Nhìn số cân nặng hiện tại chỉ 48kg, ít ai nghĩ rằng Diễm My (21 tuổi, TP.HCM) từng được gán mác cô gái "mũm mĩm", bởi trước khi giảm cân thì cân nặng của My đạt 67kg.
Tăng cân như 'tên lửa'
Tháng 5-2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, việc giãn cách xã hội khiến My bắt đầu học tập online tại nhà, không có thời gian vận động nhiều, mỗi bữa 'tiêu' hai chén cơm đầy, rồi ăn vặt, ăn đêm... cân nặng của My tăng không kiểm soát được, đỉnh điểm chỉ trong vòng 3 tuần cô tăng lên 8kg, bước lên cân đạt số... 67kg.
"Cân nặng tăng đột ngột, tôi cảm thấy bản thân ngày càng nặng nề, đùi bị rạn da và bắt đầu lo", My nói.
Đầu tháng 7-2021, My bắt đầu hành trình giảm cân, với mục tiêu giảm 22kg.
Cô gái bắt đầu ăn ít cơm lại, mỗi buổi chiều tập luyện đa dạng các môn thể thao đến tập nhảy từ 15-20 phút, đặc biệt chú ý đến những động tác giảm mỡ bụng.
"Lúc này mình vẫn ăn vặt, trong đầu nghĩ chỉ cần ăn ít cơm lại, siêng tập thể dục là có thể giảm cân nhanh. Tuy nhiên, gần nửa tháng cân nặng giảm rất ít, bụng thì dày cơ lên và mỡ vẫn còn", My cho hay.
Tự quản lý bản thân
Giữa tháng 7-2021, My thực sự bắt đầu hành trình giảm cân với chế độ ăn Low carb (chế độ ăn ít đường và tinh bột), đặc biệt là ưu tiên khoai lang để thay thế cơm hoặc dùng yến mạch thay cơm trắng.
Bên cạnh đó, My duy trì tập luyện các bài tập carido (bài tập đốt cháy kcal nhanh chóng) chú ý nhất đến việc tính kcal trong thức ăn, mức độ tiêu hao kcal mỗi ngày và hạn chế ăn vặt.
"Khoảng một tháng sau, mình cảm thấy bản thân bắt đầu có sự thay đổi, nhanh nhẹn hơn, không còn cảm thấy nặng nề, lười biếng nữa. Mình áp dụng chế độ ăn clean, hạn chế nạp đường và dầu ăn vào khẩu phần ăn, đồng thời kết hợp với gồng cơ bụng liên tục để thúc đẩy quá trình tạo thắt eo.
Mỗi bữa sáng mình có thể ăn uống hơi thoải mái một chút xíu, bữa trưa ăn rau củ, quả và trứng luộc. Duy trì tập luyện, đầu tháng 11 mình đã xuống hẳn 17kg", My cho hay.
Tiếp đó, My tập những bài tập nhẹ, đi bộ để xuống cân từ từ. Đến cuối tháng 11-2021, My thành công giảm được 22kg.
"Mình không tập theo lịch cố định, thường tập luyện theo những bài tập dạng dài từ 1 tiếng trở lên trên mạng", My cho hay.
Hiện tại, do tính chất công việc nên My duy trì cân nặng 48-49kg, My vẫn thường xuyên tập trung đi nhảy, tập gym để tăng cơ, giảm mỡ.
"Sau quá trình giảm cân, mình nhận ra rằng tập thể dục đều đặn giúp cho thể lực bản thân tăng lên nhiều, hiện mình cảm thấy rất khỏe, có nhiều năng lượng tích cực hơn", My cho hay.
Tốc độ giảm cân nên chậm và đều
PGS Lâm Vĩnh Niên - trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết chế độ ăn dư thừa tinh bột, đường đơn giản, dầu mỡ, nhất là chất béo bão hòa, dẫn đến phần năng lượng dư thừa được cơ thể tích trữ lại ở dạng mỡ, từ đó gây tăng cân.
Chế độ ăn trong những ngày "bình thường" nên được áp dụng nguyên tắc chế độ ăn lành mạnh, trong đó các chất dinh dưỡng gồm carbohydrate, chất béo, chất đạm được ăn với lượng phù hợp và cân đối, lưu ý ăn đầy đủ rau xanh (300-400g mỗi ngày).
Giảm cân quá nhanh dẫn đến mất khối cơ, mất nước, giảm chuyển hóa, thiếu chất dinh dưỡng, sỏi mật và nhiều nguy cơ sức khỏe khác. Tốc độ giảm cân nên chậm và đều (khoảng 0,5-1kg/tuần).
Giảm cân từ từ cũng giúp thay đổi thói quen ăn uống, duy trì cân nặng đã giảm lâu dài.
Các lưu ý để giảm cân lành mạnh, giữ được vóc dáng:
Giảm đường đơn giản (có trong bánh kẹo, nước ngọt…), tinh bột; ăn chậm; ngủ đủ giấc; luyện tập có đề kháng (giúp giữ khối cơ, chống lại tình trạng giảm chuyển hóa khi giảm cân), tập ngắt quãng cường độ cao…
Từ một chàng trai nặng 110kg, sau hai năm 'khổ luyện' giảm cân, anh Phan Hà Linh (37 tuổi, Hà Nội) chỉ còn 76kg. Điều khiến anh Linh vui mừng hơn cả không phải vì ngoại hình ưa nhìn hơn mà thấy bản thân khỏe mạnh hơn.