vĐồng tin tức tài chính 365

Những chuyến xe đò về miền kỷ niệm thương nhớ - Kỳ 2: Những chuyến xe đò nối biển với núi rừng

2023-06-16 12:20
Một chuyến xe đò tuyến Đà Lạt đi các tỉnh thập niên 1990 - Ảnh tư liệu

Một chuyến xe đò tuyến Đà Lạt đi các tỉnh thập niên 1990 - Ảnh tư liệu

Đèo tên là Ngoạn Mục (Sông Pha), nhưng đây lại là lộ trình "trần ai" đến thót tim và sặc sừ, nhất là phải đi trên những chiếc "xe ca" cũ nát liên tỉnh.

Miễn sao có xe để đi

Cha tôi nhấc bổng chiếc xe đạp cà tàng để anh lơ kéo nó lên buộc trên mui xe. Mui xe chất đầy những thúng giỏ đan tre và lu đựng cá mắm, trái cây... từ vùng đồng bằng duyên hải chở lên cao nguyên Đà Lạt.

Chiếc xe đò thời bấy giờ không còn chạy bằng than, nhưng "chất lượng dịch vụ" xe khách xem ra không khá hơn.

Làm sao quên được không gian những chiếc xe ca luôn ngập trong một hỗn hợp mùi của xăng, của trái cây thối, của cá mắm, của hàng trăm thứ lưu cữu... khiến bất cứ ai mắc chứng say xe sẽ chực nôn ói ngay từ khi vừa bước chân lên.

Nhồi nhét, đó là thực tế mà tôi phải chấp nhận. Những băng ghế có thể nhồi người gấp đôi, thậm chí gấp ba số chỗ.

Người buôn chuyến thì quen rồi, ngồi xích vô, xích ra, thóp bụng, nghiêng vai, thậm chí người này ngồi trên đùi người kia... miễn sao cùng nhau đi qua một đoạn gian nan để tới nơi cần tới.

Trên mui xe, có khi là những chiếc lồng heo, gà kêu rát cả tai. Cái cảnh này ít nhiều gợi nhớ về chuyến xe đi tìm "đất hứa" của gia đình tôi năm nào trên một chiếc xe chạy bằng than.

Trải qua một cái mốc có tính bản lề của thời đổi mới - cái xe than đã được thay bằng xe xăng, nhưng đời những kẻ phiêu dạt trên những cung đường liên tỉnh xem ra hãy còn nhọc nhằn không kém. Trên xe, dân tứ chiếng tôi gặp vẫn ăn nói bỗ bã, vừa thô tục lại vừa hào hiệp.

Họ thương thằng tân sinh viên sặc sừ ói ra mật xanh mật vàng khi xe leo qua khúc ngoặt cùi chỏ thứ nhất trên đèo Ngoạn Mục. Họ ngồi chật một chút để cho chàng thư sinh ốm đói được thoải mái. Họ xức dầu xanh và lấy quạt ra quạt phành phạch.

Mùi hôi xe và mùi hôi nách, mùi dầu xanh và mùi dịch ói của những người tội nghiệp chưa quen đi đường đèo... và dĩ nhiên, cả tiếng ói ọe trở thành một nỗi ám ảnh trên con đường 18 cây số ngoằn ngoèo đèo dốc trên chiếc xe đánh lái liên tục.

Kiểu xe đi đèo của dân buôn chuyến thời kỳ này không còn cái cảnh đứng chen chúc trong thùng xe như xe đò thời chạy than. Nhưng không chen đứng thì cũng chen ngồi. Trong những chiếc xe 16, 24 chỗ đã có ghế da, có khi hầm hập hơi người.

Anh lơ sẽ là người bắt khách dọc đường. Anh thường xuyên thò đầu qua cửa phụ la "quẹo dô... queo dô..." trong khi tài xế thì nhấn còi inh ỏi mỗi lúc phát hiện có khách đứng bên đường vẫy vẫy tay.

Anh ta sẽ phóng xuống đường, tay vừa nhấc đồ cho khách, vừa thỏa thuận giá. Một màn thu thập thông tin nơi đến và trả giá chóng vánh, nếu khách gật đầu thì liền bị anh lơ bị lùa ngay vào xe.

Có nhiều lúc thỏa thuận giá chưa xong nhưng anh lơ đã lùa khách lên và xe lăn bánh, đi được một đoạn, tới khi thu tiền thì khách không đồng tình, hậm hực đòi bước xuống... Nhiều khách bị trả dọc đường bực bội nhưng đành phải chờ chuyến xe khác (không chắc khá hơn!).

Cái kiểu "giao dịch dân sự" có màu sắc chợ đen này phóng chiếu một một phần kỳ lạ trong đời sống kinh tế của thời kỳ vừa đổi mới.

Một bến xe Đà Lạt giờ không còn nữa - Ảnh tư liệu

Một bến xe Đà Lạt giờ không còn nữa - Ảnh tư liệu

Một nhân quần lắc lư...

Người đi buôn chuyến ở cung đường Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang ngày ấy, thì thường thuộc nằm lòng từng nhà xe, nên dễ chủ động đi lại. Tài xế, lơ xe cũng quen mặt từng người buôn chuyến vì họ gặp nhau hằng ngày.

