Đầu tuần này chính quyền Tổng thống Joe Biden thêm 31 thực thể Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, ngăn họ tiếp cận các linh kiện và công nghệ của Mỹ.
Chưa dừng ở đó, báo Financial Times đưa thông tin các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang lao đao khi các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy.
Giá trị vốn hóa tụt sâu
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung và sự phục hồi kinh tế không ổn định của Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ồ ạt cổ phiếu ngay cả của những gã khổng lồ Internet Trung Quốc như Tencent và Alibaba, đồng thời do dự đầu tư vào những công ty khởi nghiệp có tiềm năng nhất của Trung Quốc.
Cách đây hai năm, nền tảng giải trí trực tuyến Bilibili của Trung Quốc được định giá 54 tỉ USD, khi các nhà đầu tư Phố Wall đổ xô đặt cược vào "ngôi sao" công nghệ đang lên này.
Nhưng hiện nay giá trị vốn hóa thị trường của Bilibili niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq (Mỹ) đã giảm xuống còn khoảng 6,5 tỉ USD, dẫn đến việc công ty phải cắt giảm mạnh chi phí.
Theo dữ liệu của S&P Capital IQ, kể từ đầu đại dịch COVID-19 đến nay, 10 tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đã mất tổng cộng 300 tỉ USD giá trị thị trường, còn các công ty tương tự ở Mỹ đã tăng thêm gần 5.000 tỉ USD vốn hóa.
Ngay từ năm ngoái, Ngân hàng JPMorgan Chase đã gắn mác các cổ phiếu Internet Trung Quốc là "không thể đầu tư".
Ontario Teachers' Pension Plan, quỹ hưu trí lớn thứ ba của Canada, đã đầu tư gần 1 tỉ USD vào cổ phiếu của Công ty Alibaba và Tencent hai năm trước. Nhưng hiện nay cả hai công ty Trung Quốc này đều không được xếp vào danh sách các khoản đầu tư hàng đầu của quỹ này.
Tỉ phú Mỹ Warren Buffett đã âm thầm bán hơn một nửa cổ phần của mình trong tập đoàn ô tô điện Trung Quốc BYD trong năm qua. Ông Buffett đã mua và sau đó cũng nhanh chóng bán lượng lớn cổ phiếu TSMC, nhà sản xuất chip Đài Loan, trong năm nay trong bối cảnh tình hình nóng quanh eo biển Đài Loan.
Nhà chiến lược Winnie Wu tại Ngân hàng Mỹ (Bank of America) nhận định tương lai không có vẻ tươi sáng đối với các công ty Internet Trung Quốc.
Bà giải thích: "Các cổ phiếu và lĩnh vực từng được các nhà đầu tư nước ngoài tích cực nắm giữ đang phải đối mặt với chi phí vốn cao hơn và đánh giá thấp hơn".
Với tình trạng suy thoái, các công ty công nghệ Trung Quốc đã ưu tiên mua lại cổ phiếu của chính mình và cắt giảm chi phí. Tập đoàn Alibaba đã chi số tiền lớn mua lại cổ phiếu trong năm qua và cắt giảm 24.000 vị trí. Nhân viên công ty cho rằng việc Alibaba tiếp tục chia thành sáu công ty con sẽ kéo theo mất việc làm nhiều hơn nữa.
Giá trị vốn hóa tụt sâu là vấn đề nghiêm trọng hơn cả với các công ty nhỏ hơn và chưa có lợi nhuận như Bilibili. Nhân viên công ty này cho biết ban lãnh đạo đã cắt giảm tiền thưởng và sa thải, đồng thời cắt giảm các mảng kinh doanh trong nỗ lực để hòa vốn.
Bắc Kinh tố Mỹ chèn ép
Khó khăn với ngành công nghệ Trung Quốc chưa dừng ở đó. Theo Thời báo Hoàn Cầu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đến nay Mỹ đã thêm hơn 1.200 thực thể và cá nhân Trung Quốc vào nhiều "danh sách đen", khiến họ phải chịu nhiều hạn chế khác nhau. Bắc Kinh gọi đây là "sự cưỡng ép kinh tế" không thể chấp nhận được.
Đầu tuần này, Chính phủ Mỹ đã thêm 43 thực thể vào danh sách kiểm soát xuất khẩu (Danh sách thực thể), cáo buộc các thực thể này đào tạo cho các phi công quân sự Trung Quốc và hỗ trợ các hoạt động khác đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Trong số này, 31 thực thể đến từ Trung Quốc, còn lại là các nước khác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân liền chỉ trích quyết định trên. Hôm 13-6, ông Uông cho rằng để duy trì quyền bá chủ về quân sự và công nghệ của mình, Mỹ đã chèn ép các công ty Trung Quốc đến mức "cuồng loạn và vô đạo đức".
Đặc biệt, truyền thông Trung Quốc cho biết ngành công nghệ nước này đang săn tìm chip tiên tiến để thực hiện tham vọng trí tuệ nhân tạo (AI) của họ trong lúc mối quan tâm xung quanh công cụ ChatGPT ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhu cầu tăng và các biện pháp hạn chế thương mại do Mỹ dẫn đầu đã hạn chế nguồn cung.
Trong bài bình luận đăng hôm 13-6, tờ Kinh Tế Nhật báo của Chính phủ Trung Quốc nhận định lĩnh vực AI của nước này đang bị "nghẹt thở" do thiếu các đơn vị xử lý đồ họa GPU, mạch tích hợp cỡ lớn FPGA, mạch tích hợp chuyên dụng ASIC và chip tăng tốc.
Không chỉ lĩnh vực công nghệ, Trung Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu suy giảm và lĩnh vực bất động sản gặp khủng hoảng.
Trong nỗ lực kích thích phục hồi kinh tế, ngày 15-6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất của các khoản vay chính sách trung hạn lần đầu tiên sau 10 tháng, từ 2,75% xuống 2,65%, khi nước này tăng cường các biện pháp kích thích để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
Ngày 12-6, Hàn Quốc cho biết đã truy tố một cựu giám đốc điều hành (CEO) Công ty Samsung Electronics vì nghi ngờ đánh cắp công nghệ để xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc.