Ngân hàng ép người vay vốn phải mua bảo hiểm, Thống đốc nói gì?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng hồi âm lo ngại của đại biểu Quốc hội về hành vi lôi kéo, ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm trước khi được vay vốn.
Chiều 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (Dự thảo). Chỉ ít phút trước phiên thảo luận này, báo cáo tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại tổ về Dự thảo của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mới được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. So với nhiều nội dung khác thì báo cáo này được hoàn thành khá muộn, đại biểu không có thời gian nghiên cứu.
Trước đó, như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã thông tin, thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm các hành vi cấm như các hành vi nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần hoặc tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ nhằm chi phối, kiểm soát lại một TCTD; môi giới trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định pháp luật; hành vi lôi kéo, ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm trước khi được vay vốn; hành vi bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ; … là những hành vi gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua.
Hồi âm đại biểu, Thống đốc cho biết, về hành vi “nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm chi phối, kiểm soát lại một TCTD”, hiện nay, điểm c khoản 1 Điều 54 Luật các TCTD quy định nghĩa vụ của cổ đông phổ thông không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật; cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát bổ sung quy định cấm hành vi nêu trên vào điều khoản phù hợp.
Về hành vi môi giới trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định, theo Thống đốc thì hiện nay theo quy định tại Dự thảo thì các TCTD không được thực hiện hoạt động môi giới trái phiếu.
Với hành vi lôi kéo, ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm trước khi được vay vốn; hành vi bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, Thống đốc giải thích, hiện nay pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm, nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.
Điểm đ khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cũng có quy định xử phạt đối với hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Như vậy, theo Thống đốc, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có quy định xử lý đối với các hành vi ép buộc mua bảo hiểm. Khi TCTD ký kết dịch vụ đại lý bảo hiểm, cung cấp sản phẩm bảo hiểm phải đảm bảo tuân thủ cả pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Bên cạnh đó khoản 4 Điều 10 dự thảo Luật quy định trách nhiệm của TCTD phải thông báo công khai quyền, nghĩa vụ của khách hàng đối với từng loại sản phẩm, dịch vụ đang cung ứng.
Thống đốc cũng giải thích việc không thiết kế một điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm thay vì quy định rải rác trong các điều, khoản, như ý kiến của đại biểu, là do số lượng các quy định này tương đối nhiều và đang được quy định tại từng điều khoản cụ thể phù hợp với kết cấu, phạm vi điều chỉnh của các chương mục. Cách quy định này đảm bảo rõ ràng hơn trong quá trình thực hiện.
Do đó, dự thảo Luật không quy định hành vi bị cấm thành một điều riêng. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban kinh tế, Ủy ban pháp luật của Quốc hội để rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện quy định này tại dự thảo Luật, đảm bảo rõ ràng, cụ thể, Thống đốc nêu tại báo cáo.
Cần chế tài đủ sức răn đe việc ép mua bảo hiểm khi vay tiền ngân hàng
Chiều 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Gửi báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ về nội dung này trước thềm phiên thảo luận toàn thể này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết một số vị đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát và thiết kế một điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm thay vì quy định rải rác trong các điều, khoản của dự thảo Luật để dễ thực hiện khi Luật có hiệu lực.
Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm các hành vi cấm như các hành vi nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần hoặc tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ nhằm chi phối, kiểm soát lại một TCTD; môi giới trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định pháp luật; hành vi lôi kéo, ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm trước khi được vay vốn; hành vi bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ; … là những hành vi gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua.
Có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của ngân hàng trong việc bán bảo hiểm nhân thọ và trái phiếu doanh nghiệp tại trụ sở của ngân hàng để tránh rủi ro cho hàng triệu khách hàng đang giao dịch với ngân hàng hiện nay, Tổng thư ký Quốc hội phản ánh.
Cạnh đó, theo Tổng thư ký, có đại biểu đề nghị xem xét bổ sung các quy định đủ sức răn đe đối với hoạt động ép mua bảo hiểm khi người vay tiếp cận các nguồn vốn vay và phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức và ngân hàng thương mại trong việc chịu trách nhiệm đối với các hoạt động trái với quy định của pháp luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Liên quan đến vấn đề trên, trong phát biểu tại tổ, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu thực tế, qua xem trên báo cáo tài chính của các ngân hàng thì thấy lợi nhuận từ hoạt động khác tăng lên rất đột biến. Có ngân hàng tăng từ khoảng hai trăm tỷ một năm thì lên đến khoảng bảy tám nghìn tỷ một năm.
Và có thực trạng vừa rồi nổi lên, đó là khi mà các tổ chức, cá nhân khi đến ngân hàng vay tín dụng, ví dụ như một hộ gia đình sản xuất kinh doanh có vay một hợp đồng tín dụng khoảng một tỷ đồng thì không hiểu sao lại mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với giá trị khoảng ba mươi triệu đồng, tức là bằng 3% hoặc đến 4% so với giá trị của hợp đồng tín dụng.
Cái này trở thành phổ biến đến mức mà sau đó cũng có những ý kiến rằng có sự ràng buộc giữa việc phải mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với việc vay vốn, ông Thịnh nói.
Vẫn theo đại biểu Thịnh, rất nhiều ngân hàng cũng đã xây dựng “cái gọi là KPI” đối với nhân viên trong việc bán bảo hiểm nhân thọ.
Ông Thịnh cho biết, theo Thông tư của Bộ Tài chính thì việc trích lập cho đại lý đối với doanh thu bảo hiểm năm đầu là 40%, nhưng trong hoạt động của công ty bảo hiểm nhân thọ thì họ được phép hạch toán chi phí tối đa cho năm đầu là 90%, thế nên cũng có dư luận là khi ngân hàng bán được bảo hiểm nhân thọ năm đầu thì được trích đến 70 - 80%.
“Đây là những cái có dư luận nhưng cũng có cơ sở khách quan”, ông Thịnh nhìn nhận.
Đại biểu cho rằng, trong quá trình xu thế phát triển của tư bản tài chính và tư bản công nghiệp đều thừa nhận rằng trong mối quan hệ tín dụng, tổ chức tín dụng luôn là ở kèo trên đối với người đi vay.Bởi vì tổ chức tín dụng có những quyền rất đặc biệt, quyền nhận tiền của tất cả mọi người dân.Có những đặc quyền, ví dụ như kinh doanh tiền, đấy là một đặc quyền do luật cho phép.
Theo ông Thịnh, để cho hoạt động tín dụng được minh bạch thì cần phải cấm hành vi bán chéo, xung đột lợi ích, bán chéo bảo hiểm nhân thọ. Còn riêng bảo hiểm tín dụng đối với khoản vay thì không sao, rất thấp.Để bảo vệ khoản vay tín dụng đó thì bảo hiểm này lại cần khuyến khích.
Ông Thịnh cũng phân tích, tại Điều 105, trong các hoạt động của ngân hàng thương mại thì được làm đại lý bảo hiểm theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước, tức là vẫn phải được Nhà nước cấp phép. Trong bối cảnh hiện nay, ông Thịnh cho rằng không nên cho phép hoạt động này đối với các hệ thống tổ chức tín dụng cũng như các ngân hàng thương mại.
Cùng lo ngại, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nói dự thảo luật cho phép ngân hàng làm đại lý bảo hiểm, nhưng chế tài đối với ngân hàng trong hoạt động này lại chưa rõ.
Ông Khải đề nghị dự thảo phải quy định rất rõ trách nhiệm của ngân hàng trong chuyện bán bảo hiểm nhân thọ và bán trái phiếu doanh nghiệp tại trụ sở của ngân hàng.Trách nhiệm này phải làm rất rõ ra để tránh rủi ro cho hàng triệu khách hàng đang giao dịch với ngân hàng hiện nay.
Cổ phiếu ngân hàng nóng theo “game” tăng vốn
Thị trường chứng khoán khởi sắc giúp kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng ngày càng thuận lợi. Mới đây, một loạt ngân hàng vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng cũng tăng vượt đỉnh.
Vài tháng gần đây, liên tiếp các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp nhận tăng vốn điều lệ. Ngay đầu tháng 6/2023, LPBank đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 17.291 tỷ đồng lên mức 28.676 tỷ đồng thông qua nhiều cấu phần; SeABank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.500 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên 25.903 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 5/2023, TPBank cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 6.199 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 22.000 tỷ đồng.Tương tự, OCB được chấp thuận tăng vốn từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. Vietcombank được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng…
Ngoài ra, cuối tháng 6 này, Quốc hội cũng sẽ bỏ phiếu thông qua phương án tăng vốn 17.100 tỷ đồng cho Agribank giai đoạn 2023 - 2024. Theo đó, năm nay, Agribank sẽ được bổ sung vốn khoảng 6.750 tỷ đồng, còn lại chuyển sang thực hiện vào năm 2024.
Ngoài các ngân hàng trên, hiện có gần 20 ngân hàng TMCP khác đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, hầu hết bằng chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu kế hoạch tăng vốn được các ngân hàng thực hiện thành công, từ nay đến cuối năm, thì vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng sẽ tăng thêm khoảng 163.000 tỷ đồng, tương đương tăng 26,7%. Đồng thời, thứ hạng vốn điều lệ có sự thay đổi đáng kể.
