Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Công ty cổ phần chứng khoán SmartInvest diễn ra sáng nay đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 922 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 84,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng vượt kế hoạch lợi nhuận được xây dựng từ những tháng đầu năm (khi mà nền kinh tế nói chung và thị trường chứng nói riêng rất bi quan) do thời điểm hiện tại đang có rất nhiều điểm sáng cho tăng trưởng kinh tế trở lại và thị trường chứng khoán sôi động hơn hẳn thời điểm xây dựng kế hoạch đầu năm.
Đại hội cũng thông qua tất cả các tờ trình sau phần thảo luận sôi nổi với nhiều câu hỏi của cổ đông về tính khả thi của kế hoạch tăng vốn và hiệu quả kinh doanh sau khi tăng vốn trong điều kiện thị trường hiện nay.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 vì sao công ty đặt thấp, nhất là sau khi công ty thực hiện tăng vốn?
Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần chứng khoán SmartInvest:
Việc xây dựng kế hoạch năm từ quý 1 năm 2023, thời gian đó thị trường chứng khoán ảm đạm, dòng tiền tắc nghẽn. Tại thời điểm đó, công ty cũng chưa nhận được giấy phép tăng vốn. Gần hết quý 2 mới nhận được giấy phép tăng vốn và ít nhất cũng phải mất 2 tháng để hoàn thành.
Theo công bố thông, ngày 28/6 là ngày đăng ký cuối cùng và 7/8 mới là ngày nộp tiền cuối cùng, nên việc sử dụng vốn mới chủ yếu trong quý 4 /2023. Nếu đầu quý 4 điều kiện kinh doanh tốt hơn thì chắc chắn chúng ta sẽ có đại hội cổ đông bất thường hoặc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của công ty theo hướng tích cực hơn.
Tôi xin hỏi về thực hiện trả cổ tức 15% của năm 2022 như thế nào và thị trường trái phiếu diễn biến như vừa qua và các chính sách của nhà nước sẽ tác động như thế nào đến công ty?
Ông Trần Minh Tuấn: Chúng ta vừa được cấp phép chia cổ tức năm 2021 tỷ lệ 50% bằng cổ phiếu. Và cổ tức năm 2022 là 15% sau khi đại hội thông qua, sẽ thực hiện chia vào tháng 9 hoặc tháng 10 sau khi xong thủ tục được Ủy ban chấp thuận. Như vậy năm nay sẽ có hai đợt chia cổ tức (50% của năm 2021 và 15% của năm 2022).
Như quý vị đã biết, thị trường trái phiếu gần như tê liệt vào quý 4/2022, sau vụ việc Vạn Thịnh Phát và SCB xảy ra. Không doanh nghiệp nào phát hành được, hầu hết nhà đầu tư xa lánh sản phẩm trái phiếu. Đến nay, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có nhiều nghị định, thông tư cũng như giải pháp để khôi phục lại niềm tin trên thị trường.
SmartInvest hoạt động chính trong thị trường trái phiếu. Năm 2021, giá trị đầu tư trái phiếu của chúng ta là 190.000 tỷ đồng trên mức vốn điều lệ 800 tỷ nên lợi nhuận lớn. Năm 2022, giá trị đâu đó 140.000 tỷ đồng thôi. Sang năm 2023, thị trường chững lại và chúng ta cũng bị ảnh hưởng về hiệu quả kinh doanh. Nhưng chúng ta vẫn hoạt động mạnh mẽ trên thị trường trái phiếu. Khi thị trường không thuận lợi, doanh nghiệp phát hành không chuẩn sẽ không phát hành được nữa, đó là cơ hội cho những doanh nghiệp thực hiện tư vấn phát hành chuẩn hoạt động mạnh hơn, đưa ra thị trường các sản phẩm trái phiếu tốt. Với kinh nghiệm cũng năng lực thẩm định tổ chức phát hành của SmartInvest , chúng ta sẽ cơ cấu được sản phẩm tốt. Tiềm năng của thị trường trái phiếu còn lớn và chúng ta có thể chiếm được thị phần lớn hơn nữa khi quy mô vốn tăng lên. Vì vậy, cùng với giải pháp tháo gỡ khó khăn của cơ quản lý thì thị trường thị trường trái phiếu sẽ ấm lên và hoạt động kinh doanh của công ty theo đó sẽ khởi sắc.
Tôi xem báo cáo năm 2022 tôi thấy đây là nỗ lực của Hội đồng quản trị. Năm nay với khó khăn như vậy mà tăng vốn tỷ lệ 1:1 thì công ty có kế hoạch như thế nào để tăng vốn thành công?