Nhưng với những cô cậu sinh viên mặt búng ra sữa lần đầu mới dò dẫm bước ra khỏi nhà, thì lên xe là chấp nhận đủ thứ thiệt thòi. Thiệt thòi lớn nhất là thường bị mấy anh lơ xấu tính hét giá trên trời mà không biết cách trả treo, cả chuyện đang đi xe này thì bị lùa sang xe khác do tài xế bất ngờ... đổi tuyến.

Kiểu "sang xe" này thường dễ gặp khi xe đi tới những bến nhỏ ở Dran, Phi Nôm, xe đột ngột "quẹo" về Đức Trọng hay Bảo Lộc. Vậy là khách bị "bán" cho nhà xe khác.

Chặng đường chưa đầy 80 cây số từ nhà quê lên Đà Lạt vậy mà có khi anh sinh viên ngơ ngác bị "bán" đến hai lần...

Nhưng như vậy vẫn không đáng lo bằng những hiểm nguy luôn rình rập. Có nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đèo Ngoạn Mục, do đường sá khúc khuỷu, các xe lại thường tranh nhau chạy để vớt khách dọc đường dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm.

Mỗi lần tôi về thăm nhà, ngang qua con đèo này, lại thấy ven đường mọc lên những am mới. Trong khung cảnh đèo núi hoang vu, thấp thoáng những am miếu cô lẻ chờn vờn giữa sương lạnh làm sao khỏi rùng mình ớn lạnh.

Thế nên mới hiểu tại sao tài xế đi xe khách cung đường này, dù có dày dặn sương gió đến đâu, cũng ít nhất mỗi chuyến một lần dừng xe xuống thắp hương khấn cho một cái am nào đó rồi mới yên tâm cầm lái.

Những năm học ở Đà Lạt, cậu sinh viên liên tục về thăm nhà trên những chuyến xe đò Đà Lạt - Nha Trang, dần dần quen với các cung đường, quen với sự nhọc nhằn trong di chuyển, thì không còn cái cảnh bước vào xe phải xin anh lơ mấy túi ni lông thủ sẵn để nôn, không còn thấy khó chịu vì các bà đi buôn nói quá nhiều và văng tục quá gắt hay thứ nhạc mà anh tài xế mở thường quá mức ồn ào...

Cậu sinh viên phố núi cũng cảm thấy dễ chịu hơn với việc xe đón khách dọc đường vì không đâu xa lạ, họ cũng chính là hình ảnh và tình cảnh của mình.

Một xã hội tự quản trong chiếc xe đò cũng kỹ hôi hám được sắp xếp và quy định bởi anh lơ bỗ bã và bác tài lạnh lùng, thoạt nhìn có vẻ chật chội nhưng nghĩ lại, nhiều khi cũng nghiệm ra được những bài học của lòng bao dung, tinh thần chung sống của những người tứ chiếng.

Tuyến xe đò liên tỉnh nối cao nguyên Đà Lạt với duyên hải Ninh Thuận, Khánh Hòa qua đèo Ngoạn Mục có thể nói là tuyến đặc thù nhất của lộ trình giao thông theo đường ngang trên bản đồ chữ S ở vùng đoạn Nam Trung Bộ.

Những cung đường ngắn, dốc đèo hiểm trở nhưng mang trên mình sứ mệnh huyết mạch của một thời kỳ không nhiều chọn lựa. Xe đò xuôi đèo thường chở lagim, các loại nông sản xứ lạnh miền cao, ngược đèo thường chở cá mắm, muối và thổ sản vùng biển.

Một hỗn hợp mùi hôi lưu cữu trên những ghế ngồi, sàn xe... rất đặc trưng. Các chuyến hàng cứ thế ngược xuôi. Cậu sinh viên vẫn đứng bên đường vẫy vẫy mong tìm một chỗ đi qua cung đường nhọc nhằn này.

Vậy đó, mà chòng chành lắc lư qua đèo...

Khách trên xe bị nhồi nhét thì hết nghiến răng chịu đựng sẽ quay qua càu nhàu than vãn với tài xế, dọa không bao giờ đi xe này nữa. Nói thì nói vậy, chứ xe cộ thời đó còn khó khăn, ai cũng hiểu qua sông thì phải lụy đò. Ai cũng chịu khó sao cho được việc.

---------------------

Chiếc xe đò đã gắn bó da diết với thời đi học của tôi, từ khi rời trường làng về trường huyện rồi lên trường tỉnh. Hết ba năm trung học lại thêm bốn năm đại học, có thể gọi đó là quãng đời ròng rã xe đò, tàu chợ. Mỗi tuần đều đặn hai chuyến, lên Huế - về Truồi.

Kỳ tới: Xe đò đưa tôi đến “kinh kỳ sáng chói”

Chuyến xe than cuối cùng của đêm trước đổi mớiChuyến xe than cuối cùng của đêm trước đổi mới

Những người đứng tuổi chắc vẫn chưa quên cảnh chực chờ ở bến xe để có tấm vé hiếm hoi xuôi về miền Tây hay lên Tây Nguyên, ra miền Trung nắng gió. Có cả chuyến xe than...

Xem thêm: mth.28815646061603202-gnur-iun-iov-neib-ion-od-ex-neyuhc-gnuhn-2-yk-ohn-gnouht-mein-yk-neim-ev-od-ex-neyuhc-gnuhn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những chuyến xe đò về miền kỷ niệm thương nhớ - Kỳ 2: Những chuyến xe đò nối biển với núi rừng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools