Cùng với đó là hàng chục dự án hạ tầng kỹ thuật khác đang làm điểm tựa cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có cơ hội bứt tốc, là những số liệu được đưa ra tại Diễn đàn “ Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long” do Báo Xây dựng tổ chức chiều ngày 10/6/2023.
Sở hữu khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi bậc nhất thế giới, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa gạo, trái cây, thủy hải sản lớn nhất Việt Nam, góp phần quan trọng duy trì an ninh lương thực cũng như tạo ra giá trị xuất khẩu lớn.
Bên cạnh nông nghiệp, miền Tây cũng có tiềm năng lớn về các ngành kinh tế như năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…
Tuy nhiên, trên thực tế, trong suốt thời gian vừa qua, đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang phát triển ở dưới mức tiềm năng. Miền Tây trù phú, màu mỡ nhưng lại là “vùng trũng” về giáo dục, y tế và thu hút đầu tư, cộng thêm sự đe dọa từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết 120 đưa ra quan điểm thuận thiên, phát triển kinh tế thuận theo điều kiện tự nhiên, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên.
Nối tiếp những bước đầu thành công của việc triển khai Nghị quyết 120, đến đầu năm 2022, quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể hóa những giải pháp cởi trói cho tiềm năng của vùng đất Chín Rồng.
Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng cho biết, tính đến nay, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh các quy hoạch về xây dựng mạng lưới đô thị Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Dân số đô thị toàn vùng khoảng 17,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa trung bình của toàn vùng năm 2022 là 31,8%, thấp hơn so với trung bình của cả nước là 41,7%. Tính đến tháng 5/2023, toàn vùng có 211 đô thị, bao gồm 1 đô thị loại I trực thuộc Trung ương là Cần Thơ và 2 đô thị loại I trực thuộc tỉnh là Mỹ Tho và Long Xuyên.
Về công tác quy hoạch, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu vực Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và 5 quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cấp nước, quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn; quy hoạch thoát nước; các định hướng chiến lược, chương trình phát triển đô thị.
Các địa phương cũng đã ban hành 26 quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật làm cơ sở cho phát triển đô thị, đầu tư xây dựng, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Theo đánh giá của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), khi hệ thống cơ sở hạ tầng tại miền Tây đang được hoàn thiện với nhiều dự án giao thông trọng điểm được triển khai đầu tư, thì khu vực này sẽ có tiềm năng lớn về tăng trưởng bất động sản. Nhiều dự án sẽ được hưởng lợi từ loạt các công trình hạ tầng này với kỳ vọng tạo ra sức hút lớn về đầu tư bất động sản.
Ghi nhận của VARS cho thấy, thị trường bất động sản khu vực miền Tây phát triển tương đối ổn định, ít xảy ra tình trạng sốt ảo, mặt bằng giá thấp, còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai. Thời gian gần đây, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nhận nhiều quan tâm, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và dự kiến theo kế hoạch, đến năm 2030 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 760 km đường cao tốc, đến năm 2050 là 1.180 km đường cao tốc.
Hiện nay, các nhà đầu tư lớn, uy tín cũng đã đầu tư tại thị trường miền Tây như Vingroup, T&T, Novagroup, Trần Anh, Cát Tường, DIC, Nam Long… đều có các khu đô thị tại miền Tây, tuy nhiên quy mô, sản phẩm còn nhỏ và chủ yếu tập trung các sản phẩm đất nền, hoặc nhà phố xây sẵn, chưa tạo ra các khu đô thị mới có sức sống và khai thác hoạt động tốt.
Do đó, khi các cơ sở hạ tầng thiết yếu được mở rộng và nâng cấp mạnh mẽ sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm trên chính khu vực miền Tây, giúp giữ chân người lao động và hạn chế được việc di dân tìm công việc ở các khu vực khác, từ đó tạo nên nhu cầu nhà ở mới cấp thiết hơn.
Theo dự kiến, trong vòng 4 năm tới, khu vực này sẽ có thêm cầu Rạch Miễu 2, Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, cầu Đình Khao qua sông Cổ Chiên và cầu Đại Ngãi nối đôi bờ sông Hậu với tổng mức đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn một (4 làn xe) với tổng chiều dài 171 km gồm các đoạn tuyến cao tốc Bến Lức-Trung Lương (40 km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51 km), Cao Lãnh - Lộ Tẻ (29 km) và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (51 km).
“Những tuyến cao tốc này tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, đồng thời, góp phần thúc đẩy, tạo “cú hích” cho thị trường bất động sản các tỉnh khu vực miền Tây phát triển. Khi khoảng cách không còn là vấn đề cần cân nhắc, thì xu hướng dịch chuyển tới các thị trường mới lân cận - các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có quy hoạch bài bản với đầy đủ cơ sở hạ tầng tiện ích hiện đại, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là tất yếu” ông Đính phân tích.
Theo nhìn nhận của VARS, với số lượng dự án còn hạn chế, đặc biệt là dự án chung cư thì việc nhà đầu tư tham gia vào thị trường ở thời điểm này sẽ có lợi thế giá đầu vào có dư địa tăng mạnh khi hưởng lợi từ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa Cần Thơ cũng tạo thành lực đẩy quan trọng. Trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện nay có khoảng 80 dự án khu dân cư, khu đô thị mới, nhà ở xã hội đã, đang và sắp triển khai; trong đó, có những dự án với diện tích trên dưới 100ha được quy hoạch, đầu tư bài bản, hiện đại. Dự kiến, nguồn cung sẽ được cải thiện hơn so với những tháng đầu năm 2023.
Các sản phẩm nhà ở thực phù hợp với túi tiền sẽ được đón nhận. Phân khúc căn hộ thương mại ở trung tâm các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy có thể sẽ thu hút khách hàng khi giá đất nền, giá nhà phố ở các quận này đã tăng cao trong các năm vừa qua.
Xem thêm: lmth.145323tsop-cot-tub-gnol-uuc-gnos-gnab-gnod-ohc-cul-gnod/nv.naohkgnuhchnahnnit.www