Theo đó, toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng đảm bảo được xác minh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc xác thực khách hàng điện tử sẽ loại bỏ được những tài khoản không chính chủ, xóa sổ tài khoản giả mạo.
"Để ngăn chặn nguy cơ dùng giấy tờ giả mở tài khoản, ngành ngân hàng (NH) sẽ xác thực khách hàng trực tuyến, trực tiếp và tại quầy trên các kênh giao dịch. NH Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu các giải pháp để đảm bảo xác thực được người thực hiện giao dịch và chủ tài khoản. Chúng tôi đang yêu cầu các NH triển khai giải pháp để hạn chế cho thuê, cho mượn tài khoản", ông Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán NH Nhà nước, tính đến nay, có hơn 25 triệu tài khoản đã được làm sạch, xóa sổ các tài khoản rác, không chính chủ, ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Trong thực tế, có tài khoản được làm từ chứng minh nhân dân giả, được thay ảnh mà một số nhân viên NH không thể phát hiện ra. Ngoài ra, một số cá nhân mở tài khoản và cho thuê tài khoản, gây khó cho cơ chức năng trong việc truy tìm các đối tượng lừa đảo.
Ông Tô Đình Tơn, phó tổng giám đốc Agribank, một trong những NH đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho biết đang triển khai áp dụng công nghệ xác thực khách hàng bằng căn cước công dân gắn chíp tại quầy.
Khi đến giao dịch, khách hàng chỉ cần mang căn cước công dân gắn chíp để thiết bị của NH đọc và xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Những lần giao dịch tiếp theo, khách hàng không phải mang bất cứ giấy tờ gì mà thiết bị của Agribank sẽ nhận diện qua khuôn mặt và vân tay.
"Công nghệ này giúp cắt giảm thủ tục, thời gian giao dịch, tạo thuận lợi hơn nữa cho khách hàng. Các thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay) được xác thực qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp Agribank nhận diện chính xác khách hàng để phục vụ được tốt hơn, hiệu quả hơn. Việc xác thực chính xác khách hàng cũng hạn chế rủi ro, gian lận lừa đảo", ông Tơn khẳng định.
Đào tạo kỹ năng phát hiện thật, giả của giấy tờ tùy thân
Theo đại tá Vũ Văn Tấn, phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), cơ quan này đang phối hợp với các NH xác minh thông tin công dân gắn với giấy tờ nghi ngờ giả mạo, lừa đảo...
C06 cũng đã phối hợp với các tổ chức tín dụng, Napas cung cấp dịch vụ tích xanh tài khoản - đây là các tài khoản được định danh chính xác danh tính công dân.
Đồng thời, các bên cũng đã phối hợp xây dựng kênh thông tin phản ứng nhanh đối với các trường hợp lừa đảo, chuyển tiền, xác minh, giải quyết hạn chế rủi ro cho ngành tài chính, NH, đảm bảo an ninh trật tự.
Cũng theo ông Tấn, một giải pháp quan trọng mà C06 đang phối hợp với các NH là tổ chức đào tạo kỹ năng nhận biết giấy tờ tùy thân thật/giả cho các nhân viên nhằm giảm thiểu rủi ro khi giao dịch tại các quầy chưa áp dụng công nghệ xác minh danh tính công dân.
Các giải pháp này sẽ góp phần rất lớn vào công tác phòng ngừa tội phạm, hạn chế lừa đảo, rủi ro, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Trước các thủ đoạn sử dụng thông tin, giấy tờ giả, mở tài khoản ngân hàng, thuê mở tài khoản, bán lại tài khoản cho đối tượng vi phạm pháp luật, giám đốc Công an Hà Nội đề nghị cần có biện pháp ngăn chặn.