Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và bảo vệ nhân dân
Vừa là ĐBQH tỉnh Hưng Yên, đồng thời là thành viên Ban soạn thảo dự án Luật Căn cước, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trân trọng lắng nghe, phát biểu tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH, đồng thời tham gia thảo luận về một số vấn đề mà ĐBQH quan tâm.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc xây dựng dự án Luật nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp - đây là mục tiêu quan trọng, đồng thời để bảo vệ nhân dân. "Bảo vệ để không ai bị xâm phạm về đời tư cá nhân. Cho đến giờ này, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đã vận hành rất tốt, là nền tảng để quản lý, quản trị xã hội, không ai có thể xâm nhập vào lấy được dữ liệu. Đồng thời, bảo vệ ở đây là trên nhiều nghĩa. Trước đây, chúng tôi rất vất vả khi tìm thông tin người già đi lạc, người tâm thần, trẻ em đi lạc... không biết là ai, ở đâu; rồi những người đi đường gặp sự cố, tai nạn giao thông không biết họ là ai, thì giờ đã trả lời được, đây đều là những người yếu thế trong xã hội", Bộ trưởng lý giải.
Theo Bộ trưởng, chúng ta chủ trương "không để ai bị bỏ lại phía sau", nhưng thực chất con số này có thể lên đến hàng triệu người, cũng không được thống kê bao giờ, họ không có căn cước, không có hộ khẩu, không có ai quản lý. "Ở vùng sâu, vùng xa có những người chưa bao giờ đi ra khỏi bản làng, thôn, ấp, chủ yếu là người già không nơi nương tựa, người nghèo, ốm đau, bệnh tật, tàn tật. Họ không có nhu cầu kết nối xã hội, chưa từng đi đâu. Thậm chí có những người chưa từng được chụp ảnh, khi được cán bộ Công an chụp ảnh làm CCCD họ xúc động lắm, có những cụ già 70 tuổi chưa bao giờ được chụp ảnh thẻ, họ nói vui là nay mai có chuyện gì ra đi thì đấy sẽ là ảnh thờ của họ", Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ. |
Cũng theo Bộ trưởng, không chỉ vùng sâu, vùng xa mà ngay gần đây thôi, ngay tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng có hàng trăm nghìn người. Là người từ nhiều vùng đất nước đến Hà Nội từ nhiều chục năm nay, đến từ lúc còn là cậu bé đánh giày, bán hàng rong, làm thuê làm mướn, thấy cuộc sống phúc lợi xã hội lớn quá, ngày nào cũng thu nhập được, tối họ ở trọ hoặc gầm cầu, hoặc chỗ nào đấy... Họ cũng phát triển lên, tình yêu đẹp, có gia đình, sinh con sinh cái, các cháu sinh ra cũng vậy, không có hộ khẩu, không có giấy tờ, không được đi học, không khai sinh. Lớn lên, các cháu tiếp tục đánh giày, cuộc sống rất khó khăn.
"Nếu chúng ta không cấp Căn cước, không đưa họ vào diện để xã hội giúp đỡ, hỗ trợ thì rất khó khăn. Dịp COVID-19 chúng tôi đã phát hiện ra điều này, nhiều người bảo để phòng dịch thì "ai ở đâu, ở đó", nhưng họ bảo: "tôi làm gì ở đâu". Lúc cứu trợ chúng ta đưa gạo, đưa rau nhưng họ không có bếp, ăn cơm đĩa thôi, làm ngày nào hay ngày đó. Qua làm CCCD chúng tôi phát hiện ra những điều như vậy, mà không phải ít, vùng nào cũng có. Hiến pháp quy định phải bảo vệ người dân, người dân có quyền sống bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, mục tiêu, ý nghĩa bảo vệ nhân dân của việc này là rất lớn" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, mục tiêu thứ ba mới tính đến hoạt động quản lý xã hội. Với giao dịch điện tử như thế này, nhiều người nói, không nghĩ cải cách khiến người dân, doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi như thế. "Trước đây "một cửa" đã tạo điều kiện rồi, giờ không có cửa nào vì môi trường điện tử, người dân có địa vị pháp lý, danh tính rõ ràng, giao dịch vô cùng thuận lợi. "Một cửa" đã dần rơi vào dĩ vãng rồi vì người ta ngồi ở nhà vẫn giao dịch được với các cơ quan hành chính, tiện ích vô cùng lớn", Bộ trưởng nói.
Sửa tên Luật Căn cước chính xác và bao hàm hơn
Lý giải thêm về việc sửa tên Luật Căn cước, Bộ trưởng khẳng định tên này chính xác và bao hàm hơn. Đây không phải là giấy chứng nhận công dân, vì có những người bị tước một số quyền công dân nhưng vẫn có căn cước, vẫn có quyền sở hữu tài sản, đăng ký chủ nhà, chủ đất, chủ xe ô tô... Ví dụ, những người chấp hành án phạt tù, người ta đi cải tạo một thời gian nhưng quyền cư trú, Căn cước vẫn còn. Thêm vào đó, những em bé mới sinh ra đã có quyền cấp Căn cước để được cấp hộ chiếu, đi nước ngoài theo bố mẹ... Việc giấy khai sinh là giấy tờ duy nhất chứng minh để lên máy bay đã làm nảy sinh nhiều chuyện dở khóc dở cười như mượn giấy khai sinh, khai mất giấy khai sinh để lên máy bay...
Phiên thảo luận Luật Căn cước thu hút sự quan tâm của nhiều ĐBQH. |
"Vừa rồi chúng tôi làm với ngành Giáo dục rất thuận lợi cho các cháu đi thi. Chúng tôi cũng có thể cung cấp cho ngành Giáo dục năm nay xã này có bao nhiêu cháu đến tuổi đi học, bao nhiêu nam, bao nhiêu nữ, từ dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống", rất thuận lợi, bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo...", Bộ trưởng chia sẻ và cho biết, trách nhiệm pháp lý không thay đổi được khi có Căn cước. Đây chỉ là Căn cước để xác định anh là ai, tôi khác với những người khác, tôi có địa vị pháp lý của mình, chứ không phải là điều gì ghê gớm. Sửa tên Luật Căn cước để phạm vi đối tượng mở rộng hơn, phục vụ tốt việc quản lý xã hội.
Về việc cấp Giấy chứng nhận Căn cước đối với người gốc Việt đang cư trú tại Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, họ phải được xã hội thừa nhận, có quyền giao dịch trong xã hội, trong khi họ không có giấy tờ gì, không quốc tịch, không hộ chiếu, không chứng minh. "Chúng tôi không cấp Căn cước công dân (CCCD) mà làm chứng nhận Căn cước. Việc này tạo điều kiện để xã hội có trách nhiệm hơn với họ và họ cũng phải có trách nhiệm với xã hội", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Ban soạn thảo cũng đã rà soát việc sửa đổi Luật đảm bảo tương thích với các dự án luật và các điều ước quốc tế, đồng thời hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn toàn đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn trong khi lưu trữ, kết nối, chia sẻ thông tin nên dù mỗi ngày có cả nghìn cuộc tấn công, xâm nhập nhưng cũng không thể vượt qua hệ thống bảo vệ. Đối với thẻ CCCD gắn chíp, nếu chụp ảnh lại đưa lên mạng cũng không thể hoạt động được, không thể rút tiền, không bị mạo danh...
Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng, chống gian lận, trục lợi
Toàn cảnh phiên thảo luận. |
Thông tin tính đến ngày hôm qua 9/6, đã có 19 tỉnh hoàn thành cấp CCCD gắn chip và phấn đấu trước 30/7 sẽ hoàn thành cấp CCCD cho mọi người dân, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong quá trình cấp CCCD có tỷ lệ sai sót, nhưng lực lượng Công an sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa với mục tiêu "đúng, đủ, sạch, sống". Việc này cũng đã tiết kiệm cho các bộ, ngành và người dân hàng trăm tỷ đồng. Ví dụ, kết nối dữ liệu bảo hiểm y tế giúp tiết kiệm trăm triệu USD; tiếp kiệm chi phí cấp đổi giấy phép lái xe 135.000 đồng/giấy phép lái xe; chi phí cấp đăng ký xe 30.000 đồng/đăng ký xe; chi phí sản xuất, cấp văn bằng, chứng chỉ 10 - 50.000 đồng/văn bằng, chứng chỉ; chi phí thẻ Bảo hiểm y tế 2.000 đồng, sao y công chứng 2000-10.000 đồng/trang...
Bên cạnh đó, tiết kiệm cho xã hội, cho Chính phủ, cho Nhà nước nhiều tỷ đồng. Trong Y tế, nếu cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi thì không mất chi phí cấp sổ tiêm chủng (10.000 đồng/sổ), sổ khám chữa bệnh, thẻ bảo hiểm y tế... "Một dữ liệu quan trọng là biết được tình trạng sức khoẻ nhân dân, biết được bao nhiêu người bị bệnh tim, bao nhiêu người bệnh gan, dạ dày, từ đó tính toán đào tạo bao nhiêu bác sỹ, mua thuốc gì... Đồng thời chống gian lận, tránh tình trạng không đi khám bệnh vẫn có hồ sơ khám để lấy tiền bảo hiểm y tế" - Bộ trưởng phân tích. Tiết kiệm cho người dân không phải xếp hàng ròng rã sao y chứng nhận, công chứng, rồi các cơ quan quản lý Nhà nước lại mất tiền duy trì, quản lý những giấy tờ đó...
Về thẻ CCCD gắn chíp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đã nghiên cứu nhiều nước trên thế giới, trong đó có Estonia là quốc gia được công nhận văn minh, hiện đại nhất trên thế giới về công nghệ số quốc gia, nhưng giờ họ đã thừa nhận chúng ta tiến bộ, hiện đại hơn vì công nghệ đi sau phát triển hơn. "Chúng tôi tích hợp tiếng Việt, tiếng Anh, sử dụng được trong nước và quốc tế, có thể đi được máy bay cả trong nước và quốc tế, rất văn minh - đây là tiến bộ mà chúng ta đi đầu trong khu vực ASEAN", Bộ trưởng thông tin.
Theo Bộ trưởng, việc thẻ CCCD gắn chip đưa vào QR code và chip giúp đưa vào một lượng thông tin lớn, tiếp tục mở rộng và bảo đảm an toàn. Dự thảo Luật cũng kiến nghị bỏ vân tay và định dạng vì nếu định danh con người rồi thì không có ý nghĩa nữa. Căn cước mới sẽ đẹp hơn, to hơn. Một số đại biểu băn khoăn, nhưng nếu CCCD đã đưa vào công nghệ sinh trắc học thì việc thay đổi nhận dạng, sửa đổi sắc đẹp cũng không ảnh hưởng vì không ai trùng với ai... "Công nghệ phát triển lên, chúng tôi đã ứng dụng, cập nhật rất kịp thời. Thậm chí nay mai còn cập nhật nhóm máu để phục vụ ngay cho công tác cấp cứu", Bộ trưởng cho hay và khẳng định, sau này có thời điểm công nghệ bị lạc hậu thì sẽ tiếp tục cập nhật, sửa đổi.
Về thông tin cấp thẻ CCCD là để theo dõi người dân, Bộ trưởng khẳng định đây chỉ là một số thông tin từ các đối tượng phản động, khiến người dân hoang mang, lo lắng, chứ thực chất không thể theo dõi được và nếu theo dõi cũng vi phạm pháp luật. "Chúng tôi không để cái gì phát sóng, phát tín hiệu ở đây, năng lượng ở đâu làm được điều này? Về nguyên lý bình thường cũng không thể làm được. Luận điệu này là để xuyên tạc do một số đối tượng phản động bên ngoài, chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu" - Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.
Quy định chi phí cấp lại thẻ CCCD là để gắn trách nhiệm của người dân
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng, định danh là định danh vĩnh viễn, không ai có thể có 2 CCCD, nếu mất đi là huỷ số đó cấp lại số khác. Về một số ý kiến cho rằng nên miễn chi phí cấp lại CCCD cho người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo..., Bộ trưởng cho rằng, Nhà nước cấp CCCD lần đầu cho dân không mất tiền, nhưng có tình trạng người dân "tháng nào cũng mất", cho nên việc quy định chi phí cấp lại là để gắn trách nhiệm của người dân, tránh trường hợp "ông để đâu không chịu tìm lại kêu mất". Thậm chí cần quy định mất lần 1 nộp 10.000 đồng, lần 2 nộp 100.000 đồng, lần 3 nộp 1 triệu đồng...
Về chia sẻ dữ liệu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện Bộ Công an vừa tích luỹ, vừa chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành, địa phương và đang được giao làm Trung tâm dữ liệu lớn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Và để đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" là nhờ lực lượng Công an xã. Do đó, người dân đi đâu, làm gì cần phải khai báo để biết được biến động dân cư như thế nào. Trung tâm dữ liệu quốc gia dân cư được lực lượng Công an cập nhật hàng ngày, thường xuyên. Theo Bộ trưởng, trên thế giới cũng có nhiều hệ thống như vậy nhưng nếu không có đội ngũ làm thì không thể làm được, các dữ liệu chỉ là điều tra cơ bản, ban đầu.
"Hôm qua làm việc với Trung ương Đoàn, chúng tôi hiện có dữ liệu nhiều hơn cả dữ liệu Trung ương Đoàn đang quản lý. Hiện họ chỉ quản lý hơn 66% thanh niên, còn hơn 7 triệu thanh niên chưa vào tổ chức gì. Chúng tôi cũng có dữ liệu từng xã một, về giới tính, việc làm, độ tuổi lao động...; cả dữ liệu về thiếu niên, nhi đồng, phụ nữ..., cập nhật đến từng xã", Bộ trưởng thông tin và cho biết, qua trao đổi với nước ngoài, nhiều nước đánh giá cao Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Việt Nam. "Vừa qua đến thăm Việt Nam, Công chúa Hà Lan đánh giá, thần kỳ của Việt Nam khi làm được điều này, nguyên nhân là do một Đảng lãnh đạo, chứ Hà Lan cũng không thể làm được", Bộ trưởng chia sẻ.