Kể từ tháng 3/2022, lãi suất cơ bản đã tăng từ con số 0 lên mức 5 - 5,25%, sau 10 lần tăng liên tiếp. Hiện là thời điểm có thể tạm dừng, nghỉ xả hơi khi đêm 14/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tạm dừng nâng lãi suất. Hiện lãi suất đang ổn định ở mốc 5 - 5,25%.
Thị trường vẫn được dự báo rằng trước khi kết thúc năm nay, FED sẽ có thêm 2 lần nâng lãi suất, với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm mỗi lần. Mục tiêu lãi suất cuối năm nay sẽ là 5,6%.
Mục tiêu này một lần nữa được khẳng định bởi Chủ tịch FED Jerome Powell tại cuộc họp báo mới nhất.
"Chúng tôi quyết định giữ nguyên lãi suất và tiếp tục giảm nắm giữ lượng chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. Trong năm nay, gần như tất cả các thành viên Ủy ban đều cho rằng có thể một số đợt tăng lãi suất nữa sẽ là phù hợp để đưa lạm phát giảm dần về mức 2%", Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell nhấn mạnh.
Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: CNBC)
Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi FED ngừng tăng lãi suất
Một cuộc marathon với nhiều kỷ lục FED đã tạo ra khi hơn 1 năm có tới 10 đợt nâng lãi suất. Vạch đích lãi suất của FED sẽ là 5,6%. Nếu làm 1 phép tính đơn giản, so với mức hiện tại lãi suất từ 5 - 5,25%, thì FED sẽ vẫn còn phải thêm 50 điểm cơ bản.
Lãi suất mục tiêu 5,6% FED đưa ra trong cuộc họp báo rạng sáng 15/6 đã làm thị trường khá giật mình. Chính bởi vậy, phản ứng tại Mỹ một ngày sau quyết định này là không mấy tích cực. Chứng khoán Phố Wall mở cửa ghi nhận sắc đỏ ở cả 3 chỉ số chính.
Nasdaq cho thấy mức giảm lớn nhất, khoảng 0,3%. Việc lãi suất còn tăng sẽ gây áp lực tới nhóm cổ phiếu công nghệ. Ngày 15/6 sẽ còn nhiều dữ liệu nhà đầu tư quan tâm về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp theo tuần hay doanh thu bán lẻ tháng 5 của Mỹ được công bố.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất, FED cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của FED, sẽ tăng tới 3,9% vào cuối năm nay, thay vì 3,6% dự báo đưa ra hồi tháng 3, có nghĩa lạm phát sẽ dai dẳng hơn.
Trong khi đó, thất nghiệp lại có xu hướng tăng chậm lại, thấp hơn FED dự tính, hết năm nay cũng chỉ là 4,1% so với mức 4,5% tính toán trước đó, tức là thị trường lao động vẫn rất tốt.
Rõ ràng, khi lạm phát khó đạt được mục tiêu, thị trường việc làm vẫn mạnh, FED có thể tự tin với lộ trình tăng lãi suất tiếp của mình sau một nhịp nghỉ trong tháng 6 để có thêm dữ liệu cũng như giảm áp lực lãi suất tăng lên các ngân hàng nhỏ.
Được biết, FED còn 4 cuộc họp chính sách từ nay đến cuối năm. Trong đó thị trường đang nghiêng về phương án là có 2 cuộc FED tăng lãi suất.
Lộ trình của FED
"Điều khiến thị trường ngạc nhiên nhất sau cuộc họp báo của Chủ tịch FED đó là cơ quan này chuyển sang cách tiếp cận "diều hâu", tức là cứng rắn hơn với thêm 2 đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.
Dù lãi suất sẽ còn tăng nhưng có thể một cuộc suy thoái của kinh tế Mỹ được dự báo từ lâu sẽ không xảy ra vào nửa cuối năm nay, mà là vào năm sau, do vậy đừng tin rằng sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất nào trong 2023.
Quá trình nới lỏng này sẽ diễn ra từ nửa đầu năm 2024 nhằm đối phó với suy thoái kinh tế tiềm tàng hoặc khi lạm phát giảm.
Lãi suất Mỹ năm sau có thể giảm từ mức 5,6% xuống 4,6%, tức là hạ 100 điểm cơ bản. Tuy nhiên đây là mức độ giảm tương đối khiêm tốn, chỉ bằng 1/5 con số FED đã tăng trong hơn 1 năm qua. Tăng nhanh nhưng giảm khá chậm.
Thị trường tin rằng, FED đang hướng tới nâng lạm phát mục tiêu cao hơn mức 2% đã được đặt ra trong 20 - 30 năm qua. Khi đó FED sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao trong một thời gian dài", Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Tập đoàn RSM tại Mỹ, cho biết.
ECB tăng lãi suất lần thứ 8 liên tiếp
Còn ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dù cũng có cuộc chạy đua marathon của riêng mình với 7 lần tăng lãi suất, nhưng để tìm ra một điểm để nghỉ lúc này thì chưa. Mới đây, ECB đã chính thức nâng lãi suất lần thứ 8.
ECB tăng thêm 0,25 điểm phần trăm, qua đó đưa lãi suất từ mức 3,25% lên 3,5%. Đây là mức lãi suất cao nhất trong 22 năm. Lạm phát tại khu vực Eurozone vẫn ở mức cao 6,1%, gấp 3 lần mức mục tiêu.
Trong khi đó, mức tăng giá cả, không gồm thực phẩm và năng lượng, chỉ mới bắt đầu chậm lại. Những yếu tố trên dự kiến sẽ khiến ECB tiếp tục lộ trình siết chặt tiền tệ.
Trụ sở của ECB ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: Reuters)
PBOC giảm lãi suất cho vay ngắn, trung hạn
Có thể thấy, ở những nền kinh tế phương Tây khi lạm phát còn quá cao, thị trường việc làm mạnh, việc lựa chọn tăng lãi suất trong chính sách tiền tệ là giải pháp hợp lý.
Còn ở những quốc gia lạm phát ổn định hơn, nhưng kinh tế đang chịu nhiều tác động bên ngoài khi độ mở của nền kinh tế lớn, theo các chuyên gia, việc hạ lãi suất, giúp kích thích sản xuất lại là lựa chọn được ưu tiên hơn.
Sáng 15/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất các khoản vay trung hạn (MLF) lần đầu tiên sau 10 tháng.
PBOC đã hạ 10 điểm cơ bản lãi suất đối với khoản vay kỳ hạn 1 năm đối với một số tổ chức tài chính từ 2,75% trước đó xuống 2,65%.
Trước đó 2 ngày, PBOC đã bất ngờ cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn thêm 10 điểm cơ bản. Sản lượng công nghiệp tháng 5 của Trung Quốc tăng trưởng thấp ít hơn dự kiến, khi các nhà máy lớn phải vật lộn với nhu cầu trong nước và nước ngoài suy yếu.
VTV.vn - Hiện FED đang có trong tay mọi thứ để có thể tự tin nói về chuyện tăng lãi suất tiếp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.63165902251603202-gnud-mat-def-auc-nohtaram-aud-couc/et-hnik/nv.vtv