Theo dữ liệu "Điều tra PCI-FDI" trong báo cáo PCI, hàng năm, nhóm chuyên gia nghiên cứu sẽ điều tra ngẫu nhiên các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó tập trung vào 19 địa phương có số doanh nghiệp FDI nhiều nhất tại Việt Nam.
Tính riêng trong năm 2022, các doanh nghiệp FDI trả lời điều tra đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đông đảo nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc (chiếm tỷ trọng 28,8%), Nhật Bản (23,2%) và Trung Quốc (12,7%).
Dựa trên dữ liệu PCI từ năm 2012 đến nay, có thể thấy, tỷ lệ doanh nghiệp tăng vốn đầu tư vào Việt Nam đã có sự thay đổi tương đối rõ rệt trong vòng 10 năm qua.
Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2022, tỷ lệ doanh nghiệp tăng vốn đầu tư vào Việt Nam đạt mức cao nhất trong năm 2014, ở mức 16,3%, tăng mạnh từ mức 5,06% của năm 2013. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, vào thời điểm này, trên một nửa số doanh nghiệp trong mẫu điều tra PCI-FDI cho biết có ý định tăng quy mô hoạt động – cao nhất kể từ năm 2010.
Tuy nhiên, 2 năm sau đó, tỷ lệ này đã lần lượt giảm xuống còn 11,42% và 10,97% trong hai năm 2015 và 2016. Trong khoảng thời gian này, theo báo cáo PCI, mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp FDI tăng vốn đầu tư vào Việt Nam có xu hướng giảm so với năm 2014, nhưng những con số này vẫn cho thấy những cải thiện lớn so với giai đoạn đầu tư ảm đạm năm 2012 - 2013.
NGUỒN: PCI 2012-2022
Sang đến năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp FDI tăng vốn đầu tư vào Việt Nam đã tăng trở lại, lên mức 13,22%, chỉ thấp hơn so với kết quả của năm 2014 nếu xét trong giai đoạn 2012-2022. Song, kể từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ này có xu hướng liên tục giảm. Cụ thể, từ mức 13,22% năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp FDI tăng vốn đầu tư vào Việt Nam đã giảm xuống còn 10,36% trong năm 2019.
Sang đến năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp FDI tăng vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn có xu hưởng giảm so với năm 2019. Các chuyên gia nghiên cứu nhận định, do bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp FDI đang tỏ ra thận trọng về kế hoạch mở rộng quy mô. Chỉ có 6,24% doanh nghiệp FDI tham gia điều tra PCI-FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư trong năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 2014.
Báo cáo cũng cho biết, nhiệt kế doanh nghiệp – một chỉ báo về niềm tin của doanh nghiệp FDI cho thấy bằng chứng rõ hơn. Với con số 33% doanh nghiệp FDI có dự định tăng quy mô trong năm tới, đây là mức sụt giảm mạnh so với mức 47,7% của năm 2021, giai đoạn khởi sắc ngắn ngủi sau dịch và thấp hơn nhiều so với mức trước dịch, khi con số này chưa bao giờ xuống dưới 45% trong thời gian từ 2014 đến 2019.
Mặc dù vậy, theo PCI 2022, năm 2022, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có sự phục hồi vững chắc hơn sau đại dịch. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô lao động tăng rõ rệt, từ 50,56% trong năm 2021 lên 55,77% năm 2022.
Trong khi năm 2021 chứng kiến tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi ở mức thấp kỷ lục (38,72%) thì đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng đáng kể (lên mức 42,77%). Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã điều chỉnh hoạt động để ổn định doanh thu và chi phí. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm từ mức cao kỷ lục 47,9% năm 2021 xuống còn 44,88% năm 2022.