Hội thảo M2M IoT do Tổng Công ty Viễn thông Viettel tổ chức diễn ra sáng nay 14/6 tại Hà Nội - sự kiện trao đổi về chủ đề nền tảng, hạ tầng kết nối và kinh nghiệm phát triển kinh doanh các thiết bị internet kết nối (IoT) kết nối máy với máy (Machine to Machine, M2M) với sự tham gia của các diễn giả kỹ thuật và kinh doanh IoT đến từ các tổ chức, doanh nghiệp: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Deloitte, GSMA, China Mobile…
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom phát biểu nêu rõ, trên thế giới hiện tại có gần 15 tỷ kết nối IoT, tức là mỗi người đang kết nối với gần 2 thiết bị thông minh qua internet.
"Nhưng tại Việt Nam, con số này còn đang rất thấp, chỉ khoảng 1/20 so với trung bình thế giới"- ông Tính chia sẻ.
Theo Deloitte, số người dùng thiết bị IoT tại Việt Nam hiện đạt dưới 4 triệu. Con số này dự kiến tăng lên gần 15 triệu vào năm 2027. Trong khi đó, thị trường ngay gần Việt Nam là Trung Quốc lại là nước có ngành IoT phát triển mạnh mẽ nhất thế giới.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Research and Market, quy mô thị trường IoT Việt Nam đạt khoảng 2,5 tỷ USD năm 2021 và tăng trưởng với tốc độ 22,6%/năm. Đến năm 2027, Research and Market dự báo quy mô thị trường IoT Việt Nam sẽ đạt khoảng 8,5 tỷ USD.
Các diễn giả tham gia hội thảo M2M IoT 2023.
Mặc dù thiết bị kết nối IoT ở Việt Nam còn thấp so với thế giới, tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom việc phổ cập thiết bị IoT tại Việt Nam có điểm tương đồng với phổ cập viễn thông cách đây gần 20 năm, khởi điểm ban đầu rất thấp (mật độ kết nối di động mới chỉ 5% dân số, nhưng chỉ sau tám năm đã đạt 100%), nhưng hiện nằm trong tốp các quốc gia phổ biến về viễn thông internet trên thế giới.
Do đó, lĩnh vực IoT được kỳ vọng cũng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bộ thiết bị IoT dùng trong smarthome được Rạng Đông được trưng bày tại sự kiện M2M IoT 2023.
Theo các chuyên gia, để đạt được mức độ phổ cập IoT, cần sự nỗ lực lớn hơn cũng như sự đồng hành, hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển giải pháp và cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Hội thảo cũng đưa ra sáng kiến thành lập Hiệp hội IoT Việt Nam để tập hợp những doanh nghiệp, tổ chức có chung ngành nghề, mục đích phát triển. Hiệp hội sẽ hoạt động thường xuyên tạo môi trường học hỏi, cùng nhau phát triển của các doanh nghiệp IoT.
“Lĩnh vực này sẽ là nguồn cảm hứng cho những ý tưởng kinh doanh cho các start-up, cũng là cơ hội để tăng trưởng, mở ra nguồn doanh thu mới trong tương lai cho mọi doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trọng Tính nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc chuyển đổi số Deloitte Đông Nam Á cho biết, nghiên cứu của Deloitte cho thấy đến năm 2027, tại Việt Nam sẽ có khoảng 14,8 triệu thiết bị kết nối IoT. Có rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam có tiềm năng để ứng dụng công nghệ IoT như năng lượng, giao thông vận tải, hậu cần và logistics, công nghiệp sản xuất và khai thác tài nguyên, ngành bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và cả các hoạt động của Chính phủ.
Deloitte đề xuất Việt Nam nên ưu tiên ứng dụng IoT vào trong các thiết bị điện, hỗ trợ kết nối các xe ô tô và xe tải hạng nặng, quản lý đội tàu, giám sát việc vận chuyển hàng hóa và thanh toán tại các cửa hàng.
Theo vị đại diện Deloitte, Việt Nam cũng cần nắm bắt xu hướng để đào tạo nhân lực với những kiến thức chuyên sâu sao cho phù hợp để đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải bắt tay nhau, tìm cách tạo ra thế “win-win” để cùng phát triển thị trường