Cơ thể yếu dần vì thừa cân
Anh Linh chia sẻ anh vốn là người yêu thích thể thao và thường xuyên tập thể dục. Anh cao 1m76 và duy trì cân nặng khoảng 80kg.
"Cho đến năm 2012, cân nặng bắt đầu tăng dần. Ban đầu, tôi tăng lên 85kg, theo chỉ số BMI cũng là thừa cân, nhưng khi đó, tôi vẫn dành thời gian tập thể hình nên không quá quan tâm đến cân nặng và nghĩ rằng béo chút nhưng khỏe là được.
Sau này, khi công việc bắt đầu bận rộn hơn, tôi ngừng việc tập luyện, cân nặng "nhảy số". Bốn năm sau, cân nặng của tôi chạm mốc 100kg và một năm sau đó lên đến đỉnh điểm 110kg", anh Linh nhớ lại.
Lúc này, anh Linh nhận thấy sức khỏe của mình không ổn, những trận ốm vặt xuất hiện nhiều hơn, cơ thể luôn mệt mỏi, nặng nề, không có sức sống.
Năm 2020, tình cờ anh Linh được một người bạn là chuyên gia dinh dưỡng thăm khám và tư vấn. Sau khi kiểm tra sức khỏe, anh Linh giật mình bởi những chỉ số cơ thể đang ở mức báo động, cholesterol trong máu vượt ngưỡng, chỉ số BMI vượt mức 35 là mức béo phì độ II.
"Lúc này, mình đã quyết tâm phải thay đổi", anh Linh nói.
Vượt qua thói quen ăn uống
Anh Linh cho rằng việc khó khăn nhất trong quá trình giảm cân không chỉ là tập luyện, chế độ ăn mà hơn hết đó là phải quyết tâm thay đổi thói quen ăn uống, lối sống của mình.
"Tôi tìm hiểu rất kỹ về các loại thức ăn, nhóm thực phẩm mình nạp vào cơ thể. Bởi khởi nguồn của việc tăng cân là do chúng ta nạp quá nhiều năng lượng vào cơ thể mà không sử dụng hết. Tôi vừa giảm cân nhưng cũng phải vừa lắng nghe cơ thể", anh Linh nói.
Ban đầu, anh áp dụng chế độ ăn gián đoạn 16:8 (nghĩa là 16 tiếng không ăn uống, 8 tiếng còn lại ăn uống bình thường). Giảm khẩu phần ăn, hạn chế đồ chiên, mỡ, ăn nhiều rau xanh và tập thể dục ít nhất một tiếng một ngày.
Sau hai tháng thực hiện chế độ ăn, tập luyện thể dục, anh Linh giảm được 12kg, xuống mức dưới 100kg. Anh tiếp tục duy trì thực hiện chế độ tập luyện, dinh dưỡng, nhưng càng về sau giảm càng chậm, sau đó chỉ giảm nửa cân, một cân/tháng.
"Lúc đó càng phải cố gắng, không được nản lòng. Khi người béo giảm cân rất dễ bị chảy xệ nên phải tập luyện để khỏe, cho săn chắc người. Bên cạnh đó, bản thân tôi không quá áp lực giảm cân, điều mình hướng tới là làm sao cơ thể mình khỏe mạnh nhất.
Mỗi tháng đều cân đo chỉ số cơ thể, thử máu để biết được tình trạng của mình đã tiến triển thế nào, vừa giảm được cân, vừa có sức khỏe", anh Linh chia sẻ.
Nói về khó khăn nhất trong việc giảm cân, anh Linh cho rằng thời gian đầu việc thay đổi thói quen ăn uống rất khó.
"Khi ấy rất thèm đồ ăn, luôn cảm thấy mình đói, cơ thể mình không đủ năng lượng… tôi thường xuyên cáu gắt, tâm trạng rất tệ. Hay những lúc tập thể dục, bản thân nghĩ mình đã đói rồi vẫn phải tập luyện. Nhưng thực tế, cảm giác đói không nói lên cơ thể đang cần năng lượng. Tôi phải làm quen và vượt qua được những điều ấy", anh Linh nói.
Đến nay, anh Linh vẫn duy trì tập luyện thể dục để giữ sức khỏe và cân nặng ở mức ổn định. Anh cũng thường chia sẻ những "bí quyết" giảm cân của mình để lan tỏa đến mọi người.
Nhịn ăn gián đoạn: Cần sự hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng
Trong quá trình giảm cân, anh Linh đã được sự hướng dẫn của chuyên gia về dinh dưỡng để áp dụng chế độ ăn và tập luyện. Mỗi cách giảm cân sẽ có hiệu quả trên từng người, không phải ai cũng có thể áp dụng được chế độ ăn và tập luyện như nhau.
Theo bà Nguyễn Thị Lâm - nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhịn ăn gián đoạn là một trong những phương pháp giảm cân có khoa học và được khuyến cáo áp dụng, tuy nhiên có nhiều lưu ý và không phải ai cũng thực hiện được.
Bên cạnh đó, cần chú ý trong thời gian nhịn đói, nếu xuất hiện triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, bủn rủn chân tay thì phải ăn nhẹ, không tiếp tục nhịn đói vì có thể ngất xỉu, nguy hiểm đến tính mạng.
Nhịn ăn gián đoạn không nên áp dụng với nhóm người lao động và học tập trong thời gian dài, người bị đau bao tử, viêm dạ dày, đái tháo đường, phụ nữ mang thai, trẻ em...
Bà Lâm khuyến cáo việc giảm cân cho những người thừa cân, béo phì là giảm lượng calo trong các bữa ăn hằng ngày nhưng vẫn phải đảm bảo đủ chất theo tháp dinh dưỡng. Bữa ăn vẫn cần đủ tinh bột, chất xơ, đạm... nhưng chỉ nên ăn đủ theo cơ thể.
Để giảm cân, nhiều người áp dụng 'trăm phương ngàn kế', thậm chí không dám ăn gì, nhưng cân nặng vẫn không hề thay đổi. Vì sao?