Chẳng hạn vụ án bị cáo N.V.Q (tạm trú P.Long Trường, Q.9 - nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) bị TAND TP.Thủ Đức tuyên 6 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ.
Đang án treo, lại chuyển sang tù giam
Theo hồ sơ vụ án, trưa 1.1.2020, bị cáo N.V.Q đi dự tiệc tại KCX Linh Trung, Q.Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức), có uống rượu bia. Chiều cùng ngày, trên đường đi xe máy về nhà trọ thì N.V.Q bị Tổ tuần tra kiểm soát giao thông - Công an Q.9 (nay là TP.Thủ Đức) ra hiệu lệnh dừng xe, yêu cầu kiểm tra giấy tờ và đo nồng độ cồn. N.V.Q không chấp hành yêu cầu của tổ tuần tra, cự cãi và đòi lấy xe bỏ đi.
Lúc này, tổ tuần tra có 3 người, gồm các cán bộ chiến sĩ: Trần Quang Đại (tổ trưởng) ra hiệu lệnh dừng phương tiện, Nguyễn Xuân Về lập biên bản vi phạm và Nguyễn Vũ Trường Giang sử dụng camera quay phim. Do lo sợ bị ghi hình và đưa lên phương tiện truyền thông nên N.V.Q dùng tay phải chụp, giằng co chiếc camera trên tay chiến sĩ công an Giang, làm gãy bộ phận kết nối màn hình, hư hỏng camera. Đội CSGT - Công an Q.9 đã gọi điện yêu cầu Công an P.Long Thạnh Mỹ (Q.9) đến hỗ trợ. Qua kiểm tra, nồng độ cồn của N.V.Q đo được là 0,850mg/l khí thở. Đồng thời, căn cứ kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự UBND Q.9 xác định thiệt hại của camera là 5,1 triệu đồng.
Sau đó, TAND Q.9 tuyên bị cáo N.V.Q 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "cố ý làm hư hỏng tài sản". Tuy nhiên, sau bản án sơ thẩm, Viện KSND TP.HCM kháng nghị phúc thẩm cho rằng N.V.Q phạm tội "chống người thi hành công vụ".
Theo Viện KSND TP.HCM, bị cáo N.V.Q có biểu hiện vi phạm an toàn khi tham gia giao thông, nhưng không chấp hành hiệu lệnh của tổ tuần tra kiểm soát giao thông. Bị cáo đã có hành vi chống đối người thi hành công vụ (không xuất trình giấy tờ, không hợp tác đo nồng độ cồn) và mục đích của hành vi cầm nắm, giằng co máy camera của bị cáo N.V.Q là nhằm cản trở chiến sĩ cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ. Nên hành vi của bị cáo N.V.Q thỏa mãn yếu tố cấu thành tội "chống người thi hành công vụ". TAND TP.HCM xử phúc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TP.HCM, hủy án sơ thẩm để xét xử lại.
Xét xử lại, TAND Q.9 chấp nhận chuyển tội danh của N.V.Q từ "hủy hoại tài sản" sang "chống người thi hành công vụ", song tòa lại tuyên N.V.Q 6 tháng tù giam. Tháng 5.2021, N.V.Q kháng cáo xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm lần 2, đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa đánh giá TAND Q.9 áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để tuyên N.V.Q 6 tháng tù, mức khởi điểm của khung hình phạt là phù hợp. Nhưng kiểm sát viên nêu bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã chủ động bồi thường hậu quả, là lao động chính trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn có 2 con nhỏ (1 bé 9 tuổi, 1 bé 2 tuổi); bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có việc làm ổn định; ngoài lần vi phạm này không có hành vi vi phạm nào khác, có khả năng tự cải tạo, không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội. Vì vậy, kiểm sát viên cho rằng việc bị cáo được hưởng án treo không vi phạm Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và cũng thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với người biết ăn năn hối cải. Đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX phúc thẩm cho bị cáo được hưởng án treo.
Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm, buộc bị cáo N.V.Q chấp hành hình phạt tù 6 tháng.
Phạm tội trộm cắp lần đầu, tự nguyện bồi thường... vẫn tuyên án tù
Một vụ án khác tại TP.HCM, năm 2021, TAND Q.4 xử sơ thẩm tuyên bị cáo P.V.L 6 tháng tù về tội "trộm cắp tài sản".
Sau bản án sơ thẩm, bị cáo P.V.L kháng cáo xin được hưởng án treo. Đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Tuy nhiên, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vẫn y án sơ thẩm.
Theo hồ sơ vụ án, P.V.L do không tìm được việc làm nên nảy sinh trộm 3 điện thoại trong khu trọ, sau đó bán lấy tiền tiêu xài. Quá trình điều tra, P.V.L đã nộp hơn 5 triệu đồng - là tiền do bán điện thoại mà có, đồng thời chỉ địa điểm cho cơ quan điều tra thu hồi được 2 điện thoại mà P.V.L đã bán. Do điện thoại đã trả lại cho người bị hại nên các chủ sở hữu điện thoại không yêu cầu bị cáo P.V.L bồi thường.
Bản án sơ thẩm tuyên P.V.L 6 tháng tù. Viện trưởng Viện KSND TP.HCM kháng nghị cho bị cáo P.V.L được hưởng án treo.
Cụ thể, viện kiểm sát phân tích bị cáo cùng gia đình tự nguyện thỏa thuận bồi thường cho người bị hại, nhưng bản án sơ thẩm không áp dụng tình tiết giảm nhẹ "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự là có thiếu sót. Bị cáo P.V.L khi thực hiện hành vi phạm tội chưa đủ 18 tuổi, phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, tài sản đã thu hồi trả cho bị hại, gia đình bị cáo đã tự nguyện bồi thường cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 điều 51 bộ luật Hình sự; bị cáo P.V.L có nơi cư trú rõ ràng, bản thân chưa có tiền án, tiền sự, có đủ điều kiện được hưởng án treo quy định tại điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, và việc cho bị cáo được hưởng án treo vẫn đủ sức răn đe, giáo dục riêng đối với bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.
Tuy nhiên, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã y án sơ thẩm... (còn tiếp)