Cứ 10 doanh nghiệp tại Việt Nam thì có 9 thực hiện chuyển đổi số
Theo tin tức từ Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp của UOB năm 2023 về doanh nghiệp SME và doanh nghiệp lớn, cứ 10 doanh nghiệp tại Việt Nam thì có gần 9 doanh nghiệp đã chuyển đổi số tại ít nhất một bộ phận.
Tuy nhiên, thách thức chính của các doanh nghiệp là việc nhân rộng các nỗ lực số hóa của họ từ một hoặc một vài phòng ban sang toàn bộ doanh nghiệp.
41% doanh nghiệp SME được khảo sát cho thấy nhu cầu cần được hỗ trợ để kết nối với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ phù hợp và 37% doanh nghiệp SME cho rằng họ cần tiếp cận với kiến thức và chuyên môn phù hợp để tháo gỡ các vướng mắc trong hành trình số hóa của mình.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ này, UOB FinLab - một chương trình tăng tốc đổi mới của UOB, vừa ra mắt tại Việt Nam. Chương trình đặt mục tiêu thu hút sự tham gia của 5.000 doanh nghiệp tại Việt Nam trong vòng ba năm tới thông qua các sáng kiến đổi mới về số hóa và bền vững.
Mục tiêu chính hỗ trợ doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng thông qua thương mại điện tử và mở rộng phạm vi phục vụ khách hàng trong khu vực.
Tháo gỡ vướng mắc đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ
Theo công văn đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về phương án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua thành phố Hải Phòng và đoạn qua tỉnh Ninh Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Khẩn trương thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại văn bản ngày 16-5-2023 của Tổng Thư ký Quốc hội;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ (trong đó bao gồm phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua thành phố Hải Phòng và đoạn qua tỉnh Ninh Bình), báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) có chiều dài khoảng 109km, thuộc nhóm các tuyến đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc; với điểm đầu tại đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thành phố Ninh Bình, điểm cuối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
TP.HCM tiếp tục hút vốn từ Malaysia
Tin tức từ Trung tâm xúc tiến thương mại & đầu tư TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2023, Malaysia có thêm 5 dự án đầu tư được cấp mới vào thành phố với tổng số vốn đầu tư 427.000 USD.
Tính lũy kế đến hết quý 1-2023, Malaysia đã có 329 dự án đầu tư vào thành phố với tổng số vốn gần 4,9 tỉ USD đứng thứ 6 trên tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào thành phố.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 của thành phố và Malaysia ước đạt trên 5,4 tỉ USD tăng 8% so với năm 2021. Trong nhiều năm qua, TP.HCM luôn là địa phương dẫn đầu về vốn đầu tư của Malaysia tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam và Malaysia đều là thành viên của các hiệp định thương mại thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA).
Một cảnh sát giao thông hy sinh khi đang làm nhiệm vụ
Ngày 14-6, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nam, trong đó có thiếu tá Lương Thanh T., cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, đã tuần tra kiểm soát giao thông tại Km 122+700 QL21A thuộc địa phận xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, thiếu tá Lương Thanh Tuấn đã bị xe đầu kéo do Trần Văn Luyến, sinh năm 1980, trú tại xã Tân Hưng, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên điều khiển, đâm vào, làm đồng chí hy sinh.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Nam đang củng cố hồ sơ xử lý xử lý vụ việc.
Tin tức COVID-19: Ngày 14-6 ghi nhận 238 ca mới
Tin tức từ Bộ Y tế cho biết, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.618.422 ca COVID-19, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.413 ca).
Số bệnh nhân khỏi bệnh được công bố khỏi bệnh trong ngày: 140 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.639.641 ca.
Số bệnh nhân đang thở oxy là 26 ca. Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày 13-6 có 419 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.450.128 liều.
Một số tin tức đáng chú ý: Thêm 540MW điện tái tạo hòa lưới điện quốc gia; TP.HCM rà soát trụ quảng cáo trên đất công, đất giao thông; Nghiên cứu giải pháp giảm nhẹ thiên tai phía Nam...