Sự kiện do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp với báo Tuổi Trẻ và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM cùng một số bộ, ngành, các ngân hàng thương mại, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia kinh tế… Quy mô khoảng 400 khách mời.
Hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh - thúc đẩy phát triển xã hội" sẽ tập trung vào những nội dung: vai trò và tầm quan trọng của kết nối dữ liệu trong thanh toán thông minh, đồng thời đưa ra các vấn đề cần giải quyết.
Mục tiêu là để tích hợp, kết nối, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống, các ngành, lĩnh vực, hình thành hệ sinh thái ngân hàng số nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp thanh toán thông minh, dịch vụ thanh toán đổi mới, sáng tạo, cung cấp dịch vụ đa tiện ích cho người dân.
Hội thảo có hai phiên thảo luận: Phiên một với chủ đề "Kết nối dữ liệu, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt". Phiên hai với chủ đề "Thúc đẩy thanh toán thông minh mang lại lợi ích cho xã hội".
Đây cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp, các chuyên gia cùng tham gia thảo luận các nội dung và vấn đề cụ thể, hướng đến những giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Ngay sau hội thảo, chiều tối 16-6 sẽ khai mạc Lễ hội Không tiền mặt - Cashless Town tại đường Lê Lợi, quận 1, TP.HCM (từ giao lộ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến gần chợ Bến Thành). Đây là điểm nhấn quan trọng của chuỗi sự kiện năm 2023, kéo dài 3 ngày: 16, 17 và 18-6-2023.
Khoảng 20% dân số Việt Nam có tài khoản MB
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là điển hình cho một ngân hàng chuyển đổi số thành công và đang dẫn đầu thị trường hiện nay. Nhà băng này đã ghi nhận tỉ lệ giao dịch qua kênh số đạt tới mức 95% và quy mô giao dịch thuộc top đầu Việt Nam.
MB là một trong những nhà băng có tăng trưởng lượng khách hàng mới ấn tượng nhất trong năm vừa qua nhờ chuyển đổi số. Nhờ đó, năm 2022 MB đã thu hút hơn 7 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng của ngân hàng lên hơn 20 triệu, tức khoảng 20% dân số Việt Nam có tài khoản MB.
Năm 2023, MB tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng, đưa số lượng khách hàng lên khoảng 25-27 triệu. Năm 2026, MB tham vọng sẽ chinh phục mốc 30 triệu khách hàng.
Ông Phạm Như Ánh, tổng giám đốc MB, nhấn mạnh mục tiêu của MB không chỉ là một ngân hàng số hóa mà xác định đến năm 2026 trở thành doanh nghiệp số.
Nỗ lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ để thúc đẩy giao dịch trên kênh số
Ông Đỗ Quang Vinh - phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc SHB - chia sẻ, ngân hàng này luôn nỗ lực để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ để thúc đẩy giao dịch trên kênh số tăng trưởng mạnh mẽ.
Trên hệ thống hiện tại (SHB Mobile và SHB Online), ngân hàng vẫn liên tục cho ra mắt nhiều sản phẩm tài chính mới như vay cầm cố sổ tiết kiệm online, VietQR code, thấu chi online…
"Riêng đối với thấu chi online, sau hơn 1 năm triển khai sản phẩm này, tỉ lệ khách hàng mở thấu chi trên kênh số chiếm tới hơn 80% tổng khách hàng mở thấu chi không tài sản đảm bảo tại SHB.
Sản phẩm mang đến cho khách hàng trải nghiệm "zero" hồ sơ, thủ tục và chỉ sau 2 phút là đã có hạn mức thấu chi để chi tiêu. Đây là sản phẩm mũi nhọn mà SHB sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp trong thời gian tới" - ông Vinh cho hay.
Không chỉ có vậy, SHB còn tiếp tục mở rộng liên kết trong và ngoài hệ sinh thái như kết nối với hơn 70 nhà cung cấp bán lẻ và dịch vụ như điện, nước…, mang đến những lựa chọn đa dạng và đáp ứng nhanh nhất nhu cầu tài chính của khách hàng.
Người dân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip để thanh toán
Ông Nguyễn Thanh Tùng, tổng giám đốc Vietcombank, cho biết phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng là mục tiêu chuyển đổi số của ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đối với Vietcombank, thời gian qua ngân hàng này đã cung ứng những sản phẩm dịch vụ, làm cầu nối thúc đẩy khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ số, góp phần thanh toán không dùng tiền mặt.
"Vietcombank như một đại công trường triển khai các dự án chuyển đổi số. Những sản phẩm trên kênh số đã được đầu tư rất bài bản nhằm mang lại gia tăng trải nghiệm, những tiện ích nhất cho người dân.
Đặc biệt hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Vietcombank đang quyết liệt đang triển khai kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để người dân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip là công cụ đi thanh toán" - ông Tùng cho biết.
Ứng dụng căn cước công dân gắn chip với giao dịch số tại BIDV đạt giải xuất sắc
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Ngọc Lâm, tổng giám đốc BIDV, cho biết hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện trên kênh số. Để có được con số ấn tượng này, BIDV đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ. Nhờ đó, 9 sản phẩm ứng dụng của BIDV vừa được vinh danh tại lễ công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2023.
Trong đó, ứng dụng căn cước công dân gắn chip với giao dịch số tại BIDV là sản phẩm xuất sắc được công nhận TOP 10 Giải thưởng Sao Khuê 2023 trong lĩnh vực Công dân số.
Việc xác thực và đối chiếu thông tin qua căn cước công dân gắn chip giúp giao dịch tài chính của khách hàng được thực hiện đơn giản, thuận tiện, an toàn, nhanh chóng và hoàn toàn tự động.
Đồng thời, căn cước công dân gắn chip hỗ trợ ngân hàng trong quá trình xác thực khách hàng, giảm thời gian tác nghiệp của cán bộ, loại bỏ các rủi ro giả mạo, sai sót trong quá trình tác nghiệp so với kiểm tra đối chiếu chứng minh nhân dân thông thường.
VPBank NEO nhận diện khách hàng bằng khuôn mặt, vân tay khi giao dịch
Theo VPBank, tỉ lệ khách hàng cá nhân giao dịch trên ngân hàng số VPBank NEO chiếm 99% số lượng giao dịch toàn ngân hàng. Kết quả này đến từ nỗ lực không ngừng của VPBank trong đầu tư, tiên phong đưa ra thị trường các dịch vụ và giải pháp gia tăng trải nghiệm, tối ưu hơn nữa lợi ích cho khách hàng.
Điển hình như ở giải pháp đi đầu thị trường trong ứng dụng công nghệ eKYC - mở tài khoản online.
Tiếp đến là xây dựng ứng dụng ngân hàng số toàn năng - VPBank NEO. Ứng dụng tích hợp toàn bộ các tiện ích, tính năng của ngân hàng điện tử, áp dụng các công nghệ nhận diện sinh trắc học tiên tiến nhất giúp khách hàng giao dịch đơn giản, tiện lợi với tính an toàn và bảo mật cao.
Tính đến ngày 31-5, số lượng tài khoản được mở bằng phương thức eKYC đạt hơn 3,9 triệu khách hàng.
Từ khi áp dụng mở tài khoản bằng phương thức eKYC, số lượng khách hàng mới mở tài khoản eKYC tăng mạnh qua các năm. Như lượng tài khoản mở năm 2022 tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2021.
Dù đến 17h30 chiều nay 16-6 mới khai mạc lễ hội Cashless Town, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online cho thấy không khí tại các gian hàng đã nóng ngay từ sáng. Nhiều khách hàng đã đến để trải nghiệm dịch vụ và nhận quà.
Tại gian hàng JCB, ông Kazuma Shukuin - trưởng đại diện JCB Việt Nam - cho biết JCB rất vinh dự được đồng hành cùng chương trình và tham gia Lễ hội Không tiền mặt 2023.
Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, JCB mong muốn mang thương hiệu JCB đến gần khách hàng hơn.
"Là thương hiệu thanh toán quốc tế uy tín và duy nhất đến từ Nhật Bản, JCB đã lên ý tưởng về một góc nhỏ Nhật Bản để quý khách hàng có thể tham quan, check-in tại cây Sakura - quốc hoa Nhật Bản, trải nghiệm Yukata - trang phục truyền thống của Nhật và nhận những phần quà Nhật Bản xinh xắn như mèo may mắn Maneki Neko, móc khóa, túi tote JCB. Mong là quý khách hàng đến góc nhỏ của JCB thì sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về sản phẩm thẻ và yêu thích thương hiệu của chúng tôi hơn", ông Kazuma Shukuin cho biết.
Gian hàng của NAPAS nhộn nhịp khách tham gia các trò chơi liên quan đến thanh toán không tiền mặt như: ai tạo mã VietQR nhanh nhất; Trò chơi vòng quay may mắn trả lời các câu hỏi hiểu biết về thanh toán không tiền mặt như: Mã QR là gì? Cách tạo mã VietQR để thanh toán? Thẻ tín dụng nội địa là gì?...
Hoặc khách hàng có thể trải nghiệm thanh toán mua các sản phẩm chất lượng như bình nước Lock&Lock, mũ lưỡi trai, túi vải canvas... chỉ với các mức giá siêu hời như 30.000 - 50.000 đồng trên một sản phẩm hoặc set quà.
Theo NAPAS, với hàng nghìn phần quà và trò chơi thú vị được chuẩn bị cho Ngày không tiền mặt năm nay sẽ tạo nên những trải nghiệm thú vị, tiện ích, hấp dẫn về thanh toán không tiền mặt, từ đó sẽ có nhiều người thay đổi cách nhìn lẫn thói quen thanh toán không tiền mặt.
Tại gian hàng HDBank, nhiều khách hàng cũng hào hứng mở tài khoản online và đăng ký sử dụng thẻ HDBank - Petrolimex để được gắp quà với tỉ lệ trúng lên 100%.
Trong khi đó, tại gian hàng của Ngân hàng hàng ACB, khi khách hàng mở tài khoản online và kích hoạt thành công thẻ ACB UrBox Visa debit có thể nhận được gói quà tặng chào mừng trị giá lên đến 1 triệu đồng.
Tại gian hàng của Visa, khách hàng có thể thanh toàn bằng thẻ Visa để mua kem Snowee với giá 16.600 đồng (trong khi giá thông thường là khoảng 60.000 đồng).
Nếu khách hàng chụp ảnh miễn phí tại photobooth của Visa và đăng trên mạng xã hội với hashtag #Visa #Luônbênbạnnơibạnmuốnđến còn được tặng bộ sticker của cầu thủ bóng đá Huỳnh Như.
Vào khung giờ vàng còn có chương trình Lucky draw (quay số may mắn) với giải thưởng là 10 quả bóng chính thức của FIFA Women's 2023 có chữ ký của Huỳnh Như.
Sáng 26-5, họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng “Ngày không tiền mặt năm 2023” được Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức tại TP.HCM.