Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ 19 giờ ngày 12.6 đến 7 giờ ngày 13.6, ở khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to, riêng vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có mưa rất to, có nơi trên 100 mm.
Tại tỉnh Lai Châu, mưa lớn nhiều giờ liền đã gây ra lũ trên lưu vực suối Nậm Dê (xã Sơn Bình, H.Tam Đường). Trận lũ không gây thiệt hại về người nhưng đã cuốn trôi một số diện tích nuôi cá nước lạnh của người dân.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo UBND H.Tam Đường cho biết, chính quyền đang thống kê về thiệt hại do trận lũ này gây ra. Số liệu ban đầu cho thấy, hàng nghìn con cá tầm được người dân nuôi ven suối bị cuốn trôi và chết.
"Vào mùa mưa lũ, chính quyền thường xuyên thông tin và phát đi cảnh báo đến người dân 1 ngày 2 lần, tuyên truyền cho người dân phải di dời về khu vực an toàn. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn cố tình dựng lán, làm ao cá ở khu vực thoát lũ cạnh bờ sông, bờ suối nên khi thiên tai xảy ra, không tránh khỏi thiệt hại. Sau đây, chúng tôi xem xét, nhiều khả năng sẽ đưa ra hình thức xử phạt những hộ dân cố tình vi phạm", vị lãnh đạo H.Tam Đường nói.
Trong khi đó, tại TX.Sa Pa (tỉnh Lào Cai), vào thời gian trên cũng xảy ra mưa lũ gây sạt lở làm hư hỏng một số tài sản của người dân.
Theo đó, mưa lớn gây sạt lở taluy âm dài khoảng 5 m, sâu 4 m phía trước sân một nhà dân (P.Sa Pa, TX.Sa Pa), ước tính thiệt hại khoảng 10 triệu đồng.
Về nông nghiệp, mưa lớn cũng gây sạt lở ruộng tại 2 xã thuộc TX.Sa Pa là Trung Chải và Bản Hồ với diện tích khoảng 2.100 m2 lúa, ước tính thiệt hại khoảng 12,5 triệu đồng.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền TX.Sa Pa đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả và vận động di chuyển tạm thời người và tài sản đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, có kế hoạch đầu tư xây kè chống sạt lở để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của gia đình.