Ông Trần Minh Tuấn: Chúng ta đã trải qua nửa năm 2023 rất khó khăn. Chính phủ đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhất là giảm lãi suất và điều này về dài hạn rất tốt cho nền kinh tế cũng như cho hoạt động kinh doanh của AAS. Trải qua 3 lần giảm lãi suất dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán tăng đáng kể trong vòng 2 tháng qua. Lãi suất sẽ còn giảm nữa trong 2023. Chúng ta kỳ vọng lãi suất giảm, dòng tiền vào thị trường chứng khoán mạnh mẽ hơn là điều kiện tốt cho công ty thực hiện tăng vốn.
Mặt khác, trong nửa đầu năm 2023, rất ít doanh nghiệp thực hiện tăng vốn, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có đủ điều kiện tăng vốn, thu hút được nguồn tiền của nhà đầu tư tin tưởng.
Nếu vào thời điểm tăng vốn mà giá cổ phiếu không được tốt thì tăng vốn có thành công? Với những nhà đầu tư ngắn hạn thì đúng là họ chỉ nhìn vào biến động giá ngắn hạn để đầu cơ lướt sóng. Nhưng với những nhà đầu tư dài hạn như Hội đồng quản trị và nhà đầu tư lớn khác thì biến động giá ngắn hạn của thị trường không làm thay đổi lập trường phát triển công ty mạnh mẽ. Năm 2021, công ty chia cổ tức 50% bằng cổ phiếu, năm 2022 quyết định chia 15% bằng cổ phiếu nữa tính trên vốn mới 2.000 tỷ đồng. Nếu tính trên vốn cũ thì tỷ lệ chia cổ tức là 300/800 tỷ đồng, tương ứng trên 35% cổ tức. Nếu nhìn vào tỷ lệ sinh lời này thì những nhà đầu tư dài hạn không có lý do gì không bỏ tiền vào công ty cả. Đó là lý do vì sao tôi tin chắc rằng việc tăng vốn sẽ thành công.
Vì sao chúng ta chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu mà không chia bằng tiền?
Ông Trần Minh Tuấn: SmartInvest vốn còn nhỏ, các công ty top 5 trên thị trường vốn đã trên 10.000 tỷ đồng rồi, chưa kể các công ty khác trong top 10. Chúng ta tăng vốn 2 lần thì vốn điều lệ mới chỉ 2.300 tỷ đồng còn khá khiêm tốn so với nhiều công ty khác. Vì vậy, chúng ta phải tập trung nguồn lực, cố gắng tăng vốn nhanh nhất có thể để có đủ nguồn lực tài chính, tạo ra được các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, còn lý do nữa là đa phần chúng ta cầm tiền mặt về sau khi được chia cổ tức tại thời điểm này đa số sẽ không tạo được lợi nhuận như công ty đang tạo ra. Với lãi suất tiền gửi hiện tại trên 7% một chút rất khó để tạo ra lợi nhuận trên 30% như công ty đang tạo ra cho các cổ đông. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu vì thế sẽ tiếp tục trong các năm tới. Khi nào công ty đạt được quy mô vốn tương đối so với mặt bằng chung của thị trường thì chắc chắn việc trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ xảy ra.
Chúng tôi được biết quý 1/2023 công ty đã đạt lợi nhuận 20 tỷ đồng, kế hoạch thì 100 tỷ đồng. Vậy lợi nhuận quý 2 đạt bao nhiêu? Việc phát hành riêng lẻ như kế hoạch đã thông qua có tiếp tục thực hiện?
Ông Trần Minh Tuấn: Tôi nghĩ rằng trong 2 quý đầu năm ít nhất chúng ta phải thực hiện được hơn 50% kế hoạch lợi nhuận. Những tháng tiếp theo nếu thị trường khởi sắc hơn nữa thì chúng ta có khả năng vượt kế hoạch. Chưa kể sau khi huy động vốn thành công, nguồn vốn mới đưa vào vận hành thì sẽ có lợi nhuận mới, cao hơn nữa.
Về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ được thông qua cùng với chia cổ tức năm 2021. Bây giờ tháng 8 mới phát hành xong trả cổ tức năm 2021, sau đó lại phát hành trả cổ tức thêm 15% của năm 2022 nữa nên khó có thể thực hiện phát hành riêng lẻ ngay trong năm 2023. Nên chúng tôi xin trình lùi kế hoạch này lại, cho đến thời điểm thuận lợi hơn, có thể vào năm 2024 chẳng hạn. Hội đồng quản trị và Ban giám đốc sẽ đàm phán với cổ đông chiến lược để chọn thời điểm thích hợp. Đã thực hiện phải thành công, nếu phát hành không thành công sẽ ảnh hưởng đến uy tín của công ty.
