Trên giường bệnh Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (TP Buôn Mê Thuột) ngày 15/6, toàn thân thượng úy Đàm Đình Bốp (Phó Công an xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) chi chít dây thở, ống hút dịch, truyền thuốc...
Anh Bốp và đại úy Lê Kiên Cường bị trọng thương, may mắn sống sót sau cuộc tấn công của nhóm người có vũ trang vào trụ sở UBND xã Ea Ktur, rạng sáng 4 hôm trước. Đồng đội của các anh - thiếu tá Hoàng Trung và đại úy Nguyễn Đăng Nhân đã hy sinh.
Khoảng 1h ngày 11/6, anh Bốp nhận được điện thoại lạ, giọng đàn ông nói "anh về trụ sở, có người dân đến trình báo". Phó Công an xã lái ôtô riêng quay về cơ quan.
Vừa đến sân trụ sở (chung khu vực với UBND xã Ea Ktur), anh Bốp thấy một nhóm người chạy lại, nên hạ kính xe, hỏi "có chuyện gì?". "Tôi chưa dứt câu thì bị một người đâm, chém liên tiếp", anh Bốp kể. Những kẻ khác hét lớn "giết nó đi", ném nhiều bom xăng vào trong ôtô. Anh Bốp nhảy sang ghế phụ, đạp cửa xe, ôm vết thương ở bụng chạy về phía sau trụ sở.
Camera an ninh tại đây ghi nhận, lửa bùng lên trong ôtô, anh Bốp lao ra với hai ống quần bốc cháy. Thượng úy ôm chặt vết thương cho đỡ mất máu, chạy vào vườn cà phê gần đó rồi dần rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Trước khi anh ngất lịm, xung quanh là tiếng la hét, chân người chạy dồn dập. "Khi tỉnh lại tôi nghe thấy tiếng mấy anh em ở xã nên cố gắng kêu cứu", anh Bốp kể.
Anh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên lúc gần 3h, trong tình trạng bị hai vết đâm, chém ở bụng, mất nhiều máu, bỏng hai chân.
"Đau đớn thể xác không thể so với nỗi đau mất anh em, đồng đội", thượng úy Đàm Đình Bốp nói, ứa nước mắt.
Ở giường bệnh cạnh bên, đại úy Lê Kiên Cường đã hồi phục sau khi được các bác sĩ lấy viên đạn khỏi ngực. Tuy nhiên, viên đạn cũng làm gãy nhiều xương sườn nên mỗi lần trở mình anh lại nhăn mặt vì đau.
Anh kể, đêm đó, sau một ngày làm việc mệt nhoài, anh cùng thiếu tá Hoàng Trung và đại úy Nguyễn Đăng Nhân ngủ ở giường tầng trong căn phòng nhỏ trên lầu trụ sở - cách chỗ anh Bốp bị tấn công hơn chục mét. Anh nằm tầng trên cùng, hai đồng đội nằm hai tầng dưới. Khi nhóm người lạ ập vào nổ súng, anh trúng đạn mà không kịp phản ứng, tỉnh dậy thấy ở trong bệnh viện.
Kề cận chăm sóc chồng những ngày qua, chị Hiệp (31 tuổi) cho biết các bác sĩ vẫn phải hút dịch cho anh Cường liên tục, bị bắn vào vị trí gần phổi nên anh nói chuyện rất khó khăn. "Anh ấy may mắn thoát chết, vết thương giờ cũng đã ổn, nhưng khi có bạn bè đến thăm, nhắc đến các đồng đội hy sinh thì anh ấy lại khóc", chị Hiệp nói.
Nhóm vũ trang không chỉ sát hại hai cán bộ Công an xã Ea Ktur mà còn tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu, sát hại thiếu tá Trần Quốc Thắng và đại úy Hà Tuấn Anh. Chúng ra đường chặn bắn người dân khiến 5 nạn nhân tử vong (trong đó có Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ea Ktur Nguyễn Văn Kiên và Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu Nguyễn Văn Dũng), làm 2 người khác trọng thương.
Ngay sau sự việc, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đăk Lăk, các đơn vị nghiệp vụ phối hợp nhiều lực lượng truy bắt nhóm nghi can. Đến sáng 14/6, có 46 người bị tạm giữ (trong đó có 3 người tự thú), đa số ngụ tại Đăk Lăk.
Trong bản tin của VTV tối 13/6, nghi phạm Y Chanh Niê khai được "ông chủ" hứa hẹn cho cuộc sống giàu sang, dặn "cứ thấy người là giết, xả súng". Y Tim Niê cho biết được chỉ đạo "thấy chỗ nào có người là phải bắn hết", còn Y Măn Miô nói được "người cầm đầu bảo đứng canh giữ, nếu người dân không làm theo là đâm".
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, đánh giá nhóm nghi phạm thực hiện hành vi "có tổ chức, rất manh động, liều lĩnh, man rợ và mất nhân tính".
Theo quyết định ngày 12/6 của Thủ tướng, các liệt sĩ được cấp bằng Tổ quốc ghi công gồm: thiếu tá Hoàng Trung, đại úy Nguyễn Đăng Nhân, thiếu tá Trần Quốc Thắng, đại úy Hà Tuấn Anh, ông Nguyễn Văn Kiên và ông Nguyễn Văn Dũng.
Quốc Thắng
Xem thêm: lmth.6737164-kal-kad-o-gnoc-nat-couc-iohk-taoht-ax-na-gnoc-ohp-auc-ek-iol/ten.sserpxenv