Từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, với tổng mức giảm sau 3 lần là 0,5 - 1,5%/năm tùy loại.
Gần 20 ngân hàng trong nước đã giảm mặt bằng lãi suất, cả huy động và cho vay trong một tháng vừa qua.
Giới phân tích cho rằng, mặt bằng lãi suất có khả năng hạ thêm trong thời gian tới. Bởi quyết định tạm dừng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tạo tiền đề quan trọng để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những cơ chế điều chỉnh lãi suất linh hoạt hơn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và kiểm soát lạm phát.
"Chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt liên quan đến 3 lần hạ lãi suất, lãi suất liên ngân hàng đang ở mức thấp. Liên quan đến lạm phát, trong 5 tháng đầu năm, lạm phát đâu đó chỉ khoảng 2,4% so với cùng kỳ. Áp lực tỷ giá thì không đáng ngại. Tổng hòa những yếu tố như vậy, tôi cho rằng lãi suất sẽ có xu hướng chủ đạo giảm tiếp, dù tốc độ nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố", anh Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam, nhận định.
Gần 20 ngân hàng trong nước đã giảm mặt bằng lãi suất, cả huy động và cho vay trong một tháng vừa qua. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Chúng tôi đánh giá việc giảm lãi suất cho thời gian tới là có. Tuy nhiên, với những lãi suất điều hành hay lãi suất huy động, dư địa để giảm không còn quá nhiều. Bởi vì thời điểm hiện tại, 2 loại lãi suất đó, mặt bằng đã về thấp hơn và ngang bằng mặt bằng trước dịch COVID-19. Với lãi suất cho vay, cái mức độ giảm sẽ lớn hơn. Trong các tháng đầu năm vừa qua, mức giảm cho lãi suất cho vay vẫn chưa nhiều", chị Hoàng Thị Minh Huyền, Chuyên viên Phân tích Kinh tế vĩ mô, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, đánh giá.
Ngoài ra, khi áp lực tăng giá với đồng USD trên thị trường thế giới dịu bớt, cũng sẽ giảm bớt sức ép với điều hành tỷ giá trong nước. Tỷ giá trung tâm ngày 15/6 được Ngân hàng Nhà nước tăng thêm 4 đồng, giao dịch ở các ngân hàng thương mại khá ổn định.
Các chuyên gia cho rằng, cung - cầu ngoại tệ trong nước có một số yếu tố hỗ trợ từ nguồn kiều hối và giải ngân vốn FDI. Trong nửa đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cũng bổ sung dự trữ ngoại hối hơn 6 tỷ USD. Đây là cơ sở quan trọng để ổn định tỷ giá trong nước.
"Tỷ giá Việt Nam trong bối cảnh áp lực bên ngoài giảm bớt, bên trong với cán cân thương mại vẫn duy trì ở mức thặng dư khá lớn với 5 tháng đầu năm là 10 tỷ USD. Thêm vào đó, cán cân dịch vụ thâm hụt cũng giảm bớt đi trong năm nay. Đồng thời, ngoại hối vẫn tăng trưởng đều. Những yếu tố này sẽ hỗ trợ cho tỷ giá trong năm nay. Như vậy, năm 2023 chúng tôi đánh giá tỷ giá đồng VND sẽ ổn định hơn nhiều so với năm 2022 và quanh mức 2%", chị Hoàng Thị Minh Huyền, Chuyên viên Phân tích Kinh tế vĩ mô, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, khi mức lãi suất tại Mỹ được dự đoán vẫn còn có thể tăng thêm 2 lần trong năm nay. Trong khi áp lực lạm phát khiến nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn chưa dừng tăng lãi suất.
VTV.vn - Cùng với việc giữ nguyên lãi suất, các quan chức Fed đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 lên mức 1%, từ mức 0,4% đưa ra hồi tháng 3.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!