Xin chia sẻ về khoản đầu tư 200 tỷ đồng vào công ty chưa niêm yết?
Ông Trần Minh Tuấn: Chúng ta có 2 khoản đầu tư. Thứ nhất là công ty Dầu khí Thái Bình, một công ty của PVOIL. Hệ thống xăng dầu Thái Bình hiện chiếm 50% thị phần của Thái Bình và có tài sản rất tốt. Chúng ta mới sở hữu khoảng 15%, chưa chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối nên hiện thời chưa tác động vào hoạt động kinh doanh của công ty này được. Ban quản trị cố gắng biến khoản nắm giữ dài hạn này thành một khoản đầu tư sinh lời tốt.
Khoản đầu tư thứ 2 là Smartech. Chúng ta đầu tư vào công ty này để tận dụng lợi thế nguồn lực công nghệ để có thể cùng AAS nắm giữ được những công nghệ tiên tiến phục vụ nhu cầu tăng trưởng của công ty trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ tới đây. Khoản đầu tư thứ 3 là công ty cổ phần Chợ Mơ. Để kinh doanh bán lẻ, ngoài công nghệ thì yếu tố vật lý cũng đóng vai trò quan trọng, công ty mở các văn phòng ở các vùng miền để phục vụ mục tiêu này. Kế hoạch mở chi nhánh tại Chợ Mơ đang chậm lại do điều kiện thị trường chưa thuận lợi, nhưng rồi sẽ mở. Chúng ta đã mở văn phòng Thái Nguyên, Nam Định, TP.HCM và mở tiếp ở một số điểm nóng như Hải Phòng, Quảng Ninh và một số tỉnh ở phía Nam khi đội ngũ cán bộ đã vững vàng thì sẽ tiếp tục mở rộng. Các hoạt động của công ty đều mang tính chất dài hạn cả.
Bà Ngô Thị Thùy Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán SmartInvest: Đối với khoản đầu tư của công ty chứng khoán SmartInvest đa phần đều là đầu tư cổ phần của các công ty cho mục tiêu dài hạn. Đối với mảng công nghệ tới đây công ty sẽ hợp tác với một công ty về quản lý gia sản và cố gắng là một trong những công ty đầu tiên triển khai dịch vụ quản lý gia sản cho khách hàng cá nhân. Để mở rộng tệp khách hàng cá nhân, ngoài công nghệ, công ty mở rộng mạng lưới văn phòng tại các tỉnh thành. Ngoài ra còn có các sản phẩm như robotadviser, và sau khi tăng vốn sẽ phát triển sản phẩm thị trường phái sinh.
Về chiến lược phát triển kinh doanh, công ty sẽ tập trung phát triển sản phẩm đa dạng cho khách hàng cá nhân vì mục tiêu thị phần khách hàng cá nhân sẽ phải đi lên để đa dạng hóa thu nhập, phát triển bền vững. Trước kia thu nhập của công ty chủ yếu từ trái phiếu, nhưng sau khi tăng vốn sẽ tăng thu nhập từ margin và các dịch vụ, sản phẩm tài chính đa dạng khác cung cấp cho khách hàng cá nhân.
Tôi thấy chiến lược phát triển khách hàng cá nhân rất đúng đắn, tôi đã giao dịch tài khoản ở công ty mình nên đề nghị tiếp tục cải thiện một số điểm để chất lượng dịch vụ tốt hơn?
Bà Ngô Thị Thùy Linh: Xin tiếp nhận ý kiến của cổ đông. Hội đồng quản trị vừa thông qua đổi core (phần mềm) giao dịch chứng khoán, các vấn đề cổ đông vừa nêu xuất phát từ phần mềm giao dịch chưa đảm bảo. Công ty sẽ ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm hàng đầu ở Việt Nam để phát triển phần mềm giao dịch mới, tích hợp triển khai đa dạng sản phẩm tài chính trên một nền tảng. Tiêu chí của Công ty đưa ra để cạnh tranh, bên cạnh phí, chính sách margin là hệ thống hóa hệ thống tư vấn đầu tư làm sao vận hành bằng robot để tạo sự khác biệt với các công ty khác.