Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Bùi Thanh Tân - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM - cho biết hiện nay 9/10 gói thầu xây lắp đang được các nhà thầu triển khai thi công thử cọc bê tông cốt thép, đóng cừ…
Gói thầu thứ 10 qua quận 12 và Gò Vấp đang thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân (quận 12 có 123 hộ và quận Gò Vấp 43 hộ).
Dù mặt bằng của dự án khá sạch, việc thi công diễn ra thuận lợi nhưng vẫn phát sinh một số khó khăn.
Trong đó có việc nhiều hộ dân, doanh nghiệp tái lấn chiếm mặt bằng đã bàn giao cho dự án từ giai đoạn 1, với 54 vị trí rải đều các quận Bình Tân, Tân Phú, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh, Khu công nghiệp Tân Tạo.
Một số vị trí bờ kênh còn bị đổ rác công nghiệp, rác sinh hoạt gây ô nhiễm, cản trở việc thi công.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết qua buổi khảo sát có thể thấy được sự nỗ lực của các đơn vị trực tiếp lẫn gián tiếp, sự nỗ lực quyết tâm của từng người lao động trên công trường.
Dự án này không chỉ mang ý nghĩa là công trình chống ngập, chống ô nhiễm môi trường mà còn mang ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội TP, tăng cường năng lực giao thông cho tuyến Bắc - Nam TP và có tính kết nối liên vùng.
“Công trình này được sự ủng hộ và mong chờ của nhân dân TP suốt 20 năm qua. Nói điều này cho thấy chúng ta hiểu trách nhiệm của mình để đáp ứng lòng mong mỏi của người dân”, ông Nên nhấn mạnh.
Theo Nên, những vướng mắc khó khăn cần phải được xử lý theo quy tắc, phải ghi toàn bộ công việc một cách chi tiết về thời gian, tiến độ để qua đó giúp cho việc kiểm tra, giám sát và truy trách nhiệm với từng cá nhân, đơn vị.
Các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, vận động người dân chia sẻ, đồng hành. Đặc biệt hạn chế thấp nhất ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Về vấn đề tái lấn chiếm các mặt bằng đã hoàn thành giải phóng, ông Nên yêu cầu các đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, vận động không để diễn ra tình trạng trên.
Cuối cùng, quan trọng nhất là việc đảm bảo chất lượng công trình, không để xảy ra bất cứ vấn đề tiêu cực, tham nhũng qua việc phát huy vai trò giám sát của các mặt trận, đoàn thể như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.
Phấn đấu 30-4-2025 hoàn thành
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định trước tình hình thực tế, việc hoàn thành dự án vào năm 2025 sẽ là một thử thách.
Để đạt đúng tiến độ, ông Nên chỉ đạo chủ đầu tư phải yêu cầu các nhà thầu tăng cường thiết bị thi công, nhân lực để triển khai các hạng mục công trình theo lộ trình đã đề ra. Thậm chí phải linh hoạt thi công ban đêm, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa vào khánh thành dịp 30-4-2025.
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) là dự án trọng điểm, thuộc đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045 kết hợp cùng các dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát, lưu vực Tây Sài Gòn.
Sáng 23-2, TP.HCM đã khởi công giai đoạn 2 dự án cải tạo Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.