Đây là hoạt động "nóng" của lãnh đạo hai địa phương để thúc đẩy các dự án kết nối vùng, góp phần thực hiện nghị quyết 24 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Đồng thời, Chính phủ đang trình Quốc hội để thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Các dự án kết nối TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, trong đó có Bình Dương được kỳ vọng sẽ được thúc đẩy thuận lợi từ nghị quyết về cơ chế đặc thù này.
Trong cuộc làm việc ngày 15-6, đoàn khảo sát của TP.HCM và tỉnh Bình Dương khảo sát đường dẫn cao tốc TP.HCM - Chơn Thành tại thành phố Thủ Đức, nút giao Sóng Thần - Phạm Văn Đồng.
Sau đó, cơ quan chức năng hai địa phương họp, làm việc tại trụ sở UBND thành phố Dĩ An để bàn về tiến độ, giải pháp thúc đẩy các dự án kết nối vùng.
Trước đó, vào ngày 3-3, chủ tịch UBND bốn tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã họp bàn, thống nhất gặp gỡ thường xuyên để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh cho các công trình kết nối vùng, không chỉ trong giao thông mà còn các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác.
So với cuộc họp lần trước vào tháng 3-2023, tới nay địa bàn TP.HCM và Bình Dương đã có nhiều bước tiến mới về các công trình kết nối vùng.
Với dự án vành đai 3 TP.HCM, hiện các địa phương có dự án đi qua đã thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục để sẵn sàng khởi công dự án. Tại TP.HCM, dự kiến lễ khởi công vành đai 3 tổ chức vào ngày 18-6. Các tỉnh lân cận sẽ cùng tham dự.
Đối với Bình Dương, dự kiến sẽ khởi công hai công trình thuộc vành đai 3 là cầu Bình Gởi (vượt sông Sài Gòn, nối Bình Dương và TP.HCM) và nút giao Bình Chuẩn (nối giữa vành đai 3 và đường Mỹ Phước - Tân Vạn).
Hai dự án đường cao tốc mới nối Bình Dương và TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ là cao tốc TP.HCM - Chơn Thành và vành đai 4 TP.HCM qua địa bàn tỉnh cũng mới được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua.
Hai tuyến cao tốc nối Bình Dương và TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ vừa được HĐND tỉnh này biểu quyết gồm cao tốc TP.HCM - Chơn Thành và vành đai 4 đoạn Thủ Biên - sông Sài Gòn.