Ngày 12-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai cho biết những ngày gần đây, số ca mắc bệnh tay chân miệng liên tục tăng.
Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 900 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, nhiều ca diễn tiến nặng, phải lọc máu, thở máy rất nguy hiểm.
Tại khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, mỗi ngày tiếp hàng chục lượt bệnh nhi đến khám và điều trị.
"Trong số hơn 50 bệnh nhi đang điều trị tại khoa có một nửa mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 3 lần so với vài tuần trước đó", bác sĩ Hán Bình Thuận, phó trưởng khoa bệnh nhiệt đới, cho biết.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Lê Duy Cường, phó trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết không chỉ số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng mà còn diễn tiến nặng hơn. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 1-2 trường hợp bệnh nặng được chuyển từ khoa phòng khác.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhi L.G.H. (17 tháng tuổi, ngụ Bình Phước) bị bệnh ở mức độ nặng. Bệnh nhi bị sốt cao liên tục, thường xuyên giật mình trong lúc ngủ, thở nhanh, mạch nhanh…
Dù đã được truyền thuốc Gammar globulin kháng lại vi rút tay chân miệng nhưng tình trạng bé vẫn không giảm mà còn trở nặng hơn. Bé xuất hiện những cơn ngưng thở, mỗi cơn khoảng 3 giây kèm rung chi, ngồi không vững.
Trước tình trạng bệnh của bé, bác sĩ phải đặt ống nội khí quản để ổn định thần kinh cho bệnh nhi, thậm chí phải lọc máu để thải độc tố của vi rút tay chân miệng ra ngoài.
Sau một tuần điều trị tích cực, sức khỏe bé dần tốt lên, cai máy thở, đang tiếp tục theo dõi đến khi hồi phục hoàn toàn.
Bác sĩ Hán Bình Thuận cho hay thường cao điểm bệnh tay chân miệng vào khoảng tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, năm nay dịch đến sớm hơn, diễn tiến bất thường hơn và có nhiều ca bệnh nặng.
"Trước mắt thuốc Gamma globulin để điều trị bệnh tay chân miệng vẫn còn nhưng nếu số ca bệnh mắc tay chân miệng tiếp tục tăng, đặc biệt là các ca bệnh nặng sẽ gây "căng thẳng" đến việc điều trị", bác sĩ Thuận nói thêm.
Về dấu hiệu nhận biết, bác sĩ Thuận cho biết người mắc bệnh tay chân miệng thường có các triệu chứng như sốt cao liên tục không hạ, tự dưng nôn ói, nhợn ói, run tay run chân, trẻ đi không vững, thở mệt, giật mình khi ngủ…
Do đó, khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tránh trường hợp chậm trễ khiến bệnh có thể chuyển nặng như ngưng thở, tím tái, thậm chí nguy hiểm tính mạng của bệnh nhi.
Từ ngày 29-5 đến 4-6, TP.HCM ghi nhận 287 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 133,3% so với trung bình 4 tuần trước (123 ca).