Bà con lối xóm cũng cho rằng đây chỉ là chuyện người làng va chạm, mỗi người nhường nhịn một tí để vụ việc trôi qua. Không ai thấy việc đánh người già, phụ nữ, trẻ em là vi phạm pháp luật.
Cụ bà bị đánh tím đùi: chuyện không có gì?
Ông Nguyễn Giáp Thìn - chủ tịch UBND xã Đức Phú, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi - cho biết trong cuộc họp công báo đầu tuần, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo công an xã làm rõ vụ việc bà Bùi Thị Ca (77 tuổi, thôn Phước Lộc, xã Đức Phú) bị hàng xóm là ông Lê Quang Á đánh bầm tím đùi trái. Công an xã Đức Phú đã mời ông Á làm việc.
Theo trình bày của bà Ca, hôm đó bà đi chăn bò, một con bò chạy trước bà theo không kịp, chỉ dẫn hai con bò theo sau. Khi ra đến cánh đồng, ông Á nói bà Ca thả bò sao lại để bò vào giẫm ruộng dưa. Tuy nhiên, lúc đó cả ba con bò đều đang gặm cỏ trên đường.
Lời qua tiếng lại, ông Á nói: "Bà lùa bò đi chỗ khác, luẩn quẩn ở đó là ăn roi với tui giờ". Bà Ca nặng tai, nghe tiếng được tiếng mất và khẳng định bò mình không ăn dưa, khiến ông Á bực mình.
Tính nóng trỗi dậy, ông Á rút cây to bằng ngón tay cái vụt vào chân khiến bà Ca ngã quỵ xuống mương nước.
Bà Ca sau đó phải nhập viện điều trị, do vết bầm lan rộng nên phải điều trị nội trú. Bức xúc, con cháu bà Ca đã chụp ảnh vết bầm, đăng lên mạng xã hội và cộng đồng mạng phẫn nộ với hành vi của ông Á.
Sau khi ầm ĩ, chính quyền xã Đức Phú mới nắm vụ việc. Ông Thìn cho biết: "Gia đình bà Ca không trình báo, thôn không thông báo nên địa phương không nắm kịp. Nếu nắm sớm, chúng tôi đã tổ chức hòa giải hai gia đình thì sẽ không có ồn ào gây mất an ninh trật tự tại địa phương".
Kỳ lạ là cộng đồng mạng phẫn nộ với hành vi của ông Á, nhưng người trong cuộc lại cho đó là chuyện bình thường. Bà Ca nói: "Phải chi mà thằng Á đánh tui xong, vợ chồng nó qua nhà nói một tiếng thì tui đã cho qua. Chuyện không có gì nhưng nó không có tình người nên con cháu tui bực".
Con rể bà Ca cũng nói: "Chuyện không có gì, nhưng không nên đánh vì mẹ tôi già rồi". Con gái bà Ca chăm mẹ ở bệnh viện cũng ấm ức: "Phải chi vợ chồng nó qua xin lỗi thì đã không ồn ào". Người làng ở cái dông đất tựa núi cũng nói chuyện không có gì, mỗi người nhường một tí vì tình làng xóm.
Tiếp xúc với phóng viên, vợ chồng ông Á cũng nói chuyện không có gì. Theo lời ông Á, nhiều lần bò của bà Ca vào ruộng dưa, lúa của mình. Ông Á góp ý thì bà Ca không nghe. Đợt này nắng nóng, dưa hấu mất mùa, ông lỗ nặng.
Đang lúc bực bội thì bò chạy vào ruộng giẫm nát dây dưa nên ông Á nóng nảy, đánh bà Ca.
"Tui chỉ dùng roi đánh vào đùi vì bực quá. Tui đánh bà Ca là tui sai, giờ cũng xót xa, nhưng tính tui nóng, làng xóm với nhau ai cũng biết tính tui, có gì đâu mà nặng nề. Để bà Ca chữa bệnh xong, tiền thuốc bao nhiêu thì nhà tui chịu", ông Á nói.
Chuyện không có gì nhưng có thể bị phạt tù
Mọi người trong làng thấy đó là việc bình thường, không ai nhận ra đây là sự việc nghiêm trọng. Theo luật sư Phạm Thảo - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, tại khoản 1 điều 20 Hiến pháp 2013 nêu rất rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm...
"Ngoài ra, Luật Người cao tuổi 2009 có các quy định theo hướng phải tôn trọng, ưu tiên với người cao tuổi. Trong ứng xử văn hóa đời thường người già, phụ nữ, trẻ em thuộc đối tượng yếu thế cần trân trọng, yêu thương và bảo vệ. Những hành vi xâm phạm về sức khỏe và tinh thần họ bị xã hội lên án", luật sư Thảo nói.
Căn cứ theo quy định của pháp luật, luật sư Thảo cho rằng việc ông Á đánh bà Ca là hành vi pháp luật nghiêm cấm.
Đây không phải câu chuyện làng bởi nếu cố ý gây thương tích, làm tổn hại sức khỏe người khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 - 8 triệu đồng, đồng thời bị buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh và bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại điều 590 Bộ luật Dân sự 2015...
Về trách nhiệm hình sự, luật sư Thảo cũng nói căn cứ theo khoản 1 điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 thì việc cố ý gây thương tích với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người già yếu... dù thương tích chưa đến 11%, nhưng đó là người không có khả năng tự vệ vẫn bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt tù.
Cần tuyên truyền pháp luật
Theo luật sư Phạm Thảo, đây không phải là tình huống hiếm gặp trong xã hội, nhất là ở vùng nông thôn. Khi có mâu thuẫn, bực bội, cách giải quyết nóng nảy đối với người yếu thế bị xã hội lên án nhưng trong cộng đồng nhỏ lại thấy bình thường và "đổ lỗi" do tính nóng.
Thế nhưng, đó là những hành vi trái luật nghiêm trọng. "Tôi cho rằng ở nhiều vùng quê người dân chưa hiểu rõ hậu quả pháp lý của những chuyện tưởng như bình thường ấy.
Do đó cần những kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật đến người dân bằng những hình thức sinh động khác nhau để người dân hiểu, tránh phạm luật. Việc này cũng tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc đối với những tranh cãi dẫn đến bạo lực mà bà con vẫn nghĩ chuyện không có gì", luật sư Thảo nói.
Bà cụ chăn bò 77 tuổi bị hàng xóm đánh vì nghi để bò đi vào ruộng dưa hấu. Đã 5 ngày nhập viện, bác sĩ vẫn yêu cầu bà tiếp tục điều trị.