Dự kiến, đến cuối năm nay, VPBank vẫn giữ nguyên vị trí quán quân về vốn điều lệ. Vietcombank sau khi tăng sẽ vươn lên vị trí thứ 2 về vốn điều lệ. MB vẫn giữ nguyên vị trí Top 5 vốn điều lệ. Nếu được tăng vốn năm nay, Agribank sẽ tăng một bậc trong bảng xếp hạng vốn điều lệ, song vẫn đứng sau các ngân hàng trong nhóm big 4 và một số ngân hàng TMCP tư nhân như VPBank, MB.
Các ngân hàng dự kiến sẽ “thăng hạng” về vốn điều lệ nếu kế hoạch tăng vốn thành công cuối năm nay là: ACB, SHB, LPBank, VIB, TPBank, OCB… Trong khi đó, một số ngân hàng như Techcombank, MSB, Sacombank… lại tụt bậc trong bảng vốn điều lệ do kế hoạch tăng vốn khiêm tốn.
Thị trường chứng khoán hồi phục tích cực cùng với “game” tăng vốn khiến nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh. Giữa tuần này, cổ phiếu VCB của Vietcombank có lúc vượt 98.000 đồng/cổ phiếu, thiết lập đỉnh mới cao nhất “mọi thời đại”. Trong vòng vài tuần qua, cổ phiếu TPBank, OCB… cũng tăng tới 7 - 8%.
Ngoài yếu tố tăng vốn, việc lãi suất huy động giảm sâu cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán nói chung và dòng cổ phiếu “vua” được hưởng lợi.
Với các ngân hàng, thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi khiến kế hoạch tăng vốn trở nên dễ dàng hơn khá nhiều.Năm 2022, chỉ có 15 ngân hàng tăng vốn thành công, dù trước đó có tới 27 ngân hàng có kế hoạch tăng vốn.Nửa đầu năm nay, thị trường chứng khoán khởi sắc là cơ hội tốt để các ngân hàng hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn.
Việc tăng vốn thành công không chỉ giúp ngân hàng cải thiện các chỉ số tài chính, thăng hạng trong “bảng xếp hạng” của NHNN, mà còn là bộ đệm để các ngân hàng tăng khả năng chống chịu trong một nền kinh tế đầy biến động, nhiều rủi ro.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối nghiên cứu và phân tích (Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng) cho rằng, việc các ngân hàng cấp tập tăng vốn điều lệ trong bối cảnh nợ xấu tăng cao là rất cần thiết. “Khi rủi ro tăng cao, việc các ngân hàng chú trọng tăng vốn và tăng quản trị chất lượng tài sản hơn là chạy theo tăng trưởng là chiến lược đúng đắn”, ông Thành nhận định.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế khuyến cáo, Hệ số An toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam không chỉ ở mức thấp, mà còn cải thiện chậm so khu vực. Do vậy, tăng vốn là vấn đề ưu tiên của nhiều ngân hàng năm nay.
Được biết, hiện ngoài kế hoạch chia cổ tức 10 - 50% bằng cổ phiếu để tăng vốn, năm nay, một loạt ngân hàng cũng đặt kế hoạch bán vốn cho cổ đông ngoại như Vietcombank, BIDV, LPBank, SHB…
Hạn chế hay chấm dứt sở hữu chéo: Vấn đề là chúng ta muốn gì?
Tiếp tục bàn về các nội dung của Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, trong số báo này, Báo Đầu tư trao đổi với GS-TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) về vấn đề sở hữu chéo tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi đề cập Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, đã nêu quyết tâm phải chấm dứt sở hữu chéo, chứ không phải hạn chế nữa. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đây thực sự là tin rất vui và đáng lý phải đến sớm hơn. Trước hết, chúng ta cùng thống nhất với nhau rằng, giải quyết sở hữu chéo cần phải đặt trong khuôn khổ tổng thể các quy định để hệ thống ngân hàng phát triển an toàn, hiệu quả và cạnh tranh.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đề cập khá nhiều thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc giám sát các ngân hàng để ngăn sở hữu chéo, thao túng nhà băng. Tuy nhiên, không biết vô tình hay hữu ý, cứ thể như mọi căn nguyên vấn đề nằm ở chỗ tỷ lệ sở hữu cá nhân và người có liên quan nắm giữ cổ phần hiện nay quá cao, chỉ cần giảm mạnh chúng xuống sẽ giải quyết được vấn đề.
Sự nhận diện không xác đáng này có thể khiến không ai thấy “con voi trong phòng”, đã làm lệch hướng trọng tâm bức xúc của dư luận hàng thập kỷ nay, rằng tại sao đã có biết bao nhiêu thông tư, nghị định và đoàn giám sát của NHNN và bộ, ngành có liên quan, mà con bệnh vẫn ngày càng nặng thêm. Ngân hàng SCB là một ví dụ điển hình và có thể chỉ là bề nổi của tảng băng.
