Ngày 14.6, thông tin từ UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tính đến ngày 18.5, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 496 dự án thứ cấp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 26 quốc gia và vùng, lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9,2 tỉ USD, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 11 cả nước.
Đồng thời, có 68 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 10.982 tỉ đồng; suất vốn đầu tư bình quân của dự án (ước quy đổi) khoảng 17,4 triệu USD/dự án, trên 6,1 triệu USD/ha đất công nghiệp.
Đến nay, tỉnh Hải Dương có 260/325 dự án trong KCN đã triển khai đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (đạt tỷ lệ 80%), số dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để đảm bảo đủ điều kiện xây dựng nhà xưởng.
Về việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp FDI, tính đến đầu tháng 6, tỉnh Hải Dương thu hút được gần 210 triệu USD, tăng 6 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022, trong đó gồm 27 dự án cấp mới với tổng vốn 152,5 triệu USD, điều chỉnh tăng 55 triệu USD cho 16 lượt dự án.
Lĩnh vực thu hút vốn là công nghiệp chế biến, chế tạo. Các dự án FDI mới chủ yếu đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan, Hàn Quốc, Đức…
Mặc dù thu hút FDI tương đương song nguồn vốn năm nay tập trung chủ yếu vào dự án FDI cấp mới, tăng 4,5 lần về số lượng dự án và gấp 6 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Cùng kỳ năm trước, thu hút FDI của tỉnh chủ yếu vào vốn tăng thêm.
Năm 2023, Hải Dương đặt mục tiêu thu hút FDI đạt 410 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 750 triệu USD trở lên. Doanh thu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 7 tỉ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 400 triệu USD.
Ngành lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo với 437 dự án, tổng vốn 8.672,6 triệu USD, chiếm 94% vốn đăng ký; lĩnh vực dịch vụ có 42 dự án với số vốn 316,2 triệu USD, chiếm 3,4% tổng vốn đăng ký; lĩnh vực nông nghiệp có 17 dự án với số vốn 226,9 triệu USD, chiếm 2,6% tổng vốn đăng ký.
Trong 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn, các nhà đầu tư đến từ các nước châu Á chiếm 90%, còn lại là đến từ các nước châu Mỹ, châu Âu. Trong đó, Hồng Kông (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất với số vốn đầu tư chiếm 40% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Nhật Bản chiếm 16,3%, thứ ba là Hàn Quốc chiếm 15,4%, thứ tư là Đài Loan chiếm 7,8% tổng vốn đầu tư đăng ký...
Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả
Trao đổi với Thanh Niên, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết các dự án đi vào hoạt động đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn và là một trong các nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Hải Dương theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; đặc biệt các dự án FDI trong KCN đã tạo sức kéo, điều kiện tốt cho các dự án DDI tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ năng quản trị hiện đại.
Tuy nhiên, thu hút FDI của tỉnh Hải Dương hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: số lượng dự án FDI quy mô nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh khá lớn, trong khi hạn chế về số lượng dự án FDI quy mô lớn. Một số doanh nghiệp kê khai lỗ kéo dài, thậm chí có doanh nghiệp lỗ lũy kế gần bằng vốn chủ sở hữu nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Ông Triệu Thế Hùng cũng thông tin thêm, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chung sức và đồng lòng, cùng phương châm 'thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh, mọi khó khăn của doanh nghiệp đều được chia sẻ tháo gỡ', tỉnh Hải Dương cam kết sẽ luôn gắn bó, đồng hành và tiếp tục dành sự thân thiện, ủng hộ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả.