Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn được thành lập năm 1999, trên cơ sở tiền thân là Nhà máy mía đường Lam Sơn (thành lập năm 1980), tọa lạc tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa. Với hơn 40 năm hoạt động trong ngành Mía đường, tới nay Công ty đã tích lũy khối tài sản hơn 2.800 tỷ đồng cùng mạng lưới kinh doanh rộng lớn, nhiều ngành nghề.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 (niên độ tài chính từ ngày 1/7/2022-30/6/2023), tại thời điểm ngày 31/3, Công ty mía đường Lam Sơn ghi nhận tổng tài sản hơn 2.800 tỷ đồng, tăng 255 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu tới từ sự tăng đột biến của tài sản ngắn hạn.
Theo đó, tài sản ngắn hạn của công ty ghi nhận hơn 1.378 tỷ đồng, tăng gần 390 tỷ so với đầu năm. Số tăng đột biến này chủ yếu từ chỉ tiêu hàng tồn kho, khi ghi nhận 1.066 tỷ đồng, tăng 430 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng hơn 72% toàn mục. Trong khi đó, công ty đang bị các đối tác "chiếm dụng" lượng vốn lớn lên tới khoảng 260 tỷ đồng, phân bổ đều ở hai chỉ tiêu phải thu của khách hàng và trả trước cho người bán. Còn lại là các khoản mục tiền và các khoản phải thu khác ghi nhận lần lượt là 27 và 22 tỷ đồng, không có biến động đáng kể.
Về mục tài sản dài hạn, tại thời điểm cuối tháng 3, Mía đường Lam Sơn ghi nhận hơn 1.435 tỷ đồng, giảm nhẹ 132 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này chủ yếu tới từ việc khấu hao tài sản cố định khoảng 150 tỷ đồng, khi ghi nhận 915 tỷ đồng so với 1.067 tỷ đồng hồi đầu năm.
Đáng chú ý, ở khoản mục này, Mía đường Lam Sơn đang ghi nhận hơn 386 tỷ đồng khoản đầu tư xây dựng cơ bản dở dang. Con số này tăng nhẹ hơn 30 tỷ đồng so với đầu năm, khiến công ty chịu nhiều áp lực để tài trợ dự án trong khoản mục này.
Ngoài ra, các khoản mực đầu tư tài chính dài hạn và tài sản dài hạn khác không có nhiều biến động so với đầu năm khi lần lượt ghi nhận lần lượt 36 tỷ và hơn 44 tỷ đồng.
Tương với mức tăng tổng tài sản, cuối kỳ, mía đường Lam Sơn ghi nhận nợ phải trả gần 250 tỷ đồng. Mức tăng này chủ yếu tới từ nợ ngắn hạn, khi ghi nhận 1.098 tỷ đồng, tăng hơn 250 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong đó, đáng chú ý là sự gia tăng đột biến từ 17 tỷ đồng lên hơn 200 tỷ đồng của chỉ tiêu người mua trả tiền trước, cho thấy trong kỳ công ty đang "chiếm dụng" được khoản tiền rất lớn từ người mua. Tiếp theo là chỉ tiêu phải trả người bán ghi nhận 140 tỷ đồng, tăng hơn 40 tỷ so với đầu năm.
Về chỉ tiêu vay thuể tài chính, tuy không ghi nhận gia tăng đáng kể, tuy nhiên chỉ tiêu này chiếm tỷ trọng lớn tới hơn 65% khoản mục nợ phải trả, khi ghi nhận 612 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với đầu năm. Còn lại các chỉ tiêu phải trả ngắn hạn khác, chi phí phải trả ngắn hạn ghi nhận lần lượt 45 tỷ đồng và 68 tỷ đồng, tăng tương đương từ 10 tới 20 tỷ so với đầu năm.
Về vốn chủ sở hữu, ghi nhận Mía đường Lam Sơn tăng nhẹ hơn 12 tỷ đồng, trong đó, đáng chú ý có sự gia tăng trong vốn góp, mà cụ thể là sự gia tăng của cổ phần phổ thông với hơn 45 tỷ đồng. Khoản tăng này tương ứng với khoản giảm từ khoản mục lợi nhuận chưa phân phối từ 92 tỷ đồng xuống còn 52 tỷ đồng của Mía đường Lam Sơn so với đầu năm. Như vậy, cho thấy Mía đường Lam Sơn đã thực hiện việc phân phối lợi nhuận thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu.
Theo báo cáo giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong kỳ, Mía đường Lam Sơn ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 8,8 tỷ đồng, tăng hơn 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này được cho tới chủ yếu từ việc trong kỳ công ty đã tiết kiện chi phí quản lý và chi phí bán hàng với mức giảm lần lượt 27% và 51%.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Công ty Mía đường Lam Sơn bắt đầu niêm yết với mã chứng khoán LSS trên Sở giao dịch T.pHồ Chí Minh (HoSE) từ ngày 21/12/2007. Trong phiên giao dich ngày 14/6, cổ phiếu LSS có giá đóng cửa 12,3 nghìn đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt hơn 1,28 triệu cổ phiếu.
Việt Phương