Theo ông, câu hỏi đúng để chấm dứt sở hữu chéo phải là gì?
Ngân hàng là một lĩnh vực đầy bí hiểm, nhưng không kém phần đam mê bởi nó mang lại quá nhiều lợi ích cho quốc gia. Một mặt, nhà băng quá đặc biệt đến mức, luật ngân hàng nhiều nước tạo ra một mạng lưới an toàn để nó không thất bại. Nhưng mặt khác, nó cũng cực kỳ mong manh vì sử dụng quá ít vốn chủ sở hữu, khiến các chủ nhà băng luôn có tâm lý kinh doanh liều lĩnh với cái giá phải trả của toàn xã hội. Điều này đặt ra sự cân bằng tế nhị. Một mặt, luật cần thiết kế các quy định sao cho nhà băng phát triển ổn định, an toàn, nếu có thất bại thì cũng “thất bại trong an toàn” hoặc “thất bại thành công” (không tốn tiền ngân sách giải cứu). Mặt khác, phải làm sao cho chủ nhà băng luôn cảm thấy sẽ bị mất mát quá lớn nếu chỉ thuần tuý chạy theo rủi ro.
Vì thế, theo tôi, câu hỏi đúng phải là làm sao kích thích đồng thời cả hai yếu tố trên. Nhà băng phải trở thành nơi phát triển lành mạnh, đầy đam mê cho những ai muốn phụng sự cho một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Đồng thời, các nhà băng cần được thiết kế sao cho thất bại trong an toàn, nếu nó quá tệ đến mức gây hại cho toàn hệ thống thì đành phá sản.
Lâu nay, chúng ta hay dị ứng khi bàn về Luật Phá sản ngân hàng. Nhưng nếu tuyên truyền đúng để người dân hiểu rằng, Luật Phá sản ngân hàng là để cho nhà băng không phá sản hay “phá sản thành công”, thì dễ nhận được sự đồng thuận. Mọi thứ nằm trong câu từ. Nếu phá sản là từ nhạy cảm, chúng ta có thể gọi dưới một cái tên khác như luật hay các nghị quyết của Quốc hội về “xử lý” nhà băng (đã đề cập trong bài trước). Đứng ở góc độ này, để chấm dứt sở hữu chéo, các quy định tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng là chưa đủ.
Vậy giải pháp phải như thế nào, thưa ông?
Đây là vấn đề phức tạp, đến mức thật thiếu khiêm tốn để khẳng định đâu là giải pháp tối ưu. Một số quy định về cơ chế giám sát, can thiệp sớm và thẩm quyền của các cơ quan quản lý như NHNN, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng và các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu và của các chuyên gia cần được cân nhắc trong một khung khổ phù hợp.
Quan trọng nhất, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng nên tuân thủ thông lệ quốc tế phù hợp với đặc thù Việt Nam.Không vì đặc thù Việt Nam mà bỏ sót quá nhiều thông lệ quốc tế, vô hình trung mang lại quá nhiều lợi ích cho các chủ nhà băng. Còn cái gì không có lợi cho nhà băng, như các quy định chống sở hữu chéo theo các thông lệ quốc tế, thì lại không thấy đề cập, với lập luận rằng, nó là đặc thù Việt Nam, nên khó lắm hay không thể.
Ông có thể giải thích rõ, thế nào là thông lệ quốc tế chống sở hữu chéo mà Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng không đề cập?
Theo dõi diễn đàn Quốc hội, tôi thấy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra nhiều gợi ý khả thi, từ việc minh bạch đến từng quan hệ sở hữu nhà băng, tới các vấn đề mang tính kỹ thuật như các quy định kế toán và tiêu chuẩn báo cáo tài chính hợp nhất…
Sở hữu chéo là một mục tiêu di động, thậm chí tàng hình. Các chủ nhà băng có thể phân thân cổ phần thành cả phả hệ. Dù chỉ nắm giữ 1% cổ phần, nhưng họ vẫn có thể chi phối nhà băng dễ dàng như trở bàn tay. Để đối phó với mục tiêu di động, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng lại chỉ hướng nòng pháo đến… điểm tựa cố định là hằng số bất biến về tỷ lệ sở hữu, thành ra bao năm qua cứ liên tục bắn trật mục tiêu. Nó vẫn cứ ngoài tầm ngắm của pháp luật bấy lâu và có thể tái diễn nặng hơn trong thời gian sắp tới nếu chúng ta không giải quyết hiệu quả tình trạng này.
Như vậy, cần phải có các công cụ di động để ngắm đúng mục tiêu?
Vâng, cũng gần đúng thế. Anh cứ tra cứu thử xem trên thế giới có luật ngân hàng nào đề cập chống sở hữu chéo như chúng ta hay không? Cá nhân tôi quan sát thấy, dường như sở hữu chéo chỉ là đặc sản của Việt Nam. Đó là vì luật ngân hàng và các đạo luật có liên quan ở nhiều nước tìm cách hướng đến thiết lập một mạng lưới phòng ngừa rủi ro từ sớm, từ xa dày đặc như thể mạng nhện để bắt lưới sở hữu chéo. Thậm chí, hầu hết các nước, như Mỹ, Anh, Trung Quốc… đều thành lập mô hình song đỉnh (peak twin) đặt nhà băng dưới sự giám sát không chỉ của ngân hàng trung ương, mà còn ở một tổ chức giám sát thận trọng khác.
Luật ở các nước khống chế tỷ lệ sở hữu tối đa vì nguyên tắc chống độc quyền, chứ không tìm cách giảm thấp nó còn một tí xíu để xử lý sở hữu chéo như ở nước ta.Ngược với chúng ta, tư duy làm luật của các nước là khuyến khích mục tiêu lộ diện, chứ không khuyến khích nó tàng hình.Luật nhiều nước thậm chí cho phép một cá nhân và những người có liên quan có thể sở hữu cổ phần lên đến trên hơn 20%.Thay vì kiểm soát một đàn cá lí nhí, họ chỉ cần nắm con cá mập đầu đàn để kiểm soát.
Về vấn đề này, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế khi thực tế hiện nay đã bắt đầu hình thành các mô hình tổ chức tương tự như tập đoàn tài chính hoặc công ty mẹ - con, nhưng công ty mẹ là tổ chức tín dụng hoặc tập đoàn có thành viên là ngân hàng thương mại đang bắt đầu xuất hiện ở nước ta.
Theo cách tiếp cận này, luật cần nắm kẻ có tóc, chứ không phải kẻ trọc đầu. Chẳng hạn, ngay từ khâu cấp phép ngân hàng, luật của nhiều nước quy định rất cụ thể “người nộp đơn xin phép theo luật định” phải đáp ứng những tiêu chí nào mới được cấp phép nhà băng. Người nộp đơn phải làm cam kết khẳng định sẽ cung cấp vốn chủ sở hữu “mạnh mẽ và không thể nghi ngờ”, đồng thời người nộp đơn phải lên kế hoạch chi tiết thoái lui hoặc phục hồi nhà băng nếu nó thất bại.
Anh thấy đấy, mọi thứ đều như quân cờ lật ngửa, phơi bày ra ánh sáng mọi thứ đàng hoàng, tử tế ngay từ đầu để khuyến khích chủ nhà băng cảm thấy vinh quang, đường đường chính chính ngay từ khi xin giấy phép nhà băng, chứ không phải thụp thò núp bóng. Mà chủ nhà băng thật sự không lộ diện cũng khó vì luật buộc họ bằng các cam kết mang tính răn đe mạnh.
Quan trọng nhất, các chủ nhà băng phải lên kế hoạch chi tiết về thoát và phục hồi nếu thất bại để được cấp phép.Định kỳ, ngân hàng trung ương sẽ tiến hành thực hiện các bài kiểm tra căng thẳng để xem nhà băng có chịu nổi không, nếu không phải bơm thêm vốn, cắt giảm cổ tức… như thế nào.Trong điều kiện này, ông chủ thật sự của nó phải lộ diện; nếu không, cơ quan quản lý được trao thẩm quyền thay đổi hội đồng quản trị bằng người khác hoặc trong trường hợp kế hoạch chấn chỉnh nhà băng không khả thi.
Nếu khai báo sở hữu không trung thực, gây hậu quả nghiêm trọng, cá nhân có thể bị tội hình sự và bị phạt tiền gấp nhiều lần thiệt hại. Mà thiệt hại ngành ngân hàng gây ra cho xã hội lớn đến mức có khi tính bằng phần trăm GDP. Răn đe như thế thử hỏi ai dám khai gian?
Đối chiếu với khoản 1, Điều 8, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng “Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam”, anh sẽ thấy khái niệm “tổ chức” trong khoản 1, Điều 8 thật sự thiếu rõ ràng, không có chủ thể thực sự. Và anh sẽ hiểu tại sao sở hữu chéo dường như chỉ là đặc sản của hệ thống nhà băng Việt Nam.
Vậy Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng cần phải thiết kế như thế nào để chấm dứt sở hữu chéo, theo ông?
Thành - bại mọi thứ chung quy chúng ta muốn gì: muốn chấm dứt ngay sở hữu chéo, hay theo chủ thuyết tà tà như hàng thập kỷ qua? Chúng ta nên xem nhà băng và mục đích của nó là gì, có phải là nơi để bao bọc và đánh cuộc để hồi sinh?
Đã đến lúc, chúng ta cần dứt khoát khẳng định, ngân hàng là một bộ phận của chính sách công, là một loại hàng hóa công phục vụ tiện ích công cộng và mối quan tâm của công chúng. Sự thất bại hoặc biến mất của nhà băng gây ra hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế và niềm tin của người dân vào chính quyền.
Thậm chí, nhiều nước còn xem tài sản của nhà băng là cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia. Chẳng hạn, tháng 11/2021, Australia đã thông qua Đạo luật sửa đổi Luật An ninh “cơ sở hạ tầng quan trọng” với việc đưa tài sản ngành ngân hàng giống như một trong những cơ sở hạ tầng lõi của quốc gia vào Đạo luật để chính quyền có thêm nhiều quyền tự quyết bảo vệ “an ninh quốc gia” trước bất kỳ sự cố nào xảy ra với ngành ngân hàng.
Trước đó, vào năm 1987, Mỹ đã thông qua Đạo luật Ngân hàng bình đẳng cạnh tranh, cung cấp 10,8 tỷ USD để mở rộng quyền mua lại khẩn cấp các ngân hàng và quỹ tiết kiệm thất bại. Chúng ta thấy, luật ở nhiều nước đã trao cho chính quyền khá nhiều quyền tự quyết để bảo vệ niềm tin hệ thống ngân hàng rất uy lực, mạnh mẽ. Cách ứng xử của chính quyền như thế, nên nhà băng không bao giờ dám là nơi lưu trú lý tưởng cho các tay mơ, chứ đừng nói đến những kẻ kinh doanh liều lĩnh.
Mới đây nhất, vào tháng 3 năm nay, truyền thông quốc tế cho biết, sắp tới, Trung Quốc có thể tái lập Ủy ban Công tác tài chính Trung ương - cơ quan giám sát khu vực tài chính cấp cao trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Giới quan sát nhận định, đây có thể xem như là thời điểm kết thúc chủ nghĩa khoái lạc của các giới chủ nhà băng liều lĩnh ở đại lục.
Nếu tư tưởng mang tính thông lệ quốc tế và ý chí chính trị thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, xem ra, các thế lực thân hữu tìm cách thao túng nhà băng sẽ run sợ vì họ có thể mất tất cả. Lúc đó, chúng ta kỳ vọng, hệ thống nhà băng sẽ phát triển an toàn, hiệu quả và đến lượt nó tự động sẽ chấm dứt sở hữu chéo thao túng. Việc nhìn nhận đúng vai trò đặc biệt của nhà băng với tư cách là một tiện ích còn giúp các nhà đầu tư và nhà quản lý liêm chính, có đạo đức và có nghề bước vào ngành ngân hàng để mở ra một giai đoạn phát triển mới, an toàn cho hệ thống ngân hàng nước ta.
Chất vấn Phó thủ tướng về rủi ro sở hữu chéo trong hệ thống tài chính, ngân hàng
Sáng 8/6, chất vấn trực tiếp Phó thủ tướng Lê Minh Khái, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đặt vấn đề, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đánh giá của Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại.
Thực tế này bất chấp ngành ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn thực hiện tái cơ cấu, hệ lụy là nguy cơ rủi ro chéo trong hệ thống tài chính ngân hàng lại bùng lên, đặc biệt khi sự kiện Vạn Thịnh Phát nổ ra đầu hồi tháng 10/2022.
Đại biểu Đề nghị Phó thủ tướng cho biết ý kiến về vấn đề này.
Trả lời, ông Khái nói, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng là một định chế đặc biệt, vừa huy động vốn và vừa cho vay, có nghĩa là không phải sử dụng vốn của mình mà sử dụng vốn huy động, là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, việc kiểm soát, giám sát, quản lý theo những tiêu chuẩn là hết sức nghiêm ngặt, trong đó có việc sở hữu chéo sẽ tác động đến những hành vi thao túng trong hoạt động của ngân hàng và đặc biệt là các hoạt động tín dụng.
Đối với xử lý sở hữu chéo trong các ngân hàng, Phó thủ tướng cho biết trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ cũng đã rất quan tâm.
Ông Khái nói rõ, chức năng này là của Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã rất tích cực tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý.
Tuy nhiên theo Phó thủ tướng hiện nay cũng còn có những khó khăn, bởi vì vốn điều lệ nếu được công khai thì xử lý được ngay, nhưng trong thực tế thì có thể là đứng tên hộ, có thể là nhờ người khác đứng tên….do đó trong quá trình kiểm tra, đánh giá, nhận định và kết luận những vấn đề này đòi hỏi cũng phải có sự phối hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật thì mới giải quyết được.
