Chuyện rằng, thủ đô Paris của Pháp bị quản lý về kiến trúc quá mức và bị đánh thuế quá mức. Thành phố trông rất đẹp, thích hợp cho những kỳ nghỉ nhỏ vào cuối tuần, nhưng trì trệ, đóng băng. Đó là một "mảnh" bảo tàng.
Trong khi đó, thủ đô London của Anh được xem là năng động, sáng tạo, toàn cầu, cởi mở cho kinh doanh.
Ông Rowan Moore - nhà phê bình kiến trúc của tuần báo chủ nhật Observer của Anh, được vinh danh là nhà phê bình của năm tại giải thưởng báo chí Vương quốc Anh - đưa ra một góc so sánh thú vị giữa hai thủ đô tráng lệ bậc nhất châu Âu.
Năng động hay buồn ngủ: không nằm ở chiều cao!
Paris, sau khi tán dương các tòa nhà cao tầng nằm rải rác ở rìa trung tâm, dẫn đến 2 - 3 dự án gây tranh cãi tuần trước đã áp dụng lại các quy định cũ: cấm các tòa nhà cao trên 37m.
Trong khi đó, quy hoạch của London tiếp tục "miễn phí chiều cao", với các cụm tháp ồn ào mọc lên không chỉ trong thủ đô và xung quanh khu thương mại Canary Wharf mà còn ở các địa điểm vùng ven như Vauxhall, Tottenham và Lewisham.
Nhưng, câu chuyện về London năng động và Paris buồn ngủ ngày càng có vẻ kém thuyết phục hơn vì sàn giao dịch chứng khoán Paris đã vượt qua London, dù được cho (một phần) nhờ vào Brexit.
Hiện Sở Giao dịch chứng khoán Paris là thị trường chứng khoán hàng đầu của châu Âu.
Những người ủng hộ các tòa nhà chọc trời ở Paris cũng như những nơi khác, nói rằng chúng thú vị, hiện đại, cung cấp không gian cần thiết cho các gia đình và việc làm, đồng thời thu hút doanh nghiệp.
Ông Jean Nouvel, kiến trúc sư thiết kế tòa tháp đôi Duo, một trong những dự án gây tranh cãi và đã thúc đẩy Paris tiến tới các hạn chế mới, cho biết: “Nếu các tòa nhà cao tầng có thể làm phong phú thêm trung tâm thủ đô thì tại sao lại cấm đoán chúng?”.
Câu hỏi đặt ra là liệu chúng có thực sự “làm giàu” cho các thành phố hay không?
Để sử dụng từ này hiệu quả về mặt tài chính và đúng nghĩa đen nhất thì nhà cao tầng góp phần thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đóng góp của nó cho nhu cầu nhà ở là điều gây tranh cãi vì chúng tốn rất nhiều tiền để xây dựng và các căn hộ có xu hướng bán với giá cao.
Điều này thể hiện qua sự phá sản vừa được công bố của thị trấn Woking khi đầu tư vào các tòa nhà chọc trời.
Các khu vực được tạo ra dưới chân các tòa tháp cũng không phải là bằng chứng thuyết phục rằng chúng làm giàu cho thành phố về mặt xã hội, không gian hay văn hóa.
Nếu đến các quận mới với nhiều nhà cao tầng ở London, bạn sẽ tìm thấy một cuộc sống buồn tẻ, khô cằn, thiếu sức sống, thiếu nét đặc trưng. Và càng khó có thể biện minh trên cơ sở môi trường.
London - Paris: Chất và lượng
Paris từ lâu đã là một thành phố được quản lý tập trung và được quản lý chặt chẽ, kết quả thiết kế đô thị thống nhất hơn. Còn các thành phố lớn của Anh trở nên đa dạng nhưng hỗn loạn.
So sánh giữa London và Paris có thể được coi là so sánh số lượng với chất lượng. Trong khi xét về dân số và GDP, Lodon đã phát triển hơn Paris trong thế kỷ XXI và tạo ra nhiều việc làm hơn. Nhưng Paris đã đạt được mức tăng năng suất ấn tượng hơn nhiều.
Nói cách khác, nhiều của cải được tạo ra trên mỗi công dân Paris. Mặc dù nhà ở Paris hầu hết không rẻ, nhưng khủng hoảng nhà ở ít gay gắt hơn.
Paris cũng đang cố gắng trở thành một thành phố lớn đặc biệt bền vững, đáng mơ ước hơn so với hiện tại - bằng cách làm không gian công cộng và bờ sông trở nên hấp dẫn nhất có thể đối với người đi bộ và người đi xe đạp.
Paris thực hiện khái niệm “thành phố 15 phút”, theo đó các yếu tố cần thiết của cuộc sống đều ở ngay gần nhà dân. Trong khi cách thức của London chỉ là chất cao tầng nhà nhưng vẫn bán chúng với giá không quá rẻ.
Kiến trúc sư người Anh David Chipperfield giành Giải kiến trúc Pritzker năm 2023. Danh hiệu cao quý được công bố ngày 7-3-2023.