Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất gửi Bộ Tư pháp thẩm định, về hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi với người không có lương hưu lẫn trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Ngoài đề xuất hạ tuổi, người cao tuổi đủ điều kiện nhận trợ cấp 500.000 đồng mỗi tháng từ ngân sách nhà nước thay vì 360.000 đồng như hiện hành và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Tùy điều kiện kinh tế - xã hội và ngân sách từng thời kỳ, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
* Đại biểu PHẠM TRỌNG NGHĨA (ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội):
Giúp chính sách an sinh xã hội bao phủ rộng hơn
Việc mở rộng đối tượng được hưởng an sinh xã hội như đề xuất của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bằng cách hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi là phù hợp và tôi hoàn toàn ủng hộ.
Bởi hiện nay, các chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội vẫn chưa bao phủ hết được. Thêm vào đó, việc quy định mốc 80 tuổi dẫn đến một nhóm đối tượng đã hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu, chưa nhận được hỗ trợ an sinh, dẫn đến cuộc sống họ gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay trợ giúp xã hội của chúng ta đang bị giới hạn bởi nguồn lực. Nên thời gian tới, nếu điều kiện kinh tế - xã hội phát triển tốt hơn, có đủ nguồn lực có thể xem xét giảm sâu hơn số độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí.
Có thể xuống 70 tuổi hoặc thấp hơn nữa. Việc này rất tốt và thể hiện nghĩa vụ của Nhà nước, của xã hội với các thành viên yếu thế.
Ngoài ra, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đề xuất người cao tuổi đủ điều kiện nhận trợ cấp 500.000 đồng mỗi tháng từ ngân sách nhà nước thay vì 360.000 đồng như hiện hành và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí là cần thiết.
Bởi vì việc hạ tuổi, tăng mức trợ cấp sẽ giúp các chính sách an sinh xã hội bao phủ rộng hơn.
* Đại biểu TRƯƠNG XUÂN CỪ (phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam):
Cần đánh giá nguồn lực để thực hiện
Theo quy định hiện hành, mức trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi từ 80 trở lên là đại trà.
Tại nghị định 20/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nêu rõ người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các vùng miền núi, đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng mức trợ giúp xã hội.
Vừa qua, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ cần xem xét mở rộng diện được hưởng, trong đó tất cả người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên thuộc các hộ nghèo đều được hết, không phân biệt. Bởi nghèo ở miền xuôi hay miền núi đều khổ như nhau.
Đối với trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH giảm tuổi từ 80 xuống còn 75 tuổi là điều rất tốt, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhìn sang một số nước phát triển như Úc sẽ thấy chính sách an sinh của họ rất tốt, cứ đến 63 tuổi là người dân đều có lương hưu hết.
Hiện nay tuổi thọ của chúng ta bình quân là hơn 73 tuổi nên nếu hạ xuống 75 tuổi cũng hoàn toàn hợp lý. Việc nâng mức hỗ trợ từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng cũng là phù hợp, bởi hiện nay giá cả thị trường tăng cao.
Tuy nhiên, một điều tôi băn khoăn là nguồn lực của chúng ta hiện có đủ sức để làm không? Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, có hơn 700.000 người hưởng lợi từ việc giảm độ tuổi và ngân sách dự toán bình quân hằng năm cần khoảng 7.300 tỉ đồng để chi.
Trong tình hình kinh tế - xã hội đang có nhiều khó khăn đây cũng là con số không nhỏ. Do đó, điều này cũng cần có đánh giá, báo cáo tác động một cách rõ ràng.
* TS BÙI SỸ LỢI (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội):
Tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân
Khi còn là đại biểu Quốc hội, tôi đã nhiều lần phát biểu đề xuất cần xem xét giảm tuổi trợ cấp hưu trí xuống để mở rộng chính sách an sinh xã hội với những người yếu thế.
Do vậy, việc đề xuất giảm tuổi trợ cấp hưu trí xã hội tại Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi từ 80 xuống 75 tuổi là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, người dân.
Thời gian tới nếu nguồn lực có đủ nên tiếp tục nghiên cứu hạ xuống 70 tuổi. Cùng với hạ tuổi thì việc đề xuất nâng mức hỗ trợ từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng cũng xác đáng trong lúc giá cả, chi phí sinh hoạt tăng cao như hiện nay. Con số 500.000 đồng không phải lớn nhưng phần nào đó giúp những người cao tuổi có thêm khoản tiền để lo cho cuộc sống.
Ngoài ra, trước đây, có nhiều trường hợp người lao động thuộc các cơ quan nhà nước thôi việc hưởng trợ cấp một lần theo các quy định và đến nay họ không còn thu nhập, đời sống khó khăn. Với những trường hợp này, với nam từ 62 và nữ từ 60 đến dưới 75 tuổi có thể xem xét có một khoản trợ cấp hay hỗ trợ hằng tháng cho họ.
Về lâu dài, cần có các giải pháp để huy động tham gia, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân. Khi người dân có đóng góp thì sau này hết tuổi lao động sẽ được hưởng lương hưu. Từ đó giảm đi gánh nặng cho Nhà nước, cho xã hội và mức lương hưu hưởng cũng cao hơn so với mức trợ cấp.
* Bà NGUYỄN THỊ QUÝ (74 tuổi, Hưng Yên)
Tôi năm nay 74 tuổi, chồng 76 tuổi. Trước đây hai vợ chồng tôi làm công nhân cầu đường và tàu cuốc nhưng sau năm 1990, do vất vả, lương thấp nên chọn hưởng chế độ một lần và ra ngoài làm.
Nhưng công việc sau đó không thuận lợi nên hai vợ chồng giờ không có nguồn thu nhập nào khác ngoài mấy sào ruộng và con cháu chu cấp.
Nhiều năm qua, theo chính sách của tỉnh, vợ chồng tôi được mua bảo hiểm y tế miễn phí hằng năm nhưng do chưa đủ 80 tuổi theo quy định nên chưa được hưởng trợ cấp.
Nếu hạ từ 80 xuống 75 tuổi để được hưởng trợ cấp xã hội hưu trí chúng tôi rất mừng. Nếu thông qua được sớm thì cả hai vợ chồng tôi sẽ đều được hưởng.
Thêm đó, với mức tăng trợ cấp lên 500.000 đồng, nhiều người cho rằng không đáng gì nhưng với những người không có lương, trợ cấp như nhà tôi thì nó rất quý.
* Ông NGUYỄN HỮU HÙNG (bí thư chi bộ khu phố 7, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM):
Giúp phát triển bền vững
Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH hạ 5 tuổi hưởng trợ cấp hưu trí. Làm công tác mặt trận và là thành viên hội người cao tuổi, tôi được nghe ý kiến của rất nhiều người dân, trong đó là người cao tuổi về nguyện vọng có trợ cấp.
Ở tuổi 75 nhiều người đã không còn sức khỏe để có thể lao động và nhiều loại bệnh tật xuất hiện sớm hơn nên việc giảm tuổi hưởng trợ cấp là hợp lý.
Việc này thể hiện sự quan tâm, chăm lo đúng mức và thiết thực của Đảng, Nhà nước trong vấn đề an sinh xã hội. Khi kinh tế đất nước phát triển, an sinh được chăm lo đầy đủ sẽ giúp sự phát triển ngày càng bền vững.
Đồng thời, việc đề xuất tăng tiền trợ cấp từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng rất hợp lý. Bởi giá cả tiêu dùng hiện tăng cao, trong khi không có thu nhập dẫn đến đời sống một bộ phận người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp ngày càng khó hơn.
Việc hỗ trợ không chỉ là hình thức mà phải thật sự chăm lo phần nào được đời sống. 500.000 đồng có thể không phải lớn với người có thu nhập cao nhưng đó như "chiếc phao" cho những người nghèo, người cao tuổi không có thu nhập.
Đặc biệt, trong đề xuất nêu rõ nguồn ngân sách chi cho việc này từ ngân sách nhà nước thay vì ngân sách của địa phương cũng hợp lý hơn. Vì sau đại dịch COVID-19, địa phương gặp rất nhiều khó khăn, kinh phí hạn hẹp nhưng đã phải lo nhiều khoản trợ cấp khác.
CẨM NƯƠNG ghi