Ông Benjamin Diokno, Bộ trưởng Tài chính và là thành viên của hội đồng quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP), kỳ vọng lãi suất cơ bản sẽ duy trì ở mức hiện tại trong thời gian còn lại của năm 2023 do lạm phát của nước này vẫn ở mức cao.
Lạm phát tại Philippines đang giảm nhưng vẫn ở mức cao trên mức mục tiêu. Nguồn: Bloomberg. |
BSP có thể sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 6,25% trong phiên họp chính sách tiếp theo vào ngày 22/6 sắp tới và có thể trong thời gian còn lại của năm 2023, ngay cả khi lạm phát đang chậm lại, ông Diokno cho biết.
Khi được hỏi liệu ông có thấy việc cắt giảm lãi suất là cần thiết hay không, ông Diokno trả lời: “Tôi nghĩ rằng chúng ta cần giữ nguyên lãi suất trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, nếu lạm phát giảm đáng kể thì chúng tôi sẽ cân nhắc việc cắt giảm lãi suất chính sách. Tôi nghĩ, đã đến lúc có thể xem xét dần về việc cắt giảm lãi suất chính sách trong thời gian tới, có thể là vào quý đầu tiên của năm 2024”.
BSP đã tăng lãi suất cơ bản thêm 425 điểm cơ bản kể từ tháng 5/2022 đến nay để kiềm chế lạm phát. Tỷ lệ lạm phát của Philippines đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 14 năm qua, và hiện lạm phát lõi của Philippines đang neo ở mức 7,7%.
Ủy ban Điều phối ngân sách phát triển (DBCC) nâng dự báo lạm phát trung bình năm 2023 lên mức từ 5 - 7% do giá lương thực, năng lượng và chi phí vận tải vẫn ở mức cao.
Ông Diokno mô tả động thái tăng lãi suất của BSP là một trong những chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất của khu vực Đông Nam Á. Theo vị Bộ trưởng tài chính này, ngay cả khi tỷ lệ lạm phát đạt mức cao nhất trong 16 năm, nền kinh tế Philippines trong quý II/2023 vẫn có thể tăng trưởng với tốc độ tương tự như trong quý I.
Philippines đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 7% trong năm 2023, thấp hơn mức tăng 7,6% trong năm 2022.
Ngoài ra, ông Benjamin Diokno cho biết, Chính phủ Philippines đặt mục tiêu huy động khoảng 2 tỷ USD từ việc bán trái phiếu.