Ngày 12.6, Sở TN-MT TP.HCM có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về tình hình đầu tư nhà máy đốt rác phát điện trên địa bàn.
Hiện mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 9.800 - 10.000 tấn rác thải. Chính quyền thành phố ký hợp đồng xử lý với 5 doanh nghiệp gồm Công ty CP Vietstar, Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam, Công ty CP Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM.
Từ năm 2017, Sở TN-MT đề nghị các doanh nghiệp này chuyển đổi công nghệ xử lý nhưng mới chỉ có Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dù vậy, 2 dự án trên vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do vướng mắc thủ tục, đặc biệt phải chờ bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn vào lưới điện quốc gia (quy hoạch điện 8).
Đến giữa tháng 5.2023, quy hoạch điện 8 được Thủ tướng phê duyệt, là cơ sở pháp lý quan trọng để 2 doanh nghiệp trên đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt phát điện.
Đối với các dự án của 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam, Công ty CP Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, Sở TN-MT cho biết vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục pháp lý về đầu tư.
Với tiến độ hiện nay, Sở TN-MT đánh giá chỉ có dự án của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa có thể hoàn thành vào giai đoạn cuối năm 2025 với điều kiện hoàn thiện toàn bộ thủ tục pháp lý dự án trong năm nay và rút ngắn thời gian xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị còn 18 - 24 tháng.
Chưa kể, các dự án khác khó có thể hoàn thành thủ tục pháp lý trong năm 2023, thậm chí kéo dài do các vướng mắc phát sinh, nhất là đàm phán đơn giá xử lý.
Như vậy, chỉ tiêu tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế có khả năng cao sẽ không đạt 80% vào cuối năm 2025 như đã đề ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Do đó, Sở TN-MT kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, trình Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM gia hạn thêm 2 năm, tức là đến năm 2027 sẽ hoàn thành chỉ tiêu này.
Ngoài các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác của 5 doanh nghiệp đang cung ứng dịch vụ có sẵn, UBND TP.HCM cũng dự kiến kêu gọi đầu tư nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc theo phương thức đối tác công tư.
Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án, công bố dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Sở TN-MT cũng kiến nghị UBND TP.HCM giao các sở ngành tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các dự án đốt rác phát điện.