bằng cách liên hệ với cấp trên. Do đó khiếu nại xứng đáng được bác bỏ", phía bị đơn nêu quan điểm.

Là luật sư tự tranh luận cho mình, ông Chaturvedi đầu tiên phản đối việc vụ việc được xử tại tòa đường sắt, chứ không phải tòa án tranh chấp người tiêu dùng. Ông cho rằng công ty đường sắt phủ nhận sai sót là vô trách nhiệm, do người bán vé là nhân viên công ty, làm nhiệm vụ được công ty giao.

"Pháp nhân (tức công ty đường sắt) phải chịu trách nhiệm về sai phạm và bồi thường cho khách, chứ không thể đẩy trách nhiệm cho nhân viên, hay khách hàng vì không khiếu nại đúng quy trình", Chaturvedi phân tích. Ông cũng cho hay, có viết thư khiếu nại gửi về công ty nhưng chưa từng được hồi đáp.

Sau nhiều ngày nghị án, đúng như ông Chaturvedi dự đoán, tòa án đường sắt xử ông thua kiện. Kháng cáo của ông lên tòa cấp cao ngành đường sắt cũng bị bác bỏ.

Khi đó đã là 6 năm sau vụ việc, gia đình và bạn bè cố gắng ngăn cản Chaturvedi theo đuổi vụ án, gọi đó là sự lãng phí thời gian và công sức, thậm chí có lúc còn chế nhạo ông. "Gia đình tôi từng la mắng tôi và bạn bè thì xấu hổ vì tôi đánh nhau vì 20 rupee", ông nói.

Song luật sư này khẳng định, tiền không phải là vấn đề quan trọng. "Đây luôn là cuộc đấu tranh cho công lý và chống tham nhũng. Nếu làm ngơ một sai trái nhỏ, là nuôi dưỡng cho cái sai lớn", ông nói.

Dù bị tòa án đường sắt hai lần xử thua, ông quyết định mày mò và lật lại những vụ kiện cũ, tìm ra một án lệ của Tòa án tối cao và kiên quyết đề nghị, vụ án của mình phải được xử ở tòa án bảo vệ người tiêu dùng. Cuối cùng, đề nghị của ông cũng được chấp thuận.

Tòa án Người tiêu dùng ở Ấn Độ chuyên giải quyết các khiếu nại liên quan đến dịch vụ. Nhưng họ được biết là bị quá tải bởi các vụ án và đôi khi có thể mất nhiều năm để giải quyết ngay cả những vụ án đơn giản. Và thực tế, ông Chaturvedi đã mất tới 23 năm để được phân xử.

"Tôi đã được gọi đến tòa hơn 20 phiên điều trần quanh vụ án. Phần lớn những lần này sẽ bị hoãn vì các thẩm phán đang đi nghỉ phép, bận việc riêng", ông cho hay.

Vụ án nêu bật hệ thống tòa án quá tải của Ấn Độ, nơi có khoảng 47 triệu vụ việc tồn động mỗi năm, riêng tại cấp Tối cao là hơn 70.000 vụ. Các vụ án dù đơn giản, cũng phải mất 10-15 năm để đi đến phán quyết. Báo cáo năm 2022 của Tòa án Tối cao nước này cho thấy, Ấn Độ chỉ có 21 thẩm phán trên một triệu dân, thuộc top cuối thế giới. Tính đến hết năm 2022, có hơn 10.000 vụ án ở cấp sơ thẩm có "tuổi đời" trên 30 năm.

Tốc độ xử lý chậm chạp của cơ quan tư pháp và chi phí đấu tranh với các vụ việc thường khiến mọi người không muốn kiện tụng. Nhưng Chaturvedi thì khác. "Khi tôi đệ trình vụ án, tôi còn trẻ và bây giờ tôi đã trở thành người hưu trí. Tôi đã cống hiến cả cuộc đời mình cho vụ án này", ông nói.

Ông Tungnath Chaturvedi đeo đuổi vụ kiện 20 rupee suốt 23 năm. Ảnh: The Guardian

Ông Tungnath Chaturvedi đeo đuổi vụ kiện 20 rupee suốt 23 năm. Ảnh: The Guardian

Nỗ lực của ông cũng được đền đáp sau 23 năm. Ngày 5/8/2022, Tòa án tiêu dùng ở Mathura cuối cùng đã đưa ra phán quyết phần thắng cho ông Chaturvedi.

Bản án bác bỏ lập luận của công ty đường sắt cho rằng việc thu dư tiền vé là "vô tình", nên không phải là sai sót. Tòa nêu, theo Đạo luật Bảo vệ người tiêu dùng, "sai sót" được định nghĩa là "sơ suất, thiếu sót hoặc bất kỳ hành động nào gây tổn thất hoặc thiệt hại tinh thần, vật chất cho người tiêu dùng".

Chính công ty đường sắt đã thừa nhận, có thu thừa tiền vé, do đó, hành vi sai sót đã được thực hiện. Việc thu vé cao hơn quy định, dù là của nhân viên nào, ở khâu nào, vô tình hay cố ý, đều được tính là sai sót. Sai sót này, pháp nhân phải bồi thường cho người tiêu dùng, tòa nêu.

"Nguyên đơn là luật sư có uy tín, song nhiều năm qua chịu tổn thất thời gian, danh tiếng và tự trọng", bản án do đó nêu, ngoài tiền vé thu thừa, có tính lãi suất trong 23 năm, tổng khoảng 3 USD, công ty đường sắt còn phải trả ông Chaturvedi tổn thất tinh thần 23 năm qua, 15.000 rupee (188 USD).

Ông nói, số tiền bồi thường rất nhỏ và chẳng có ý nghĩa gì trong thời kỳ lạm phát này. "Nếu tôi lấy được, tôi sẽ quyên góp cho quỹ từ thiện".

Trước thắng lợi muộn màng, nguyên đơn nói "vừa mệt mỏi vừa tự hào", cho rằng số tiền không là gì so thời gian ông đeo đuổi. Nhưng thắng lợi quan trọng nhất, là đã chứng tỏ, nếu làm sai, ngay cả doanh nghiệp nhà nước cũng phải nhận lỗi. "Nó khiến mọi rắc rối tôi trải qua đều đáng giá".

"Đừng bỏ cuộc nếu cuộc chiến của bạn có vẻ khó khăn", ông Chaturvedi hy vọng rằng vụ kiện của mình sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều người.

Vụ kiện của ông không được biết đến nhiều suốt 23 năm qua, nhưng chiến thắng này khiến Chaturvedi nổi tiếng toàn cầu. "Vụ kiện 20 rupee" được người làm luật thế giới đánh giá là một trong những vụ kiện giá trị nhỏ nhất lịch sử.

Hải Thư (Theo BBC, NPR, The Times, The Times of India, Legal cheek)

Xem thêm: lmth.3555164-dsu-52-0-tad-ev-hnit-ib-iv-tas-gnoud-yt-gnoc-neik-ioud-oed-man-32/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“23 năm đeo đuổi kiện công ty đường sắt vì bị tính vé đắt 0,25 USD”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools