Thăng trầm nghề lính đánh thuê
Hơn 4.000 năm trước, quân đánh thuê là yếu tố then chốt trong chiến tranh. Cựu ước đã nhiều lần đề cập đến quân đánh thuê. Quân đội của vua Shulgi thuộc triều đại Ur (năm 2029-1982 trước Công nguyên) đã sử dụng quân đánh thuê.
Năm 334 trước Công nguyên, khi đưa quân tiến đánh đế chế Ba Tư, đạo quân của Alexander Đại đế quy tụ 5.000 quân đánh thuê nước ngoài trong khi đối thủ cũng có dưới trướng 10.000 quân đánh thuê Hy Lạp. Đế chế La Mã đã từng sử dụng quân đánh thuê suốt hơn 1.000 năm.
Thời Trung cổ là thời kỳ vàng son của quân đánh thuê. Gần 50% quân đội của vua nước Anh William chinh phạt trong thế kỷ 11 là quân đánh thuê bởi nhà vua không đủ tiền nuôi quân đội thường trực.
Ở châu Âu, các vua chúa, thành bang, gia tộc giàu có, nhà thờ, nói chung là bất kỳ ai đủ giàu đều có thể thuê chiến binh đánh thuê vì nhiều lý do như bảo toàn danh dự, sống còn, báo thù hay… giải trí.
Trong bài khảo cứu "Lính đánh thuê và chiến tranh: Tìm hiểu đội quân tư nhân ngày nay" đăng trên trang web của Nhà xuất bản Đại học Quốc phòng (Mỹ), GS.TS Sean McFate tại Đại học Quốc phòng nhận xét có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ giữa quân đánh thuê thời Trung cổ và lính đánh thuê ngày nay.
Quân đánh thuê ngày xưa được gọi là "condottiere" hay "nhà thầu" theo tiếng Ý cổ tương tự nhà thầu quân sự tư nhân ngày nay. Họ tổ chức thành "công ty tự do" mà nay gọi là công ty quân sự tư nhân hay công ty an ninh tư nhân.
"Công ty tự do" gồm các chiến binh chuyên nghiệp đến từ nhiều nước, lãnh lương như nhau, có hệ thống chỉ huy phân cấp và bộ máy hành chính giám sát phân phối chiến lợi phẩm công bằng theo hợp đồng được gọi là "điều khoản chiến lợi phẩm".
Đến thế kỷ 17, chiến tranh ở châu Âu ngày càng khốc liệt hơn do quân đội lớn hơn và vũ khí hủy diệt hơn song thành phần chủ yếu trong quân đội vẫn là lính đánh thuê. Để đáp ứng nhu cầu, lính đánh thuê đã được công nghiệp hóa.
Một số doanh nghiệp quân sự đã trang bị vũ khí cho toàn trung đoàn rồi cho thuê trọn gói. Tổ hợp công nghiệp quân sự đánh thuê đầu tiên ra đời.
Sau khi chiến tranh 30 năm (năm 1618-1648) kết thúc ở châu Âu, gần 1/3 dân số của Đức và Cộng hòa Czech hiện tại bị xóa sổ. Các đơn vị loạn binh đánh thuê có phần trách nhiệm.
Từ đó, các bên tham chiến ngầm thỏa thuận không để quân đánh thuê làm mưa làm gió nữa bằng cách sử dụng quân đội chính quy mặc dù tốn kém hơn.
Lính đánh thuê bị đặt ngoài vòng pháp luật. Quân đội giữ độc quyền tham chiến suốt hai thế kỷ, tuy nhiên nghề lính đánh thuê vẫn tồn tại.
Các nước cấm sử dụng lính đánh thuê trừ khi nhà nước thuê, vì vậy lính đánh thuê nhanh chóng trở thành công cụ được nhà nước bảo trợ như đội quân tư nhân của Công ty Đông Ấn Hà Lan hay Công ty Đông Ấn Anh.
Cuối thế kỷ 19, lính đánh thuê nước ngoài đã gây ra tình trạng hỗn loạn và chuyên quyền. Cuối cùng nghề lính đánh thuê bị cấm. Lần cuối cùng một quốc gia sử dụng lính đánh thuê là năm 1854 trong chiến tranh Crimea. Sau đó, Tuyên bố Paris năm 1856 về tôn trọng luật hàng hải đã cấm sử dụng lính đánh thuê trên biển.
