Hôm qua 10-6, thí sinh đã thi môn ngữ văn và ngoại ngữ với đề thi được đánh giá "tương đối dễ". Thế nhưng, việc tranh suất để vào trường công lớp 10 vẫn rất khó với thí sinh.
Đề thi an toàn
Như dự đoán của nhiều người, đề thi văn trong kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội nằm trong phạm vi an toàn với cấu trúc cũ được áp dụng nhiều năm qua. Thậm chí cả số câu hỏi/phần cũng được giữ nguyên như đề thi năm trước.
Cô Đỗ Thu Hà, giáo viên Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho rằng đề thi không bất ngờ với cấu trúc rất quen thuộc, cách hỏi rất cơ bản. Nếu đề thi văn chỉ đặt ra mục tiêu đánh giá, tuyển chọn thì không có gì để phàn nàn.
Nhưng trong nhiều năm nay và trong xu thế đổi mới mạnh mẽ dạy học văn thì những đề thi như Hà Nội kiên trì theo đuổi không khích lệ sự đổi mới, sáng tạo của cả người dạy và người học.
Cô Hà Thị Thu Thủy, giáo viên Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), cũng nhận xét: "Tác phẩm văn học đề cập trong đề thi quen thuộc, các câu hỏi cũng cơ bản không có nhiều cơ hội cho học sinh có năng lực văn học phát huy sáng tạo.
Ở góc độ này, tôi thấy đề văn quá an toàn, cơ bản như thế này hơi thiệt thòi cho học sinh có năng lực tốt. Nói xa hơn nó không khích lệ giáo viên đổi mới, học sinh sáng tạo. Vì với học sinh cuối cấp, trường nào cũng phải bám sát phương châm thi gì học nấy để có kết quả thi tốt".
Môn văn mở đầu kỳ thi "dịu mát" như tiết trời Hà Nội đã hạ nhiệt so với những ngày trước. Nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm thế vui vẻ, nhẹ nhõm vì đều ít nhiều làm được bài. Dự đoán của giáo viên văn ở Hà Nội cho rằng với đề thi này, phổ điểm sẽ cao hơn năm trước, tập trung ở khoảng 7 - 8 điểm.
Cạnh tranh gay gắt
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, với 116.000 thí sinh đăng ký dự thi, có khoảng 44,3% số thí sinh (gần 51.000 thí sinh) sẽ trượt khỏi trường công lập. Những học sinh này hoặc học trường tư, hoặc học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề...
Trong khi đó, sự chênh lệch về điều kiện và chất lượng giữa các trường công trong cùng một khu vực, giữa trường nội thành và ngoại thành có khoảng cách rất lớn.
Theo điểm chuẩn 3-5 năm gần đây, những trường công lập thuộc tốp dưới có điểm chuẩn thấp hơn các trường tốp đầu khoảng 20 điểm nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Có nghĩa có nhiều học sinh đủ điểm đỗ các trường tốp dưới nhưng không nhập học.
Điều này cũng cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt dồn vào các trường tốp giữa trở lên (phân loại theo nhóm điểm chuẩn) và căng thẳng hơn ở một số quận gia tăng dân số đột biến nhưng chưa bổ sung thêm trường công lập.
Đơn cử như ở quận Hà Đông, một trong những địa bàn gia tăng dân số nhiều, số học sinh dự tuyển cũng đông nhưng chỉ có ba trường THPT công lập. Ở địa bàn như thế này, tỉ lệ học sinh vào học lớp công lập chỉ chiếm khoảng 28 - 30% so với số học sinh tốt nghiệp THCS.
Theo đánh giá của một số hiệu trưởng THPT, nếu môn toán cũng được ra vừa sức, cơ bản tương tự hai môn ngữ văn, tiếng Anh với phổ điểm tập trung trong ngưỡng 7 - 8 điểm thì mặt bằng điểm chuẩn vào trường công lập của Hà Nội năm nay sẽ tăng khoảng 1 - 1,5 điểm.
Nhưng theo kinh nghiệm của các thầy cô, khi đề thi "dễ thở" với học sinh đại trà thì điểm chuẩn các trường có sức cạnh tranh lớn sẽ vọt lên rõ rệt hơn, vì những trường này tập trung chủ yếu học sinh có lực học vững hoặc giỏi.
Ví dụ, năm trước, mặc dù mặt bằng điểm chuẩn chỉ tăng nhẹ nhưng ở một số trường tốp đầu trung bình thí sinh phải đạt 9 - 9,3 điểm/môn thi mới trúng tuyển.
Môn ngoại ngữ: điểm 8 - 9 có thể nhiều
Môn thi ngoại ngữ (tiếng Anh) cũng được đánh giá "dễ thở". Phần lớn các câu rất cơ bản, quen thuộc và lại được thi theo hình thức trắc nghiệm. Nhiều thí sinh dự thi tại khu vực nội thành cho biết có khả năng đạt điểm tối đa.
Trong khi đó những học sinh yếu ngoại ngữ rải rác ở một số điểm thi khác cũng cho biết làm được chắc chắn trên 50% số câu hỏi.
Theo thầy Nguyễn Trung Nguyên - giáo viên môn tiếng Anh tại Hệ thống giáo dục HOCMAI, phổ điểm môn tiếng Anh tập trung ở khoảng 6,5 - 7 điểm. Nhưng số thí sinh có điểm 8 - 9 có thể nhiều. Những thí sinh học tốt có thể dễ dàng đạt điểm tối đa.
Sáng nay 10-6, 116.000 thí sinh bước vào môn thi đầu tiên kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội. Kỳ thi diễn ra trong thời tiết nắng nóng cao điểm, kèm theo mưa to bất ngờ nên tiềm ẩn những rủi ro.