Cô gái phát trực tiếp quảng cáo về than trong phiên livestream cho Huaze Coal Industry trên ứng dụng Douyin (TikTok) ngày 15/6/2023. Ảnh: reuters.com
Tình trạng than đá tồn kho tại nhiều bến cảng và nhà máy điện của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây, do nền kinh tế trì trệ làm giảm nhu cầu về nhiên liệu giá rẻ. Do vậy, một số công ty khai thác mỏ đang chọn cách sáng tạo hơn để tiếp cận khách hàng.
Công ty than Huaze Coal Industry vừa mở một đợt bán hàng qua livestream gần đây. Trong sự kiện này, người bán hàng là một phụ nữ trẻ đội mũ bảo hộ và mặc bộ đồ thợ mỏ. Cô gái cầm một cục than và quảng cáo đó là than dạng bột có hàm lượng năng lượng 5.500 kcal được khai thác trực tiếp ở tỉnh Sơn Tây. Giá bán của 1 tấn than này là 570 - 600 nhân dân tệ (khoảng 1,8 triệu – 2 triệu đồng).
Họ nhận vận chuyển đơn hàng tối thiểu từ 30 – 35 tấn bằng tàu hỏa. Điều này cho thấy thị trường mà công ty Huaze nhắm đến là những người khách hàng công nghiệp mua buôn.
Mức giá bán qua livestream được cho là cạnh tranh hơn so với thị trường chính thức ở Trung Quốc. Tuần trước, than nhiệt 5.500 kcal trong nước được giao dịch ở mức khoảng 800 nhân dân tệ/tấn.
Mặc dù việc bán buôn các mặt hàng công nghiệp như vậy không còn mới đối với các nền tảng phát trực tuyến của Trung Quốc, nhưng nó đang có xu hướng tăng lên.
Ba trong số các kênh bán than hoạt động tích cực nhất trên nền tảng TikTok (ở Trung Quốc gọi là Douyin) - được xác định là Huaze Coal, Guohai Daily Coal Price và Jixing Coal – đã tổ chức tổng cộng 164 sự kiện bán hàng trực tuyến trong quý 2 của năm 2023, tăng từ 120 sự kiện trong quý 1 và 107 sự kiện trong quý cuối năm ngoái.
Các chương trình có thể kéo dài hơn hai giờ. Mặc dù không rõ những sự kiện bán hàng đó đem về được bao nhiêu doanh thu, nhưng chúng thu hút rất nhiều bình luận từ người xem./.