"Có thời điểm 170 xe mà mỗi ngày thu được hơn 5 triệu tiền vé. Có tháng lỗ 10 tỉ đồng" - ông Lưu Văn Toàn, tổng giám đốc Công ty CP Quảng An 1, đơn vị khai thác xe buýt công cộng, cho biết.
Càng chạy càng lỗ
Liên quan đến vấn đề nợ lương gần 120 người lao động đang vận hành xe buýt ở Đà Nẵng, Công ty CP Quảng An 1 cho biết hơn một năm từ khi mở cửa trở lại sau dịch, cũng chỉ mới có một chuyến xe buýt trợ giá ở Đà Nẵng đạt lượng khách như kỳ vọng.
Vắng khách, nguồn thu hạn chế, trợ giá tính theo số vé bán ra cũng giảm khiến đơn vị khai thác xe buýt nợ lương, bảo hiểm lao động liên miên.
Mạng lưới xe buýt trợ giá của Đà Nẵng đưa vào khai thác từ cuối năm 2016. Toàn thành phố có 11 tuyến buýt thuộc hệ thống mạng lưới xe buýt B40 hoạt động theo hình thức đấu thầu có trợ giá do Công ty cổ phần công nghiệp Quảng An 1 trúng thầu vận hành. Số thanh toán cho 11 tuyến buýt trợ giá từ năm 2017 đến tháng 5-2022 là gần 138 tỉ đồng.
Theo ông Toàn, người đi xe chủ yếu là học sinh, chỉ có 1/6 tuyến đang vận hành có lượng khách tạm chấp nhận được. "Xe chạy vắng khách, xin đổi, dừng tuyến không được. Người Đà Nẵng chủ yếu đi xe cá nhân. Khi đến Đà Nẵng, chúng tôi không nợ nần nhưng giờ thành số nợ khủng khiếp" - ông Toàn nói.
Được biết, trước dịch Covid-19, lượng khách đi xe buýt tại Đà Nẵng tăng từng năm. Tuy nhiên do tác động của dịch bệnh, dừng hoạt động thời gian dài, lượng du khách giảm cộng thêm việc thiết kế các tuyến xe chưa hợp lý, xe buýt nhiều lần "đứng bánh". Từ 13 tuyến xe buýt đến nay chỉ còn 6 tuyến (5 tuyến trợ giá) đang có xe lăn bánh.
Sẽ có điều chỉnh các tuyến xe buýt
Ông Nguyễn Đăng Hoàng, giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, cũng nói: "Vấn đề nợ lương thì người lao động liên tục phản ảnh và chúng tôi can thiệp liên tục. Quảng An 1 nợ BHXH nhiều năm nay. Đề nghị Sở GTVT Đà Nẵng tính toán lại hệ thống xe buýt".
Đại diện Sở GTVT cho biết UBND TP Đà Nẵng vừa qua đã phê duyệt đề án điều chỉnh tổng thể mạng lưới xe buýt. Để tăng khách, các tuyến sẽ điều chỉnh trong đó hướng tới việc tiếp cận sinh viên, học sinh, khách du lịch, người làm việc tại các khu công nghiệp, rút ngắn thời gian đi lại và không chạy đường vòng.
Theo báo cáo của Sở GTVT TP Đà Nẵng, những tháng đầu năm 2023, các xe buýt phục vụ trung bình hơn 10 khách/lượt. Riêng tuyến R16 trung bình 25,5 khách/lượt, được xem là tuyến có lượng hành khách "chấp nhận được".
Trong năm 2023, Đà Nẵng dự kiến bổ sung năm tuyến buýt mới với hình thức đấu thầu. Tại buổi làm việc cuối tháng 5 liên quan đến vấn đề xe buýt trợ giá, ông Lương Nguyễn Minh Triết, chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, đề nghị Sở GTVT phải rút kinh nghiệm các hợp đồng trước, gắn trách nhiệm chặt chẽ hơn cho doanh nghiệp trúng thầu, nghiên cứu đấu thầu từng tuyến, không phụ thuộc tất cả các tuyến vào một nhà đầu tư.
Ngoài ra cần rà soát lại lộ trình, tuyến nào không hiệu quả thì cắt giảm, tăng số chuyến và giảm thời gian chờ đợi. "Tôi đề nghị ngành giao thông có giải pháp rà soát lộ trình, đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của xe buýt. Đây là giải pháp quan trọng đô thị nào cũng cần, trong tương lai xe buýt sẽ là phương tiện giao thông chính" - ông Triết nói.
Vắng khách, chúng tôi nhận lương cũng chả vui gì
Là lái xe, chúng tôi mong muốn có đông khách để sứ mệnh phục vụ nhu cầu đi lại của người dân được trọn vẹn.
Vì thành phố đã bỏ tiền ra rất nhiều, xe buýt ở Đà Nẵng cũng sạch đẹp, tươm tất. Nhưng đầu tư bài bản cả bảy năm mà vẫn chưa được người dân lựa chọn. Chúng tôi "chạy gió" rất buồn, nhận lương cũng không sướng lắm.
Suốt bảy năm lái xe buýt tôi thấy rằng thời gian đầu có rất nhiều người háo hức với xe buýt. Nó là phương tiện phù hợp với các cháu học sinh, các cụ già đi khám bệnh, thăm con. Phương tiện giá rẻ, an toàn. Nhưng thành thật mà nói đến bây giờ khách vẫn chưa phục hồi trở lại như thời trước COVID-19.
Tài xế Phan Lưu (lái xe tuyến TMF)
Cần khảo sát đúng với nhu cầu của dân
Trước khi có xe buýt trợ giá nội đô, thành phố Đà Nẵng từng có xe buýt Quảng Nam ra vào với số lượng khách đông nghịt. Nhà tôi ở Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), ngày nào cũng nhảy lên xe buýt tuyến Nam Ô - Hội An để xuống chợ Cồn bán hàng. Nhiều lúc mình không có chỗ ôm hàng vì xe buýt quá đông khách.
Vậy mà nay nhiều chuyến xe buýt mới ở Đà Nẵng dù sạch đẹp vẫn chạy không một bóng khách. Như vậy thì cần phải xem lại đối tượng khách là ai, ở đâu để phục vụ.
Lúc trước đi xe buýt tôi thấy rằng khách chủ yếu là người Quảng Nam. Họ đi đường dài nên chọn xe buýt. Vừa rẻ vừa rất an toàn và đến đúng nơi đúng chỗ. Còn bây giờ từ Quảng Nam ra phải đổi nhiều tuyến, vào bến xe buýt mới bắt được xe đi vào Đà Nẵng. Như vậy thì tốn quá nhiều thời gian nên nếu nhà gần người ta đi xe máy nhanh hơn.
Bà Nguyễn Bích Hồng (khách đi xe buýt)
Một lần nữa hệ thống xe buýt Đà Nẵng 'đứng bánh' vì tài xế, nhân viên bán vé đình công do bị nợ lương kéo dài nhiều tháng nay.