Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận được trình bày tại kỳ họp, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm có sự tăng trưởng đáng kể.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 7,76% so với cùng kỳ 2022, đứng thứ 11 cả nước, thứ 3 trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, trong đó nhóm ngành dịch vụ tăng 13,64%. Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển tăng 3,51%. Hoạt động du lịch sôi động trở lại, lượng khách, số ngày lưu trú, doanh thu du lịch tăng so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu tăng trở lại bình thường và thông suốt.
Công tác cải cách hành chính đạt được một số kết quả tích cực, chỉ số PAPI năm 2022 đứng thứ 7 cả nước. Việc rà soát, sắp xếp hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện thường xuyên. Quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực ngày càng hiệu lực, hiệu quả, giải quyết kịp thời, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Tổ chức gặp gỡ, đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện có nền nếp. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục quan tâm chỉ đạo, xử lý những trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng vẫn xuất hiện nhiều khó khăn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, do giá cả nguyên vật liệu, nhất là phân bón, xăng, dầu tăng cao. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 16,92% so cùng kỳ. Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của một số dự án tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là một số công trình giao thông trọng điểm như sân bay, đường nội tỉnh.