Sau khi mở rộng quy mô, Shein, ứng dụng thời trang nhanh “nguy hiểm” nhất thế giới, đã hạn chế mối liên đới với Trung Quốc. Công ty này chuyển trụ sở chính đến Singapore, thiết lập các hoạt động mới ở Ireland, Ấn Độ, đồng thời chuẩn bị cho một đợt chào bán công khai tiềm năng trong năm nay tại Mỹ.
Tuy nhiên, nhà bán lẻ này không thể ngay lập tức rũ bỏ hoàn toàn với Trung Quốc. Cùng với các thương hiệu khác như ứng dụng video ngắn TikTok và ứng dụng mua sắm Temu, Shein vô hình chung trở thành mục tiêu của giới lập pháp Mỹ. Họ cáo buộc hãng này sản xuất quần áo từ những loại vải được tạo ra từ lao động cưỡng bức - điều mà Shein trước giờ vẫn phủ nhận.
Trước đó, các nhà sản xuất và hiệp hội tại Mỹ cũng gửi đơn khiếu nại, cho rằng Shein và các nhà bán lẻ Trung Quốc khác đang lợi dụng kẽ hở trong luật hải quan để nhập hàng hóa không cần trả thuế. Phía Shein cũng bị cáo buộc thu lợi từ “chất xám” của các thương hiệu khác.
“Đừng ai bị lừa bởi những nỗ lực che đậy dấu vết của Shein”, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, nói.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung, một số thương hiệu Trung Quốc đang tách mình ra khỏi đất nước. Họ thành lập nhiều nhà máy và trụ sở mới bên ngoài đại lục, nhấn mạnh các mối quan hệ đối ngoại và hạn chế tối đa việc nhắc đến “Trung Quốc” trong các tuyên bố.
Chẳng hạn, TikTok đã thành lập trụ sở chính tại Los Angeles và Singapore, đồng thời đầu tư vào các hoạt động mới tại Mỹ. Temu thành lập trụ sở chính tại Boston và công ty mẹ của nó, PDD Holdings, cũng đã chuyển trụ sở chính sang Ireland.
Ngoài ra, một số công ty năng lượng mặt trời Trung Quốc còn thành lập các nhà máy bên ngoài Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ. Điển hình, JinkoSolar, gã khổng lồ sản xuất 1/10 mô-đun năng lượng mặt trời lắp đặt trên toàn cầu, đã thiết lập chuỗi cung ứng hoàn toàn bên ngoài đại lục để sản xuất hàng hóa cho Mỹ. Nhiều công ty thuộc sở hữu nước ngoài cũng có động thái hạn chế tương tự nhằm tránh việc ảnh hưởng danh tiếng.
Shein, trong một tuyên bố đã khẳng định, mình là “một công ty đa quốc gia hoạt động đa dạng trên khắp thế giới với tệp khách hàng tại 150 thị trường. Công ty cho biết họ không khoan dung đối với lao động cưỡng bức và tuân thủ đầy đủ tất cả các luật thương mại và thuế quan Mỹ.
Trong khi đó, TikTok tuyên bố Trung Quốc không có quyền kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp đối với ByteDance hay ứng dụng video ngắn. Hơn nữa, ByteDance là một công ty tư nhân, có văn phòng trên toàn cầu.
“Khoảng 60% ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu như BlackRock và General Atlantic”, phát ngôn viên Brooke Oberwetter cho biết.
Theo các chuyên gia, có nhiều động cơ thúc đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi đại lục, chẳng hạn như tăng khả năng tiếp cận khách hàng nước ngoài hoặc phòng tránh các rủi ro bị giới chức nhòm ngó. Tuy nhiên, theo Shay Luo, giám đốc công ty tư vấn Kearney, một số công ty muốn giảm chi phí lao động và vận chuyển vẫn tiếp tục gắn bó với dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.
Đối với các công ty Trung Quốc, tham vọng vươn ra toàn cầu không mới. Chính phủ đã khởi xướng chính sách này vào đầu thế kỷ để khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài và tranh giành thị trường. Các công ty tư nhân như điện tử Lenovo, nhà sản xuất thiết bị Haier và gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã sớm theo sau để tìm kiếm mục tiêu đầu tư và khách hàng mới.
Chính sách thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc từ thời cựu Tổng thống Donald J. Trump đã khuyến khích các công ty chuyển dần hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Đại dịch cũng làm trầm trọng hoá hệ luỵ của việc phụ thuộc vào một quốc duy nhất, từ đó càng thúc đẩy nhiều nhà sản xuất tìm kiếm sự lựa chọn thay thế.
“Bản thân những căng thẳng địa chính trị có thể không dẫn đến làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng đâu. Tuy nhiên, đại dịch chính xác là yếu tố thêm dầu vào lửa”, Ashutosh Sharma, Giám đốc nghiên cứu tại Forrester chia sẻ với BI.
Gã khổng lồ công nghệ Apple là ví dụ điển hình cho việc phụ thuộc quá mức vào dây chuyền sản xuất Trung Quốc. Chính sách Zero-COVID đã khiến sản lượng iPhone của hãng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó thúc đẩy kế hoạch tìm một quốc gia châu Á mới tiềm năng hơn.
Ấn Độ lúc này trở thành ứng cử viên sáng giá, nhất là sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
“Ấn Độ có lực lượng lao động lớn, lịch sử sản xuất lâu đời cùng sự hỗ trợ của chính phủ nhằm thúc đẩy công nghiệp và xuất khẩu. Nhiều người đang xem xét xem, liệu Ấn Độ có phải giải pháp thay thế khả thi cho Trung Quốc hay không”, Julie Gerdeman, Giám đốc điều hành rủi ro chuỗi cung ứng nền tảng quản lý Everstream, nói.
Nhiều công ty đa quốc gia đang áp dụng mô hình “Trung Quốc+1” để đảm bảo nguồn hàng bổ sung. Trong 1 năm, tính đến tháng 4 vừa, tỷ trọng hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc đạt mức thấp nhất kể từ năm 2006.
Roselyn Hsueh, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple, cho biết: “Đó chắc chắn là một chiến lược hợp lý để các công ty này ra nước ngoài, chuyển dây chuyền sản xuất hoặc trụ sở của họ sang nước thứ ba”.
Theo Isaac Stone Fish, giám đốc điều hành của Strategy Risks, “các công ty như Shein và TikTok chuyển ra nước ngoài để giảm rủi ro pháp lý, đồng thời tăng mức độ uy tín tại Mỹ”.
Theo: The New York Times, WSJ