Tài năng được Apple “săn đón”
Angelina Tsuboi (17 tuổi) đã đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ trước khi tốt nghiệp trung học. Cô bé “tuổi teen” này đã viết code từ năm 7 tuổi và biết khoảng 18 ngôn ngữ lập trình (bao gồm cả ngôn ngữ mà cô bé thiết lập).
Angelina tạo được nhiều tiếng vang trong giới lập trình Mỹ khi phát triển nhiều ứng dụng có tầm ảnh hưởng. Cô cũng từng chiến thắng trong cuộc thi Student Swift Challenge (cuộc thi lập trình) tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu WWDC của Apple vào năm ngoái.
Angelina cũng có mối quan tâm đặc biệt đối với du hành vũ trụ, ví dụ như phi hành gia trong môi trường không gian mô phỏng và nghĩ ra nhiều phần mềm phục vụ cho ngành hàng không.
“Bất cứ khi nào nhìn thấy một vấn đề trên thế giới, tôi đều cố gắng tìm cách giải quyết nó”, cô bé chia sẻ. Angelina lần đầu tiên biết đến lập trình là ở một lớp học trên trường khi cô mới 7 tuổi. “Chương trình đầu tiên tôi từng xây dựng là một thứ gì đó rất đơn giản và thô sơ - tôi code một trò chơi mê cung. Và từ đó tôi tiếp tục phát triển các dự án khác”, cô chia sẻ.
Hiểu về mức độ tác động mà các ứng dụng có thể ảnh hưởng tới thế giới, Angelina luôn nỗ lực thực hiện các dự án giải quyết các vấn đề mà mọi người gặp phải trong thực tế.
Cô đã tạo ra Lilac - ứng dụng cung cấp cho các bậc cha mẹ đơn thân những thông tin bổ ích được cập nhật liên tục như quyền truy cập vào các tổ chức nhà ở, trợ cấp, cơ hội việc làm và hỗ trợ dịch thuật - điều mà gia đình Angelina phải trải qua - khi người mẹ đơn thân của cô chuyển từ Nhật Bản đến Mỹ với ba người con và có rất nhiều rào cản ngôn ngữ.
Tương tự, cô đã phát triển ứng dụng Pilot Fast Track - giúp các phi công có thể tìm kiếm các học bổng phù hợp để tài trợ cho các khóa đào tạo của họ. Theo tờ Business Insider (BI), hiện có khoảng hàng ngàn người đang sử dụng ứng dụng này.
Chưa hết, Angelina cũng đã phát triển ứng dụng CPR Buddy và giành chiến thắng trong cuộc thi Swift Student Challenge của Apple năm ngoái. Trước đây, cô cũng từng phát triển Pocket CPR tích hợp vào Apple Watch - một ứng dụng hướng dẫn các khái niệm cơ bản về CPR (hồi sức tim phổi). Nguyên do xuất phát từ trải nghiệm của bản thân khi cô tham gia lớp học CPR trực tuyến.
"Học CPR trực tuyến hơi khó khăn vì có những thứ cần tiếp xúc trực tiếp như thực hành kiểm soát tốc độ khi sơ cứu. Vì vậy, tôi đã nghĩ, phải làm cách nào để phát triển một công cụ giúp việc học CPR dễ dàng hơn và giúp mọi người dễ tiếp cận quy trình thực hành”.
Các ứng dụng trong Apple Watch thường sẽ được tích hợp công nghệ phản hồi xúc giác, chúng có thể rung lên khi tay người dùng chạm vào, từ đó tối ưu hóa quá trình thực hành CPR.
Được biết, CPR Buddy như một ứng dụng bổ sung cho Pocket CPR, giờ đây người dùng có thể vừa sử dụng các mức rung vừa có hình ảnh động trực quan để thực hành hay dạy những điều cơ bản về hô hấp nhân tạo.
Một trong những thách thức lớn nhất nằm ở những hạn chế về phần cứng của Apple Watch. Angelina cho biết việc thêm nhiều hình ảnh động và mức rung có thể làm quá tải thiết bị. Nhưng cô đã vượt qua điều đó bằng cách code tỉ mỉ hơn.
Angelina là một trong 6 người chiến thắng Swift Student Challenge được mời đến trụ sở Apple cho WWDC năm ngoái. Cô đã có cơ hội xem các bài phát biểu công bố phần cứng, phần mềm mới của công ty và nói chuyện trực tiếp với các nhà phát triển khác.
Cô và những người chiến thắng đã có cơ hội gặp CEO của Apple Tim Cook, trình bày về ứng dụng của mình và nói về kinh nghiệm phát triển ứng dụng cho ông nghe. “Thật tuyệt vời khi được gặp CEO của Apple và được nói chuyện với ông về việc chúng tôi đang cố gắng tạo ảnh hưởng đến thế giới như thế nào”, Angelina nói.
Làm việc tại NASA
Angelina cũng đang xây dựng các chương trình để đảm bảo an ninh mạng cho hệ thống điện tử hàng không (thiết bị điện tử áp dụng cho ngành hàng không) trên máy bay.
Cô đã chế tạo một thiết bị và chương trình sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện hành vi giả mạo hoặc xâm nhập vào hệ thống radar của máy bay. Ngoài ra, gần đây, cô cũng đã xây dựng một chương trình khác - có hoạt động như một hệ thống an ninh mạng cho các vệ tinh.
Mùa hè này, Angelina sẽ làm việc cho NASA và tập trung xây dựng các dự án an ninh mạng hàng không vũ trụ. Cô cũng đang "đi sâu” một chút vào lĩnh vực phát triển cơ điện tử, với hy vọng sẽ trở thành một kỹ sư cơ điện tử trong tương lai.
Thành tích của Angelina có thể khiến cô khác biệt so với học sinh trung học khác, nhưng cô vẫn luôn nghĩ đến việc học đại học. MIT là ngôi trường mơ ước của Angelina trong một thời gian dài nhưng hiện tại cô vẫn để ngỏ các lựa chọn của mình.
Tham khảo BI