Cái khó thứ hai, theo Phó thủ tướng là trong sở hữu chéo không chỉ sở hữu về vốn mà sở hữu về các hoạt động của ngân hàng như đầu tư, tín dụng, ví dụ như dành món tín dụng cho những nhóm lợi ích có sở hữu chéo ngầm thì cũng rất nguy hiểm, sẽ làm méo mó các hoạt động kinh tế, không công khai, minh bạch và sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường chung.
Việc này Chính phủ cũng đã chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên thanh tra, để hạn chế đến mức tối đa đối với sở hữu chéo trong ngành ngân hàng, Phó thủ tướng thông tin.
Giải pháp thời gian tới, ông Khái nêu, thứ nhất là hoàn thiện về cơ chế, chính sách.“Thảo luận sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng thì các đại biểu Quốc hội đã phát biểu việc này rất nhiều. Tôi đề nghị trong thời gian tới với trí tuệ của đại biểu Quốc hội, đóng góp vào Dự án luật này làm sao chúng ta có một căn cứ pháp lý hết sức vững chắc để kiểm soát, quản lý và xử lý những trường hợp sở hữu chéo”, Phó thủ tướng bày tỏ.
Giải pháp thứ hai Phó thủ tướng nêu là phải tăng cường cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát. Cơ quan này phải hoạt động độc lập, phải đủ năng lực và cũng phải triển khai hoạt động thanh tra hết sức hiệu lực, hiệu quả, hết sức trọng tâm, trọng điểm.“Đánh đúng, đánh trúng thì chúng ta xử lý được tình huống. Còn nếu chúng ta thiết kế một mô hình, tổ chức và cán bộ năng lực không đáp ứng yêu cầu thì cũng không thực hiện được”, ông Khái nói.
Tiếp theo, Phó thủ tướng cho rằng hệ thống kiểm toán nội bộ phải tự phát hiện ra cho vay lệch chuẩn thì phải xử lý kịp thời trong nội bộ của ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước xem các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nội bộ là một cánh tay nối dài của thanh tra Ngân hàng Nhà nước để xử lý.
Một giải pháp nữa là cần phải công khai, minh bạch và nếu phát hiện là xử lý nghiêm, công khai, để các nhà đầu tư, kể cả trong và ngoài nước và Nhân dân có những thông tin để kiểm tra, giám sát, Phó thủ tướng hồi âm đại biểu.
Phát hành trái phiếu 5 tháng giảm 70%, thêm nhiều doanh nghiệp đạt thỏa thuận cơ cấu nợ
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị TPDN phát hành được ghi nhận là 34.258 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tháng 5/2023 chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công, đó là TNHH Khai Thác Chế Biến Khoáng Sản Núi Pháo với 4 đợt phát hành, tổng giá trị 2,600 tỷ đồng. Cả 4 đợt phát hành này đều có kỳ hạn 5 năm, lãi suất phát hành 9%/năm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 34.258 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 16% tổng giá trị phát hành) và 19 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 28.737 tỷ đồng (chiếm 84% tổng số).
Lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn cao gấp đôi lượng trái phiếu phát hành mới.Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, tính đến ngày công bố thông tin 2/6/2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 25.598 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 5.Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm đa số với 17.067 tỷ đồng, tương đương 66%.Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 76.523 tỷ đồng (tăng 70.6% so với cùng kỳ năm 2022).
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu và công bố phương án tái cơ cấu nợ ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng tuần trước đã có 6 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu trị giá 12.461 tỷ đồng và 4 doanh nghiệp công bố phương án tái cơ cấu trái phiếu.
Áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tiếp tục tăng mạnh nửa cuối năm nay, đặc biệt là trong tháng 6/2023.
Theo ước tính của VnDirect, trong tháng 6/2023 sẽ có khoảng hơn 35.500 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, tăng gấp đôi so với tháng 5/2023 (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 23/05/2023).Nếu so cả năm, thì tháng 6 là tháng đỉnh điểm giá trị đáo hạn cao nhất so với các tháng còn lại trong năm 2023.
Tính đến cuối tháng 5/2023, có khoảng 60-70 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.
VnDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 157,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,4% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Khoảng hơn 45,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Kỳ vọng từ chính sách tiền tệ và tài khóa
Chỉ trong vòng 3 tháng qua, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã có dấu hiệu chuyển đổi từ thắt chặt sang nới lỏng một phần. Đây là tin vui và đem đến nhiều kỳ vọng.
Chính sách tài khóa đã có hàng loạt các giải pháp theo xu hướng nới lỏng. Giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% (ước giảm 41.368 tỷ đồng); giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô (giảm 6.555 tỷ đồng); giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (ước giảm 2.076 tỷ đồng); giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng (ước 1.724 tỷ đồng) (chỉ tính riêng 4 khoản này ước giảm 51.723 tỷ đồng); giảm tiền thuế đất thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng ảnh hưởng bởi Covid-19… Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ, nhờn. Bộ tài chính nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… năm 2023 trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Các số liệu trên cho thấy, xu hướng tổng quát là bước đầu nới lỏng, theo ý nghĩa “khoan thư sức dân”, “nuôi dưỡng nguồn thu”. Theo thời gian tháng 4 so với bình quân 1 tháng của quý I có xu hướng tổng thu giảm (139.100 tỷ đồng so với 168.800 tỷ đồng; tổng chi tăng (135.300 tỷ đồng so với 121.700 tỷ đồng); bội thu giảm (3.800 tỷ đồng so với 47.100 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm trước, nếu quý I tổng thu tăng 10,3%, thì 4 tháng giảm 5%, chi đầu tư phát triển tăng cao hơn tốc độ tăng tương ứng của chi thường xuyên (tăng 15,6% so với tăng 4,5%).
Chính sách tiền tệ cũng chuyển sang trạng thái nới lỏng hơn trước.
Liên tiếp trong 3 tháng (tháng 3, 4, 5), ngân hàng Nhà nước giảm các lãi suất điều hành. Hiện lãi suất tái cấp vốn còn 5%/năm; lãi suất qua đêm trong thanh toán điện tử và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng còn 5,5%; trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng còn 5%.
Về dữ trữ ngoại hối, dự kiến cả năm sẽ đạt mức trên 100 tỷ USD.
Sự nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ tạo nên kỳ vọng về nhiều mặt, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế.Kỳ vọng này đến từ cả đầu ra và đầu vào.
Ở đầu vào, rõ nhất là vốn hoạt động. Đối với doanh nghiệp, nhờ chính sách tài khóa nới lỏng, nên tích lũy tài sản tăng, chi phí sản xuất giảm, tăng lợi nhuận, tăng tích lũy tài sản - tiền đề của đầu tư tăng. Không chỉ tăng nguồn vốn tự có của bản thân doanh nghiệp, mà còn góp phần tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng. Vốn ngân hàng sẽ ra nhanh nhờ lãi suất cho vay thấp xuống và nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân sẽ tăng lên. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quy trở lại hoạt động sẽ tăng.
Ở đầu ra, sự nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ có tác động đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiêu thụ trong nước hiện có tốc độ tăng khá, nhưng quy mô tuyệt đối vẫn còn thấp do thu nhập tăng thấp, do tâm lý “tích cốc phòng cơ”, “thắt lưng buộc bụng” vẫn còn, thậm chí có bộ phận dân cư còn gia tăng. Xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ vốn sản xuất tăng, lãi suất, thuế giảm, làm giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, cho hàng trong nước cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ hiện cũng còn một số vấn đề.
Về thời gian cũng còn mới, cần có thời gian thêm nữa để nhận rõ hơn tác động.Về thời hạn, có giải pháp vẫn còn ngắn hạn, trong khi thời gian mới được một nửa so với cả nhiệm kỳ (kế hoạch) 5 năm.
Về liều lượng vẫn còn chưa đủ, có giải pháp còn ít so với nút thắt. Ngay giải pháp giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% vẫn còn ít, nếu chỉ có hiệu lực trong 1 năm, thậm chí 2 năm và việc thực hiện chậm như gói hỗ trợ lãi suất 2 năm vừa qua, thì sẽ bị lỡ.
Giải pháp hạ lãi suất cho vay, nhưng nếu vẫn còn ở mức 9,3% thì còn quá cao (gấp trên 2 lần tỷ suất lợi nhuận chung của khu vực doanh nghiệp). Hạ lãi suất điều hành mới ở thị trường 2, việc tác động qua thị trường 1 đòi hỏi phải có thời gian và sự chuyển động của các tổ chức tín dụng.Đối với các tổ chức tín dụng, vấn đề lớn hơn là cung tiền và rom tín dụng.
Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán năm 2021 đạt 10,7%, thấp xa so với các năm trước; năm 2022 còn tăng thấp hơn nữa (tăng 3,9%) và tính từ đầu năm đến 20/3/2023 chỉ tăng 0,57% (thấp hơn tốc độ tăng 2,49% của cùng kỳ); Cung tiền năm 2022 ở mức thấp hơn các năm trước (6,15% so với 10,66% của 2021, 154,53% của 2020, 14,78% của 2019); định hướng năm 2023 khoảng 10%, còn thấp hơn từ 2021 trở về trước. Có thể tăng mua vào USD để tăng cung tiền (trong khi CPI bình quân trong 4 tháng có xu hướng tăng chậm lại và khả năng cả năm có thể được kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4,5% do cầu còn yếu, không còn nhập khẩu lạm phát khi giá nhập khẩu giảm,…); vừa tăng dự trữ ngoại hối; vừa bảo đảm an toàn tài chính; vừa có tác động tích cực đến tăng trưởng.