Lính đánh thuê tái xuất giang hồ
Sang thế kỷ 20, thị trường lính đánh thuê tuy không còn tồn tại nhưng lính đánh thuê không biến mất mà rút vào hoạt động bí mật. Thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai thực sự là giai đoạn ăn nên làm ra của lính đánh thuê.
Tổ chức Trung tâm châu Âu - thế giới thứ ba (CETIM) ở Genève (Thụy Sĩ) nhận xét từ thập niên 1960, lính đánh thuê đã được sử dụng trên quy mô lớn để ngăn chặn các dân tộc thuộc địa đấu tranh giành độc lập, đặc biệt ở châu Phi.
Năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ. Chiến tranh lạnh kết thúc. Một số quốc gia mất quyền kiểm soát lãnh thổ như xung đột xảy ra ở vùng Balkan, Indonesia và Sudan. Một số nước khác như Liberia và Somalia rơi vào hỗn loạn.
Chiến tranh phi truyền thống gia tăng trong khi chiến tranh truyền thống giảm hầu như bằng không. Các chủ thể phi nhà nước có vũ trang hoành hành tương tự thời Trung cổ như các nhóm ly khai ở miền bắc Mali, các lãnh chúa ở miền đông CHDC Congo, các phần tử cực đoan ở Yemen.
Các băng đảng ma túy hoành hành ở Mỹ Latin và Guinea Bissau (Tây Phi). Các tổ chức khủng bố Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo đòi xây dựng vương quốc Hồi giáo trên toàn cầu.
Một khi quyền lực nhà nước suy giảm, lực lượng quân sự tư nhân sẽ tăng lên. Mô hình lính đánh thuê mới bắt đầu xuất hiện dưới danh nghĩa các công ty quân sự và an ninh tư nhân (PMSC).
Các công ty này không chỉ bảo đảm công tác bảo vệ hay hậu cần mà còn trực tiếp tham gia xung đột vũ trang, huấn luyện, tình báo, rà phá bom mìn…
Các công ty quân sự tư nhân mới ra đời được tổ chức theo mô hình tập đoàn đa quốc gia như các "công ty tự do" thời Trung cổ.
Trong tác phẩm "Chiến binh doanh nghiệp: Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp quân sự tư nhân hóa", TS Peter W. Singer (Mỹ) giải thích: "Công ty quân sự tư nhân là các pháp nhân chuyên cung cấp các kỹ năng quân sự bao gồm hoạt động chiến đấu, lập kế hoạch chiến lược, tình báo, đánh giá rủi ro, hỗ trợ tác chiến, đào tạo và kỹ năng kỹ thuật".
Về quân sự có năm lĩnh vực tác chiến gồm trên bộ, trên biển, trên không, không gian và mạng. Trong chưa đầy 20 năm, đến nay các công ty quân sự tư nhân đã phát triển mạnh trong mọi lĩnh vực, trừ lĩnh vực không gian.
Từ "mercenaire" (lính đánh thuê theo tiếng Pháp) có nguồn gốc từ tiếng Latin "merces" (nghĩa là "tiền lương" hoặc "tiền công"). Do đó, tiền là lẽ sống của lính đánh thuê. Từ điển Larousse định nghĩa: "Lính đánh thuê là người chiến đấu cho chính phủ nước ngoài vì tiền, chỉ làm việc vì đồng lương [và] chỉ được truyền cảm hứng bằng lợi ích bản thân".
Trong bài viết "Sự trỗi dậy của các công ty quân sự tư nhân" đăng trên trang web của Viện nghiên cứu Warsaw (Ba Lan), TS Wojciech Pałka nhận xét lính đánh thuê khác với quân tình nguyện nước ngoài.
Lính đánh thuê tham gia xung đột vì lợi ích cá nhân bằng hợp đồng ràng buộc với người tuyển dụng chứ không phải với tổ quốc. Trong khi đó, quân tình nguyện chiến đấu vì lý tưởng và là một bộ phận của quân đội.
------------------
Gary Brandon vừa rút chân trái bị chuột rút lên khỏi sàn xe tải bọc thép thì quả bom tự chế phát nổ. Anh phải chịu cắt bỏ bàn chân phải. Mỹ đã hồi sinh hoạt động lính đánh thuê bắt đầu từ hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Kỳ tới: Đánh đu với thần chết
Công ty quân sự tư nhân Wagner (Nga) được xem "có một không hai" trên thế giới nếu xét về quy mô, phạm vi hoạt động và mức độ táo bạo.